Cây Chè Dây

Cây Chè Dây

Cây Chè Dây

  • Tên khoa học : Ampelopsis cantoniensis (Hook. et Arn.) Planch., 1887
  • Họ : Nho - Vitaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Lạng Sơn; Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Kạn, Ninh Bình
  • Nguồn ảnh : Internet

  • Cây Chè Dây
    Tên khoa học: Ampelopsis cantoniensis (Hook. et Arn.) Planch., 1887
    Tên đồng nghĩa: Cissus cantoniessis Hook. et Arn., 1833
    Tên khác: Chè hoàng giang, song nho; pàn oỏng, khau cha (ché), khau sả (Tày)
    Họ: Nho - Vitaceae

    1. Đặc điểm hình thái
    Dây leo nhỏ, hóa gỗ; cành hình trụ, nhẵn, lúc non có thể có lông; có tua cuốn dài, đầu chẻ đôi, mọc đối diện với lá, đôi khi thay thế cụm hoa tiêu giảm. Lá kép lông chim 1 – 2 lần, lẻ, mọc so le, có cuống; lá chét hình trái xoan hoặc hình mác, dài 2,0 – 3,5 cm, rộng1,5 – 2,5 cm, lá chét tận cùng thường lớn hơn các lá chét khác; gốc lá chét tròn, đầu nhọn, mép có răng cưa thô, hai mặt nhẵn, mặt trên xanh, mặt dưới màu nhạt như có lớp phấn màu trắng xám.
    Cụm hoa ngù, phân nhánh, mọc đối diện với lá, cuống cụm hoa nhẵn, dài 3 – 10 cm. Nụ lúc non tròn, sau gần hình trứng. Hoa nhỏ, màu trắng ngà; đài 5; hợp ở gốc tạo thành hình chén, có lông mịn; 5 cánh hoa, mép hơi nhẵn; 5 nhị, chỉ nhị mảnh, bao phấn lõm ở đầu, trung đới màu nâu; có đĩa mật, mép đĩa mật hơi dày; bầu hình nón, nhẵn, 2 ô, mỗi ô có 2 noãn.
    Quả mọng hình cầu, đường kính 0,5 – 1,0 cm, già màu đỏ, khi chín màu tím đen; 3 – 4 hạt hình trái xoan, vỏ hạt nhăn nheo.
    2. Đặc điểm sinh thái
    Chè dây là cây ưa ẩm, ưa sáng và ưa khí hậu mát. Vì thế ở Việt Nam, chỉ thấy cây mọc ở vùng núi trên độ cao từ 700 – 1.500 m. Cây thường mọc ở ven rừng kín thường xanh ẩm, trên núi đất hay đá vôi (Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang); Cây còn thấy ở trong các trảng cây bụi hay rừng thứ sinh trên đất sau nương rẫy. Chè dây có biên độ sinh thái tương đối rộng; nhiệt độ không khí trung bình ở những nơi có chè dây phân bố kể trên từ 15,3oC (Sa Pa, Phó Bảng) đến khoảng 22,5oC (Gia Lai). Về mùa đông ở vài nơi, nhiệt độ có khi xuống tới 0oC, cây vẫn có thể tồn tại, nhưng ở trong trạng thái ngừng sinh trưởng. Chè dây sinh trưởng phát triển mạnh trong mùa mưa ẩm, tốc độ tăng trưởng của cây có thể tới 1,0 m / năm về chiều dài và phân nhánh khỏe. Bởi vậy, cây thường leo trùm lên những cây bụi và cây gỗ nhỏ.
    Chè dây ra hoa quả hàng năm. Mùa hoa quả có thể từ tháng 6 (ở Miền Nam) và tháng 7 (ở Miền Bắc); quả chín vào khoảng tháng 10 – 11. Tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Tuy nhiên, cây còn có khả năng tái sinh chồi rất khỏe sau khi bị chặt, phát. Đặc điểm này giúp cho việc khai thác cành lá lâu dài trong nhiều năm.
    Thông tin khác về thực vật
    Chi Song nho (Ampelopsis Mich.), họ Vitaceae, trên thế giới có khoảng gần 30 loài. Ở Việt Nam có 5 loài, trong đó 2 loài là chè dây và chè dây lá mỏng (Ampelopsis annamensis Gagnep.). Nhìn hình thái bên ngoài chúng tương đối giống nhau, nhất là về dạng lá và cách phát hoa. Để phân biệt được 2 loài này cần phải nghiên cứu về hình thái các bộ phận của hoa (Gagnep., 1912 và 1950; Nguyễn Thế Cường và Vũ Xuân Phương, 2004). Đây là một trở ngại trong việc nhận biết nhanh để phân biệt giữa 2 loài cùng chi này.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Lạng Sơn (huyện Tràng Định, Cao Lộc, Văn Quan); Cao Bằng (Trùng Khánh, Quảng Hòa), Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát), Hà Giang (Đồng Văn, Quản bạ, Yên Minh), Hà Tĩnh (Hương Sơn), Quảng Nam (Đông Giang, Tây Giang và Trà My), Kon Tum (Kon Plông, Đắk Tô, Đắk Glei, Ngọc Hồi), Gia Lai (K’Bang) – (Nguyễn Tập và cộng sự, 2000 và 2004), Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai (Võ Văn Chi, 1997). Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Kạn, Ninh Bình (Sa Nhật Tâm, 2001).
    Thế giới:
    Trung Quốc, Lào, Ấn Độ, Indonesia.
    4. Bộ phận dùng và công dụng
    Bộ phận dùng:
    Toàn bộ phần cành nhỏ mang lá, phơi hoặc sấy khô
    Thành phần hóa học:
    Lá chè dây chứa Flavonoid toàn phần với hàm lượng 18.15%. Flavonoid tồn tại dưới 2 dạng aglycon và glycosid. Hỗn hợp flavonoid chứa hai chất myricetin (3,5,7,3’,4’,5’ – hexahydroxy flavon) và 2,3 – dyhydromyricetin (Phùng Thị Vinh, 1995). Ngoài ra, còn có tanin và các chất vô cơ khác.
    Rễ chè dây chứa ampelopsin và myricetin (Trung Dược Từ Hải, I, 1993)
    Công dụng:
    Cành nhỏ và lá chè dây khô dùng nấu nước uống thay chè. Nước chè dây có vị chát, sau hơi ngọt, thơm, dễ uống.
    Uống nước sắc chè dây có tác dụng trị đau dạ dày.
    Liều dùng hàng ngày: 30 – 50 g dưới dạng thuốc hãm hay thuốc sắc
    Một đợt điều trị từ 15 ngày đến 1 tháng.
    5. Kỹ thuật nhân giống và gieo trồng
    Hiện tại chưa có ai nghiên cứu trồng chè dây. Tuy nhiên, vào năm 2000, khi tiến hành nghiên cứu các đặc điểm sinh học cây thuốc này, Sa Nhật Tâm đã nhân giống hom chè dây (có dùng chất kích thích ra rễ) đạt tỷ lệ mọc chồi và rễ trên 90%. Do hạn chế bởi thời gian của một luận văn cử nhân sinh học, thí nghiệm này không được tiếp tục về sau, nên không rõ kết quả trồng. Chè dây còn có thể nhân giống từ hạt, vào mùa xuân. Thiết nghĩ, đây là những nghiên cứu cần sớm hoàn thiện thêm, vì chè dây là cây có nhu cầu sử dụng nhiều, trong khi đó nguồn trữ lượng tự nhiên dù sao cũng chỉ có hạn.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Khai thác:
    Mùa thu hoặc tốt nhất vào mùa đông sau khi quả đã chín và phát tán hạt. Cắt lấy toàn bộ các cành nhỏ mang lá, băm nhỏ, phơi hay sấy ở nhiệt độ 50 – 60oC cho đến khô. Từ phần thân và cành còn lại sẽ mọc ra nhiều chồi vào mùa xuân và cho khai thác tiếp vào năm sau.
    Dược liệu khô được đóng vào bao tải hay bao nilon dày; để nơi khô ráo, tránh bị mốc. Lá chè dây khô để sau 2 – 3 tháng thấy phồng lên những nốt sần nhỏ, màu trắng xám, nhưng không phải dược liệu bị mốc. Cần chú ý để phân biệt.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học, thị trường và bảo tồn
    Việc sử dụng chè dây làm thuốc chữa đau dạ dày có xuất xứ từ kinh nghiệm của đồng bào Tày ở Tràng Định (Lạng Sơn) và Trùng Khánh (Cao Bằng). Kết quả nghiên cứu hóa học và dược học đã xác định, các flavonoid chứa trong lá và thân có tác dụng chữa viêm loét dạ dày. Hợp chất này không gây nhiễm độc về mặt sinh hoá.
    Bên cạnh cách sử dụng chè dây dưới dạng thuốc sắc và pha thành trà uống, trường Đại học Dược Hà Nội còn chế ra sản phẩm Ampelop chứa 50% flavonoid toàn phần và Viện Dược liệu cũng tạo ra thuốc Cantonin với 80% flavonoid toàn phần. Thuốc được chế tạo dưới dạng viên nén hay viên con nhộng và đã bán rộng rãi trên thị trường.
    Chè dây là cây thuốc quý của Việt Nam. Dược liệu chè dây khô có giá bán tại chỗ 5.000 – 10.000 đ / kg khô; giá bán tại Sa Pa có khi lên tới 25.000 đ / kg. Trữ lượng chè dây ở Việt Nam tương đối dồi dào. Riêng công ty Dược Traphaco ở Hà Nội, mỗi năm đã thu mua khoảng 10 – 30 tấn, để sản xuất thuốc ampelop chữa đau dạ dày. Ngoài ra, ước tính có khoảng 50 tấn được khai thác và sử dụng tại các địa phương. Dược liệu chè dây cũng đã được bán tại thành phố Hồ Chí Minh. Do khai thác nhiều lần ở các tỉnh Cao bằng, Lạng Sơn, Lào Cai ... nên nguồn chè dây ở đây bắt đầu cạn kiệt. Cần luân chuyển khai thác sang các địa phương khác.
    Để duy trì việc khai thác chè dây lâu dài trong tự nhiên, khi thu hái chú ý chỉ cắt lấy phần cành mang lá, để cho cây tiếp tục tái sinh. Hiện tại đã phát hiện có 3 vùng chè dây mọc Tập trung trên diện tích lớn, tại xã Tả Van (Sa Pa), xã Dền Sáng (Bát Xát) tỉnh Lào Cai và xã Phố Là (Đồng Văn) tỉnh Hà Giang; ngoài ra còn có ở một số tỉnh phía Nam, cần điều tra lại để khoanh vùng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, phát triển trồng chè dây ở các tỉnh miền núi, nhất là ở ven rừng núi đá vôi hoặc bờ các nương rẫy
    8. Tài liệu tham khảo