VẸT KHANG

VẸT KHANG

VẸT KHANG

  • Tên khoa học : Bruguiera sexangula (Lour.) Poiret. 1816
  • Họ : Đước - Rhizophoraceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố :

  • 1.1VẸT KHANG

    Bruguiera sexangula (Lour.) Poiret. 1816
    Tên đồng nghĩa:          Bruguiera eriopetala Wight & Arnott ex Arnott, 1838; Rhizophora sexangula Lour.,1790
    Tên khác:                    Vẹt đen, Bông bạp, Rạch cát
    Họ:                              Đước – Rhizophoraceae
    Tên thương phẩm:      Black mangrove (Anh)

    1.1.1Hình thái

    Cây gỗ cao 15-20m, đường kính 40-60cm hay hơn, bạnh gốc cao trên 1m. Vỏ thân nhẵn màu xám tro hoặc nâu nhạt, có ít lỗ vỏ lớn, đặc biệt nhiều lỗ vỏ trên bạnh gốc. Gốc thân có rễ chống ít, nhưng rễ thở khá phát triển, hình đầu gối cao tới 45cm.
    Lá đơn, mọc đối, tập trung phía đầu cành, dày, cứng, nhẵn, hình bầu dục đến bầu dục thuôn, it khi hình mác ngược, hẹp dần về hai đầu, dài 8-16cm, rộng 3-6cm, mép nguyên; gân bên 7-11 đôi. Cuống lá dài 1-3cm. Lá kèm thành đôi, màu lục nhạt hay mầu vàng, dài 3-4cm, sớm rụng.
    Hoa màu vàng, mọc đơn độc ở nách lá, dài 2,7-4cm, có cuống dài 6-12mm, màu xanh, vàng hay nâu nhạt, cong xuống. Đài hình ống, 10-12 thuỳ màu vàng, nâu vàng hay hay đỏ nhạt, đầu mỗi thuỳ có 3 lông tơ; ống đài dài 1-1,5cmm có gờ rõ ở gốc. Tràng 10-12 cánh hoa, dài 1,5cm, đầu chia 2 thuỳ, màu trắng nhạt, sau chuyển thành mầu nâu vàng, đỉnh mang 3 gai cứng; phía ngoài cánh hoa có lông dày. Nhị 10-12; mỗi cánh hoa ôm một đôi nhị; nhị dài 7-14mm; bao phấn hình dải. Bầu 2-4 ô, đầu chia 3-4 nhánh.
    Quả mập, dài 1,5-1,8cm, mang đài tồn tại, chứa 1 hạt. Trụ mầm hơi cong, có cạnh, phần cuối nhỏ dần.

    1.1.2Các thông tin khác về thực vật

    Vẹt khang có đặc điểm hình thái gần giống vẹt dù, nhưng phân biệt với vẹt dù ở chỗ có cuống lá màu vàng, còn cuống lá vẹt dù màu đỏ. Vẹt khang có khu phân bố hẹp hơn vẹt dù.

    1.1.3Phân bố

    Việt Nam:
    Cây phân bố ở các tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào Nam: Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Tph. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu. Từ Nghệ An trở ra không gặp vẹt khang. Ở các tỉnh ven biển vùng châu thổ Sông Hồng, chỉ có vẹt dù (Bruguiera gymnorhiza) phân bố.
    Thế giới:
    Vẹt khang phân bố ở Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Malaysia, Cămpuchia, Indonesia, Philippin và New Guinea.

    1.1.4Đặc điểm sinh học

    Vẹt khang mọc trên phần đất đã cố định hơn so với các loại vẹt khác; ở đó không thường xuyên bị ngập bởi nước triều. Thường gặp vẹt khang mọc ven các con sông có thuỷ triều lên xuống hoặc các cửa sông lớn đổ ra biển. Rất ít khi gặp vẹt khang trên đất cát, nơi không còn hay còn ít bùn phù sa bồi. Chúng thường mọc ở các nơi nước có độ mặn đã giảm nhiều so với nước biển ngoài khơi. Chúng cũng xuất hiện bên bờ các kênh đào thông ra biển.
    Diễn thế của rừng ngập mặn ven biển gồm 4 giai đoạn: giai đoạn tiên phong, với các loài mắm; giai đoạn hỗn hợp với các loài đước, vẹt, trang...; giai đoạn ưu thế của các loài vẹt, dà và giai đoạn cuối cùng, khi bãi triều được nâng lên, với các loài cây bụi và cây gỗ nhỏ như su, tra, giá, mớp. Vẹt khang thường xuất hiện ở giai đoạn 2 và 3 và cùng mọc với: đước, đâng, trang, dà và các loài cây ngập mặn khác.
    Vẹt khang có mùa hoa nở và trụ mầm chín tuỳ theo địa phương khác nhau. Nhìn chung, càng ra phía Bắc thì các giai đoạn vật hậu của cây càng chậm. Mùa hoa nở của vẹt khang ở Cần giờ (Tph. Hồ Chí Minh) là từ tháng 3-5, và mùa trụ mầm chín tháng 6-7; sớm hơn mùa hoa của vẹt khang ở Huế (tháng 3-10) và mùa trụ mầm chín (tháng 9-11).

    1.1.5Công dụng

    Vẹt khang có vỏ là nguồn khai thác tanin ở vùng ven biển. Vỏ vẹt khang tuy mỏng hơn vỏ cây các loài đước và đâng, nhưng tỷ lệ tanin trong vỏ vẹt khang lại cao hơn vỏ của các loài trên (20-25% trọng lượng vỏ). Tanin trong vỏ vẹt kgang được dùng nhuộm lưới, buồm... trong nghề đánh cá biển.
    Theo Crevost Ch. & Petelot A., (1941) tanin của vẹt khang có thành phần như sau:
               
    Độ ẩm 16,3%
    Chất hoà tan - Tanin 22,0%
    Không tanin 10,1%
    Chất không hoà tan: 51,6%
      100,00%
     
     
    Than và củi của vẹt khang cho năng lượng cao, khoảng 20.200 kJ/kg nên rất được ưa chuộng. Ở các địa phương có rừng ngập mặn, cành và gỗ cây chưa trưởng thành thường được dùng vào mục đích trên. Gỗ của cây vẹt khang trưởng thành khá cứng, và nặng, tỷ trọng 0,82-1,01 ở độ ẩm 150C, có mầu rất hấp dẫn, thớ thẳng và mịn, rất bền, nhưng rất khó cưa và đánh bóng. Nếu dùng ngoài trời hoặc các công việc tiếp xúc với đất thì không bền, nên được dùng làm cột và vật liệu xây dựng khác.
    Ở Ấn Độ và Malaysia, quả vẹt khang được dùng ăn trầu hoặc làm thuốc chữa các bệnh ngoài da; rễ và lá dùng chữa bỏng. Ở Sulawesi, quả được luộc lên, ngâm nước qua đêm và có thể ăn được.

    1.1.6Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

    Ở Thạch Mỹ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã trồng vẹt khang bằng cách cắm 1/3 trụ mầm xuống bùn. Tỷ lệ sống khá cao (75-80%). Sau khi trồng 10 tháng cây cao 25-40cm, nhưng tốc độ tăng trưởng nói chung chậm so với các loài cây ngập mặn khác. Nếu trồng trong túi bầu, sau 5 tuần trụ mầm đâm chồi. Theo kinh nghiệm Malaysia, không có sự sai khác về tỷ lệ sống giữa trồng trực tiếp và trồng bằng gieo ươm trụ mầm trong túi bầu.
    Nên gieo trong túi bầu trong vườn ươm một thời gian, vì khi gieo thẳng, trụ mầm dễ bị sóng và thuỷ triều làm bật lên và cuốn đi mất.
    Sau khi trồng, vẹt khang cũng giống như vẹt dù, dễ bị sâu đục thân phá hại. Cần theo dõi thường xuyên để bảo vệ các cây mới trồng.

    1.1.7Khai thác, chế biến và bảo quản

    Gỗ và vỏ được thu hái vào mùa khô sẽ có tỷ lệ nước thấp, dễ chế biến và bảo quản. Có thể thu hái vỏ quanh năm, nhưng phụ thuộc vào mùa khai thác gỗ. Sau khi cây chặt xuống cũng dùng dao hoặc rìu lóc hết vỏ rồi xếp thành đống (không phơi ngoài nắng), để làm nguyên chiết xuất thác tanin như vẹt dù.

    1.1.8Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn

    Các loài vẹt trụ và vẹt tách chỉ phân bố ở ven biển các tỉnh phía Nam; còn vẹt khang có khu phân bố rộng hơn. Đã gặp loài này mọc ở Hà Tĩnh. Vì vậy có thể chọn vẹt dù và vẹt khang để trồng rừng ngập mặn ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam cùng với trang (Kandelia obovata) và đưng hay đước nhọn (Rhizophora mucronata).