Cây Bách Hợp

Cây Bách Hợp

Cây Bách Hợp

  • Tên khoa học : Lilium brownii F. E. Brown var. viridulum Baker, 1885
  • Họ : Loa kèn - Liliaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Lào Cai (huyện Sa Pa, Bát Xát); Lai Châu (Phong Thổ, Than Uyên, Sìn Hồ); Hà Giang (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc); Cao Bằng (Đèo Gió); Yên Bái, Kon Tum
  • Nguồn ảnh : Internet

  • Tên khoa học: Lilium brownii F. E. Brown var. viridulum Baker, 1885
    Tên đồng nghĩa:
    Lilium brownii var. colchesteri Wils. ex Stapf., 1921
    Tên khác:
    Tỏi rừng, tỏi trời; khẻo ma, sluôn phạ (Tày); kíp pá (Thái); cà ngái dòi (Dao); Brown’s lily (Anh)
    Họ:
    Loa kèn – Liliaceae

    1. Đặc điểm hình thái

    Cây thảo, cao 0,5 – 1 m. Thân hành màu trắng đục hoặc hồng nhạt, tạo thành bởi nhiều vảy hành, nhẵn. Thân trên mặt đất mọc đứng, không phân nhánh, nhẵn, màu lục, khi non có điểm những đốm đỏ. Lá mọc so le, có bẹ, hình mũi mác, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, gân lá hình cung, hai mặt nhẵn.
    Cụm hoa mọc ở ngọn thân Lá bắc dạng lá. Hoa to, mọc 2 – 5 cái màu trắng ngà, hoặc vàng ngà, họng màu tím; tràng hoa hình phễu hay loa kèn, miệng xẻ 5 phiến, khi nở cong ra ngoài; chỉ nhị mảnh dài, bao phấn màu vàng, hình trái xoan hay thuôn.
    Quả nang, dài 4 – 5 cm, có 3 ngăn; hạt nhỏ, nhiều.
    2. Đặc điểm sinh thái
    Bách hợp là cây ưa sáng và ưa khí hậu ẩm mát. Thường mọc ở vùng núi cao (1.300 – 2.100 m); nhiệt độ trung bình 13 – 17oC; về mùa đông, khi cây đã tàn lụi, chúng có thể chịu được nhiệt độ 5 – 0oC (vùng đèo Hoàng Liên Sơn, độ cao 2.100 m). Vào đầu mùa xuân, từ thân hành dưới mặt đất mọc lên 1 thân khí sinh mang lá, đến tháng 6 – 7 ra hoa kết quả. Quả già tồn tại đến tháng 10 – 11; khi quả già khô xác, tự mở theo 3 rãnh dọc cho hạt phát tán ra xung quanh. Cây con mọc từ hạt quan sát được vào tháng 5 – 7.
    Bách hợp thường mọc lẫn trong các trảng cỏ hoặc cây bụi thấp ở trên các sườn núi, các hốc đá ở chân núi. Ở đèo Hoàng Liên Sơn (phía Lai Châu), bách hợp mọc lẫn với nhiều loại cỏ cao. Do thảm cỏ dày, để cạnh tranh ánh sáng, cây thường phải vươn rất cao và cho hoa quả nhiều. Khi hạt giống rơi xuống, nếu không tiếp xúc được với mặt đất sẽ không có cơ hội nảy mầm.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Lào Cai (huyện Sa Pa, Bát Xát); Lai Châu (Phong Thổ, Than Uyên, Sìn Hồ); Hà Giang (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc); Cao Bằng (Đèo Gió); Yên Bái (Mù Cang Chải); Kon Tum (Tu Mơ Rông)…
    Thế giới:
    Trung Quốc.
    4. Giá trị sử dụng
    Bộ phận dùng:
    Các hành nhỏ, tách ra từ thân hành, đã được phơi hay sấy khô.
    Thành phần hóa học:
    Bách hợp chứa tinh bột 30%, protid 4%, chất béo 0,1%, colchicein và vitamin C. Ngoài ra, còn có một số chất khác như: asdenosin; methyl-a-D manopyranosid; reganosid A, D, E, F; tenuifoliosid A, B; linosid A, B…
    Công dụng:
    Bách hợp là vị thuốc quý dùng trong y học cổ truyền, làm thuốc chữa ho, bổ phổi, sốt, thần kinh suy nhược… Liều dùng 15 – 30 g / ngày dưới dạng thuốc bột hoặc sắc uống; thường phối hợp với các cây thuốc khác.
     5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Bách hợp chưa được trồng trên quy mô lớn, mới chỉ được trồng trong phạm vi thực nghiệm với mục đích bảo tồn, tại Trạm cây thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu).
    Cách trồng:
    Tháng 10 - 11 đào lấy những củ bách hợp trong tự nhiên, đem về tách riêng các hành nhỏ, để cho hơi bị héo (khô vỏ ngoài). Đến tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau đem trồng ở vườn, với cự ly 40 x 40 cm / cây. Ngoài ra, có thể nhổ các cây con mọc từ hạt trong tự nhiên về để trồng. Cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, sau 18 tháng mới cho hoa quả lần đầu.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Khai thác bách hợp vào tháng 10 – 12. Đào sâu lấy toàn bộ phần thân hành; cắt bỏ thân, rễ; rửa sạch, tách từng hành con riêng rẽ; sau đó đem đồ qua hoặc nhúng nước sôi 30 phút, vớt ra đem phơi hoặc sấy khô. Có trường hợp trước khi dùng, tẩm mật, sao qua.
    Chú ý bảo quản cẩn thận vì dược liệu dễ bị mốc.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Bách hợp được coi là nguồn gen quý hiếm ở Việt Nam. Ngoài giá trị làm thuốc, cây còn được trồng làm cảnh do có hoa đẹp, khá bền lại có mùi thơm nhẹ.
    Trong những thập ký 60 – 70 của thế kỷ trước, ngành Y tế đã từng khai thác thu mua bách hợp để làm thuốc. Sau đó, do thấy trữ lượng tự nhiên ít nên đã đình chỉ và tìm cây thuốc khác thay thế. Mặc dù vậy, cây thuốc này vẫn bị một số người khai thác bán qua biên giới (1990 – 1992). Hiện cây đã trở nên hiếm rõ rệt và đã được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2006), để khuyến cáo bảo vệ.
    Cần nghiêm cấm khai thác cây mọc tự nhiên; nghiên cứu phát triển trồng ở một số tỉnh vùng núi cao phía Bắc.
    8. Tài liệu tham khảo