SUỔI

SUỔI

SUỔI

  • Tên khoa học : Xylocarpus granatum Koenig 1784
  • Họ : Xoan - Meliaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố :

  • SUỔI

    Xylocarpus granatum Koenig 1784
    Tên đồng nghĩa:          Xylocarpus obovatus (Blume)A. Juss.1830; Carapa obovata Blume1825; C. granatum Alston, 1931
    Tên khác:                    Đăng dinh, xương cá, xu ổi,
    Họ:                              Xoan - Meliaceae

    1.1.1Hìmh thái

    Cây gỗ nhỏ hay trung bình, thường xanh hay rụng lá, cao 8-12m(-20m), đường kính thân đến 1m, tán lá xum xuê. Cây phân cành sớm; vỏ thân màu đỏ - xám nhạt, nhẵn bóng và bong thành mảng giống như vỏ ổi; không có bạnh gốc.
    Lá kép lông chim 1 lần, chẵn, cuống chung dài 15cm, mang 2-3 đôi lá chét mọc đối, phiến lá dày, trơn, nhẵn, hình trái xoan, dài 4-17cm, rộng 2-9cm, đầu tròn, cuống lá chét mảnh.
    Cụm hoa chuỳ, mọc ở nách hay đầu cành, dài bằng hay ngắn hơn lá, thường ít hoa. Hoa đơn tính, mẫu 4, đường kính 3-5mm, có lá bắc nhỏ sớm rụng; đài hợp nhẹ ở gốc, nhẵn, chia 4 thuỳ tròn; cánh hoa 4, màu trắng sữa, hình bầu dục, dài gấp 3 lần đài, cong và lồi; nhị 8, chỉ nhị dính thành ống, phía dưới phình, đầu chẻ 8 răng; bầu 4 ô, nhẵn, vòi ngắn, đầu hình đĩa, thò ra ngoài ống nhị.
    Quả nang hoá gỗ, hình cầu, đường kính 10-20cm, rất nặng (1-2 kg/quả); khi non màu xanh lục, bóng; khi già màu vàng tươi, nứt thành 4 mảnh; có 8-18 hạt gần hình tam giác. Hạt không có áo và không có phôi nhũ

    1.1.2Các thông tin khác về thực vật

    Ở Việt Nam có 3 loài thuộc chi Su (Xylocarpus Koenig) là: su ổi (Xylocarpus granatum Koenig), su sung (X. moluccensis (Lamk.) M. Roemer) và su mê kông (X. mekongensis Pierre).
    Su ổi phân bố rộng nhất, có ở 3 miền Bắc, Trung và Nam, còn 2 loài sau chỉ phân bố ở phía Nam. Su sung khác su ổi là vỏ thân nứt dọc, màu nâu đen, lá hẹp, thuôn và đầu có mũi nhọn; quả su sung màu hồng nhạt và nhỏ hơn quả su ổi, đường kính chỉ 6-8cm. Còn su mêkông có thể là loài lai giữa 2 loài trên.

    1.1.3Phân bố

    Việt Nam:
    Cây mọc trong các rừng ngập mặn ven biển của Việt Nam từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều ở vùng ven biển thuộc miền Tây Nam Bộ. Đã gặp ở: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau.
    Thế giới:
    Su ổi phân bố khá rộng từ các nước vùng đông Châu Phi và Nam Á như Madagascar, Ấn Độ, Sri Lanka, qua các nước vùng Đông Nam Á như: Miến Điện, Thái Lan, Malaysia, Philippin, Indonesia đến Australia, New Guinea, Fitji, Tanzania...

    1.1.4Đặc điểm sinh học

    Cây thường mọc trên đất bồi phù sa ven các cửa sông, hay phù sa cát, sau khi đã được các cây tiên phong của rừng ngập mặn cố định. Su ổi xuất hiện ở giai đoạn diễn thế gần cuối cùng của rừng ngập mặn, nó đến sau các loài cây tiên phong của loại rừng này như : sú,mắm, đước vẹt, dà. Cây ưa vùng đất cao, thuỷ triều trung bình hay thuỷ triều cao hoặc chỉ ngập khi triều cường, có độ mặn thấp hoặc nước lợ ở các cửa sông, nơi đổ ra biển. Ở Indonesia, su ổi thường mọc nơi nước có độ mặn thay đổi từ 0,1-3%, Thường cùng mọc với giá (Excoecaria agallocha), móp (Alstonia spathula) và các loài chà là (Phoenix spp.) tạo thành kiểu rừng thứ sinh sau ngập mặn, trong đó các loài su chiếm tỷ lệ không cao.
    Cây có tán lá thường xanh, ngay ở cả các vùng nhiệt đới gió mùa; nhưng đôi khi cũng gặp su ổi rụng lá như ở Sarawak (Malaysia). Khi bị chặt phá, su ổi thường phát triển chồi gốc mạnh và từ chồi có thể phát triển thành cây mới. Hoa thụ phấn chéo nhờ các loài côn trùng. Cấu tạo vỏ hạt thích nghi với việc phát tán nhờ nước và hạt có thể nảy mầm ngay khi đang trôi nổi trên mặt nước.

    1.1.5Công dụng

    Vỏ thân cây su ổi chứa nhiều tanin dùng thuộc da, nhuộm lưới để tăng độ bền, đôi khi cũng được dùng để nhuộm nâu quần áo và vải. nhưng chỉ lẻ tẻ ở phạm vi địa phương nhỏ, số cá thể của loài này trong thiên nhiên không nhiều.
    Hầu hết các bộ phận của cây: vỏ, rễ, thân, lá... đều chứa tanin. Tuy vậy lượng tanin trong vỏ cây su ổi trưởng thành là cao nhất, nó chiếm đến 20-34% trọng lượng khô của vỏ.
    Gỗ có lõi màu đỏ, hồng hay nâu xám, dác màu nâu nhạt, khá nặng, tỷ trọng 0,63-0,7; không có vân; ít bị mối mọt. Có thể dùng làm cột nhà, trụ mỏ hoặc làm đồ mỹ nghệ; thân cây su ổi dùng làm củi rất tốt vì có nhiệt lượng cao. Vỏ có thể dùng chữa tiêu chảy.
    Cây bảo vệ đất ven biển, chống sóng và hạn chế xói lở.
    Hạt của cây chứa 1-2% dầu béo,

    1.1.6Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

    Nhân giống:
    Có thể hái giống su ổi trên cây hoặc nhặt hạt dưới gốc cây mẹ. Nếu cắm 1/2 hạt vào túi bầu thì 2 tuần sau hạt bắt đầu nảy mầm và tiếp tục sinh trưởng cho đến tuần thứ 12. Để cây con trong vườn ươm khoảng 10 tháng rồi đem trồng thì khả năng sống đạt tới 90%. Còn nếu đem trồng ngay thì tỷ lệ sống rất thấp, chỉ khoảng 25%.
    Trồng và chăm sóc:
    Trồng cây trên đất bị ảnh hưởng bởi thuỷ triều cao. Khi gặp thời tiết khô hạn, cần phải tưới. Nếu trồng trên đất rừng ngập mặn đã khai thác trắng từ 3-6 năm trước; nay ít khi bị ngập triều, là loại đất đang bị thoái hoá thành đất phèn, hiện đang có ráng và chà là mọc thì mùa khô phải dọn rừng bằng cách chăt hết các loài cây tạp trên, gom lại đốt. Nếu các cây bụi mọc dày, phải đào hết gốc và mầm của chúng trước khi trồng su ổi và su sung. Cũng cần phải kiểm tra độ chua của đất trước khi trồng; nếu độ chua cao (pH< 5) phải bón vôi vào hố trước khi trồng.
    Sau khi trồng 1 năm cần làm cỏ, cắt hết dây leo, và nếu có điều kiện nên tiếp tục bón vôi, phân chuồng và phân vô cơ. Kinh nghiệm trồng su ổi của một số gia đình ở Nam Bộ cho thấy, nếu đào mương để xả phèn thì đất sẽ giảm chua nhanh và cây trồng sinh trưởng tốt hơn.

    1.1.7Khai thác, chế biến và bảo quản

    Muốn khai thác tanin, khi chặt cây xuống, cần cắt ra từng khúc ngắn, sau đó bóc lấy vỏ để chế biến tanin. Nếu bóc trên cây sống, cây có thể phục hồi vỏ mới.

    1.1.8Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn

    Su ổi là cây LSNG đa tác dụng, phân bố trong các khu rừng ngập mặn của Việt Nam. Hiện nay loài cây này có số lượng giảm; do diện tích rừng ngập mặn đang bị thu hẹp dần để sử dụng vào các mục đích khác. Cần có kế hoạch nghiên cứu các loài thuộc chi Su (Xylocarpus) và các loài cây khác của rừng ngập mặn để phục hồi và sử dụng chúng một cách bền vững.