THANH MAI

THANH MAI

THANH MAI

  • Tên khoa học : Myrica esculenta Buch-Ham., 1825
  • Họ : Thanh mai - Myricaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố :

  • THANH MAI

    Myrica esculenta Buch-Ham., 1825
    Tên đồng nghĩa:          Myrica farquhariana Wallich, 1826; M. sapida Wallich,1826
    Tên khác:                    Dâu rượu, Dâu tiên (Quảng Bình), Kom gam (Thái),
     Họ:                             Thanh mai - Myricaceae
    Tên thương phẩm:      Strawberry tree, Box myrtle (E)

    1.1.1Hình thái

    Cây gỗ nhỏ, thường xanh, tán rộng, xanh thẫm, cao 10-15m, đưòng kính 30-40cm (có khi đến 60cm). Thân thường không thẳng, phân cành thấp; vỏ ngoài màu xám hay xám nâu, nứt dọc không đều thành các miếng nhỏ, thịt vỏ màu đỏ, mềm, có sọc trắng và nhiều nước, dày 1,2cm. Cành nhiều, mọc chếch, khi non màu nâu, thô, có nhiều vết lá và lông màu xám nâu. Lá đơn, mọc so le; phiên lá hình mác, dai, lá trung bình dài 5-7cm, rộng khoảng 2cm, mép có răng cưa nhỏ. Ở cành non lá có phiến to 1,3x4,5cm, hơi mềm, 2 mặt nhẵn ; ở cành già phiến lá nhỏ hơn và hơi cứng, thường xanh. Gân bên 8-12 đôi, nối với nhau ở mép các điểm cách mép 2-3mm. Cuống lá dài 2-10mm, có lông xám, mặt trên dẹt. Hệ rễ bên phát triển, rễ ăn nông.
    Cụm hoa đơn tính khác gốc, cụm hoa đực hình bông đuôi sóc, mảnh, mọc đứng hay treo; nhị 3-7. Cụm hoa cái hình đuôi sóc dài 1-5cm, mọc đơn lẻ hoặc mọc cụm ở nách lá; mỗi bông có 1-4 hoa. Bầu có lông khi non.
    Quả hạch, nhỏ, hình trái xoan, đường kính khoảng 1cm, khi non màu xanh khi chín chuyển sang màu đỏ tím, lớp vỏ ngoài và thịt quả mọng nước, ăn có vị ngọt. Quả chín vào tháng 3-4 Dương lịch.

    1.1.2Phân bố        

    Việt Nam:
    Cây phân bố tự nhiên tại hầu hết các tỉnh, từ trung du đến miền núi. Tập trung nhiều ở tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).
    Thế giới:
    Thanh mai phân bố ở Lào, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippine, Indonesia, Ấn Độ, Nepal. Nguyên sản của loài cây này có thể là vùng Đông Nam Á. Hầu hết thanh mai ở dạng tự nhiên; rất ít nơi gieo trồng loài cây này.

    1.1.3Đặc điểm sinh học

    Tại khu vực Quảng Ninh và Quảng Bình, Thanh mai thường phân bố trên các bãi cỏ tranh, trảng cây bụi sim, mua, sầm sì, guột... Thường gặp ở các đỉnh đồi thấp, tầng đất nông, hơi khô. Đây là nơi bị tác động nhiều bởi con người sau các hoạt động khai thác gỗ, lửa rừng, canh tác nương rẫy..., đất bị thoái hoá. Trong một quả đồi, thường sườn đồi hướng ra biển có nhiều thanh mai và chúng sinh trưởng tốt hơn so với khi mọc ở sườn đồi quay về hướng đất liền.
    Khả năng thích ứng với điều kiện khô hạn, đất có tầng nông và chua của thanh mai khá tốt. Cây ưa sáng, mọc chủ yếu ở các rừng thứ sinh; thường mọc cùng thành ngạnh, me rừng, thàu táu... Cây tái sinh bằng hạt và chồi đều tốt, nên thường gặp thanh mai mọc thành đám ở độ cao 100-1.500m trên mặt biển. Khả năng nẩy chồi từ gốc rất nhanh và tạo ra nhiều chồi mới.
    Thanh mai thường được người dân địa phương đánh từ rừng tự nhiên về trồng trên vườn đồi của một số hộ gia đình. Cây sinh trưởng khá nhanh, cho quả sai, chất lượng quả tốt, ít bị sâu bệnh phá hoại.
    Mùa hoa tháng 9-10.

    1.1.4Công dụng

    Đây là một loài cây LSNG đa tác dụng. Ở Trung Quốc, vỏ thanh mai là nguồn tanin dùng chủ yếu để thuộc da. Ở Ấn Độ đôi khi vỏ thanh mai cũng được sử dụng để thuộc da. Trong vỏ cây chứa 18,6-33,7% tanin; lá chứa 0,02-0,03% tinh dầu, 12,9% tanin. Vỏ còn chứa một loại thuốc nhuộm màu vàng, đó là myricetin (C15H10O8), có thể dùng nhuộm sợi bông màu vàng nhạt hay nâu.
    Theo tài liệu Trung dược chí (1961) cho biết, trong quả xanh của thanh mai có acid hữu cơ, tanin, vitamin C; trong quả chín có 7-10% đường, sắc tố anthoxyan.
    Quả chín dùng để ăn tươi hay làm mứt khô, mứt ướt, làm xirô giải khát, làm rượu vang.
    Tại Trung Quốc quả được dùng chữa ho, chữa đau dạ dày, chữa ỉa chảy và lỵ. Hạt dùng chữa ra mồ hôi chân quá nhiều. Vỏ thân và vỏ rễ dùng dưới dạng nước sắc để chữa vết loét ngoài da, hoặc ngộ độc do thạch tín.
    Ở Ấn Độ, Nhật Bản người ta dùng vỏ cây thanh mai làm nguyên liệu chế biến tanin, chất nhuộm.
    Gỗ thanh mai màu xám hồng, cứng, mịn có thể dùng đóng đồ đạc thông thường. Cây có thể sử dụng trồng để cải tạo môi trường các vùng khô hạn, đất thoái hoá nặng.

    1.1.5Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

    Nhân giống:
    Theo kinh nghiệm của nhân dân, có thể đánh cây con tái sinh hoặc tách các cành sát gốc của cây mẹ đã ra rễ về trồng tại vườn đồi của một số hộ gia đình. Phương pháp này cho tỷ lệ sống khá cao, nhưng hệ số nhân giống không cao, khó có thể nhân ra diện rộng, chất lượng lại không đồng đều; đặc biệt là nhiều cây sau này không có quả hoặc ra quả rất ít (nhất là cây con được bứng ở rừng tự nhiên đưa về trồng); mặt khác khó vận chuyển đi xa. Để có đủ giống tốt, đáp ứng nhu cầu về giống trồng trên diện rộng có thể áp dụng phương pháp chiết cành được áp dụng theo các bước sau:
    Bước 1: Chọn cây mẹ      
    Cây mẹ được chọn là những cây ra cành sớm, tán rộng, cân đối, sai quả, chất lượng quả tốt và đã ra quả từ 3 năm trở lên. Cây mẹ có thể chọn trong vườn nhà hoặc trong rừng tự nhiên, nhưng phải đảm bảo không bị trâu bò, lửa rừng hoặc con người phá hoại
    Bước 2: Chọn cành chiết 
    Cành chiết là những cành bánh tẻ, đã ra quả, không chọn cành quá non, cây sau này lâu ra quả, hoặc cành quá già khó ra rễ.
    Bước 3: Bóc vỏ, bó bầu   
    Dùng dao sắc khoanh 2 vòng cách nhau từ 1 đến 1,5cm sát gốc cành chiết, sau đó dùng mũi dao tách lớp vỏ đã khoanh để bóc. Tiếp theo dùng lưỡi dao cạo sạch lớp thịt vỏ còn sót lại. Chú ý cạo sát tới lớp gỗ và không để bị xơ, xước dập đoạn vỏ phía trên của cành chiết.
    * Chuẩn bị nguyên vật liệu bó bầu:
    - Đất bó bầu gồm đất bùn ao phơi khô hoặc đất mùn tơi xốp, trộn với rơm cho vừa dẻo.
    - Thuốc kích thích ra rễ: Thường dùng các chế phẩm sinh học đã pha sẵn trong ống nhựa, dung dịch có màu đỏ.
    Có thể bôi trực tiếp vào phía trên vết khoanh vỏ của cành chiết hoặc hoặc trộn lẫn với đất bó bầu.
    Túi nilon và dây buộc: nên dùng loại túi nilông mỏng màu trắng để dễ quan sát rễ và giữ ẩm cho đất bó bầu, tạo điều kiện cho cành chiết ra rễ.
    * Bó bầu:
    Dùng đất bó bầu cuốn quanh vết vỏ đã bóc, lấy tay miết đều xung quanh bầu đất cho bám chắc vào cành chiết. Kích thước bầu dài khoảng 10cm, rộng 5-7cm. Sau đó dùng túi nilon bọc kín, buộc chặt 2 đầu và cuốn xung quanh bầu cho chắc chắn.
    * Theo dõi, chăm sóc:
          Cành chiết phải được theo dõi thường xuyên, nếu có kiến, sâu, bệnh hại phải phun thuốc để phòng trừ. Tốt nhất nên dùng thuốc có nguồn gốc sinh học cho an toàn. Sau một thời gian nếu thấy bầu khô, cần tưới nước cho ẩm. Theo dõi cho đến khi nào cành ra rễ già có thể cắt đem giâm.
    Cắt cành và đưa giâm: Để đảm bảo tỷ lệ sống cao, khi cành chiết có rễ chuyển từ màu trắng sang màu nâu có thể cắt cành. Dụng cụ cắt cành là dao sắc hoặc cưa. Cắt phía dưới gốc bầu, cách 1cm. Cành cắt xong, tỉa bớt lá và đem giâm thành luống nơi râm mát hoặc làm dàn che bằng phên nứa, guột, độ che bóng khoảng 50%. Hàng ngày tưới nước cho đủ ẩm. Thời gian giâm khoảng 1-2 tháng cho bộ rễ của cành chiết phát triển tốt, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt khi trồng.
     Chú ý: Bóc bỏ bầu trước khi giâm, luống giâm bố trí nơi râm mát, thoát nước.
    Kỹ thuật trồng:
    Làm đất: cuốc hố theo hàng, hàng đi theo đường đồng mức (cùng độ cao). Cự ly hàng cách hàng 4m, hố cách hố 4m. Hố rộng 70-80cm, cuốc sâu 50cm. Trước khi cuốc phải dãy sạch cỏ, đất cuốc lên để một bên. Sau 7-10 ngày bón lót mỗi hố 5kg phân chuồng đã ủ hoai mục và 0,1kg NPK.

    1.1.6Khai thác, chế biến và bảo quản

    Để thu hoạch tanin, cần chọn các cây già, đường kính trên 20cm, chặt xuống. Dùng dao hay rìu bóc vỏ, cắt ngắn, thái thành các miếng nhỏ rồi phơi khô ngoài không khí. Ở Trung Quốc, vỏ thanh mai bán trên thị trường là các mảnh nhỏ, ngắn hơn 5cm, đóng trong các túi nặng khoảng 40-50kg.
    Vào muà quả chín (tháng 3, tháng 4), dùng nón hoặc nilon, bao tải trải dưới gốc cây, dùng tay tuốt quả chín, sau đó cho vào gùi, sọt đem về nhà nhặt bỏ lá, tạp chất, dùng nước sạch rửa, để ráo nước. Một cây thanh mai có thể cho 15-25kg quả tươi trong một năm. Tuỳ theo mục đích sử dụng mà có cách chế biến khác nhau. Có thể ăn tươi, chọn những quả chín đều, có màu đỏ tím ăn sẽ có vi ngọt.
    Làm xirô thanh mai: Cho đường trộn với quả hoặc cứ một lớp quả, một lớp đường, theo tỷ lệ 1:1, tốt nhất là dùng bình thuỷ tinh có nắp đậy kín. Sau khoảng 15 ngày có thể gạn bỏ bã, lọc lấy nước xirô làm nước giải khát.
    Làm rượu thanh mai: Chọn quả chín, cho thêm một ít đường và men rượu, để sau 3-4 ngày lên men thành rượu giống rượu vang, có màu đỏ tím rất đẹp, vị hơi chua, ngọt.
    Ngoài ra, có thể làm mứt thanh mai (mứt ướt) hoặc phơi khô, trước khi phơi nên đồ chín cho nhanh khô và không bị mọt khi bảo quản.
    Vỏ và rễ dùng làm thuốc chữa lở ngứa; cần sử dụng dưới dạng nước sắc từ vỏ và rễ tươi.
    Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Thanh mai là loài cây LSNG đa tác dụng, có giá trị đặc biệt để lấy tanin và quả ăn. Đây cũng là loài cây gỗ thích hợp trồng ở các vùng đồi núi thấp, gần biển, đất thường khô, chua, có lẫn nhiều đá, tầng đất nông mà nhiều loài cây khác không thể sinh trưởng tốt được. Tiềm năng thanh mai là có thể sinh trưởng, phát triển ở những nơi có điều kiện tương đối khắc nghiệt, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; nhất là ở những vùng đất đã bị thoái hoá mạnh.
    Giá trị kinh tế của thanh mai cũng khá cao (giá mua bán khoảng 15.000-20.000đ/kg quả tươi). Hiện tại quả thanh mai chủ yếu được thu hái trong tự nhiên chưa đủ đáp ứng yêu cầu trong nước. Ngoài ra, có thể xuất khẩu quả tươi, quả khô, mứt thanh mai sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản.
    Có thể khai thác quả, vỏ, thân, rễ dùng làm nguyên liệu chế biến thuốc, tanin.
    Hiện nay do thấy được giá trị của cây thanh mai, nhiều người dân ở huyện Vân Đồn đã đào và đánh cả cây lớn đã có quả về trồng trong vườn gia đình; nhưng tỷ lệ sống rất thấp (chỉ 20-30%). Vì vậy cần phổ biến kỹ thuật chiết cành cho người dân muốn trồng hoặc tạo giống cây thanh mai để bán cho họ, nhằm bảo vệ các quần thể thanh mai hiện có, đồng thời phát triển rộng loài cây LSNG đa tác dụng này.