Mạy khẩu lam

Mạy khẩu lam

Mạy khẩu lam

  • Tên khoa học : Cephalostachyum pergracile Munro., 1868
  • Họ : Hoà thảo - Poaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố :

  • Mạy khẩu lam
    Tên khoa học: Cephalostachyum pergracile Munro., 1868
    Tên đồng nghĩa:        Schizostachyum pergracile (Munro) Majumda, 1989
    Tên khác:       Cây cơm lam, phai khaolam, may pang (Thái, Lào)
    Họ:      Hoà thảo – Poaceae
    Phân họ:         Tre – Bambusoideae
    Tên thương phẩm:    Tinwa bamboo
    Đặc điểm hình thái
    Thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc thành cụm thưa, rụng lá vào mùa khô. Thân thẳng, ngọn hơi rủ, cao 7-30m, đường kính thân 2,5-7,5cm; lóng dài 20-45cm, màu xanh lục hoặc xanh xám; có vòng lông trắng nhạt ở dưới đốt. Đốt hơi nổi. Cành nhiều mọc từ các đốt giữa thân, thường có kích thước bằng nhau. Bẹ mo cao 10-15cm, rộng 15-20cm, hình thang, dầy, cứng, chất da, màu đỏ nâu, bóng, thường giữ lâu trên thân; phía gốc bẹ mo có lông màu đen, cứng áp sát vào bẹ; lá mo hình trứng, gốc hơi hình tim, cao 5cm và rộng bằng 1/2 đầu bẹ mo, mặt bụng phủ lông cứng, dày đặc; thìa lìa hẹp, 1,5-2mm, không bị xẻ, có lông mi màu trắng dày đặc; tai mo nằm ngang, kéo dài trên đỉnh bẹ mo, hình đường- ngọn giáo, chiều rộng 3-4mm, có lông lượn sóng dày đặc dọc theo mép phía trên. Lá hình ngọn giáo dài, kích thước 10-35x1,5-6,0cm, nhám ở cả 2 mặt phiến và mép lá. mặt dưới có lông thưa; bẹ lá có khía dọc nhẹ, nhẵn, trên đầu có phần dầy lên và có lông mi; thìa lìa rất hẹp, không bị xẻ, thường không có tai lá.
    Cụm hoa mọc ở tận cùng trên các cành có lá hay không, rủ xuống mang các túm bông nhỏ hình đầu. Bông nhỏ dài 1-2cm, gồm 1-2 hoa bất thụ ở gốc, trên là các hoa hữu thụ. Tận cùng bông nhỏ là 1 hoa bất thụ hoặc là một trục hình sợi. Quả dĩnh, hình trứng, dài khoảng 1cm, tận cùng bởi 1 mỏ cũng dài khoảng 1cm.
    Các thông tin khác về thực vật
    Chi mạy khẩu lam (Cephalostachyum) ở Việt Nam có 4 loài: C. pergracile Munro; C. chevalieri A. Cam; C. langbianense A. Chev & A. Camus và C. virgatum Kurz. Trong 4 loài đó chỉ có mạy khẩu lam phân bố ở phía Bắc còn 3 loài còn lại phân bố ở phía Nam. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của mạy khẩu lam là có mo thân cứng, giòn, màu da bò rất đặc biệt.
    Cần chú ý, loài tre có tên pa ngá (H’Mong) phân bố ở Hà Giang, Tuyên Quang có thể cũng là loài mạy khẩu lam.
    Phân bố
     Việt Nam:
    Mới gặp mạy khẩu lam mọc ở Hà Giang (Hàm Yên) và Sơn La (Mai Sơn, Thuận Châu và thị xã Sơn La) dưới dạng cây trồng. Theo nhân dân loài tre này đã được trồng rất lâu đời ở vùng Tây Bắc để làm cơm lam. Hiện nay rất khó xác định loài tre này là cây bản địa hay cây nhập nội.
    Thế giới:
    Cây phân bố rộng, từ phía đông của Ấn Độ, Nêpal và Myanmar, qua phía Bắc Thái Lan và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Cây cũng được gieo trồng ở ngoài khu phân bố tự nhiên như: Hồng Kông, Indonesia, Puerto Rico.
    Đặc điểm sinh học
    Cây mọc phổ biến ở các khu rừng hỗn giao lá rụng gỗ và tre nứa của Ấn Độ và Myanmar. Trong các khu rừng ẩm hơn, mọc xen hóp sào; ở những vùng khô hạn, là sinh cảnh của Dendrocalamus strictus, mạy khẩu lam cũng mọc phổ biến, nhưng bị cằn cỗi và kích thước nhỏ. Đây là loài tre đặc trưng cho các nước có đồi núi thấp, phát triển tốt trên đất sét thoát nước và chúng thường mọc thành những đám rừng lớn.
    Cây sinh trưởng chậm. Trong điều kiện đất và khí hậu thích hợp, mạy khẩu lam phải cần 12-15 năm mới phát triển thành bụi tre trưởng thành và đạt đường kính lớn nhất. Khi điều kiện không thuận lợi bụi tre mậy khẩu lam phải cần tới 30 năm mới phát triển đày đủ. Trong một bụi tre trưởng thành, tỉ lệ số tre non/tre già là 1/3. Ở Ấn Độ, một bụi mạy khẩu lam sau khi trồng 4 năm có khoảng 20 cây với chiều cao 6m và đường kính 4cm và 6 năm sau khi trồng có 38 cây với chiều cao 10m và đường kính 4,4cm.
    Cây ưa sáng hoàn toàn, nên chỉ phát triển tốt ở nơi quang trống hoặc bị che sáng nhẹ. Dưới tán cây gỗ rậm rạp, cây phát triển rất kém. Mậy khẩu lam cũng là cây ưa ẩm. Trồng nơi đất sâu dày, nhiều mùn, ven bờ nước cây có kích thước lớn và phát triển nhanh hơn so với cây trồng trên đất mòng, khô và ít chất hữu cơ.
    Cây thường có hoa hàng năm. Đôi khi có hiện tượng khuy trên một diện rộng, nhưng chưa có số liệu về chu kỳ khuy của cây. Khi ra hoa hàng năm, cây thường không có hạt. Năm 1978 có hiện tượng mạy khẩu lam khuy ở Thái Lan. Cũng năm này nạn chuột phát triển rất mạnh vì chúng ăn hạt có nhiều tinh bột. Năm tiếp theo, chuột chuyển sang tấn công đồng lúa, gây rất nhiều thiệt hại cho mùa màng.
    Công dụng
    Thân cây mậy khẩu lam được sử dụng phổ biến trong xây dựng (cột nhà, vách nhà, ván lợp hay ván ốp), làm cần câu; nó cũng dễ chẻ thành nan để đan hàng mỹ nghệ. Cây cũng được sử dụng để chế biến bột giấy.
    Đặc biệt cây được sử dụng để nấu cơm lam, một loại cơm nổi tiếng của người Thái và người Lào ở nước ta. Muốn nấu cơm lam, lấy lóng thân của cây tre non, khoảng 1 năm tuổi; chặt 2 đầu lóng, nhưng một đầu giữ lại đốt (phía dưới). Đổ gạo nếp đã vo vào ống tre, cho nước vừa đủ, dùng lá hay rơm nút ống tre lại và đun trên lửa cho đến khi vừa chín tới. Khi ăn, bóc lớp vỏ thân cứng ở phía ngoài, còn lại lớp màng phía trong bao bọc cơm lam hình ống. Măng non của mậy khẩu lam cũng ăn được, nhưng vị hơi đắng, cần luộc bỏ 1-2 nước để bớt đắng trước khi chế biến các món ăn.
    Do có thân mầu lục đẹp và đặc biệt có mo thân màu đỏ nâu (màu da bò) trông rất lạ, nên mạy khẩu lam được trồng trong các công viên, trong vườn nhà, trên đường đi làm cây cảnh. Ở các vùng phía Nam của tỉnh Vân Nam, mậy khẩu lam được trồng làm hàng rào quanh các vườn gia đình hoặc làm cây cảnh trong các công viên.
    Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
    Nhân giống:
     Nhân dân vùng Tây Bắc Việt Nam thường trồng mạy khẩu lam bằng giống gốc. Chọn cây bánh tẻ (khoảng 12-18 tháng tuổi), chặt đoạn thân khí sinh, chỉ giữ lại đoạn dài 1-1,5m trên thân ngầm. Đào gốc tre (thân ngầm), tránh làm giập gốc. Cũng có thể trồng bằng đoạn thân, nhưng kết quả không tốt lắm vì tỷ lệ sống thấp. Nơi nào có tre khuy, có thể đánh cây con, vào ươm trong vườn ươm trước khi mang trồng.
    Kỹ thuật trồng:
    Nhân dân vùng Tây Bắc thường trồng mạy khẩu lam trong vườn cùng mạy sang, mạy bông hoặc mạy mươi (mai cây). Họ trồng gốc tre trong các hố kích thước 50x50x50cm đã đào sẵn và lấp bằng lớp đất mặt có trộn 5-10kg phân chuồng hoai. Khi trồng bới đất lên, đặt gốc tre nghiêng một gốc 45-700, chú ý để các mắt tre quay vào phía thành hố, lấp đất và lèn chặt đến trên cổ rễ khoảng 10cm để cây chóng bén rễ. Nếu có rơm rạ hay rác nên tủ quanh gốc cây để giữ ẩm và ấm. Nơi có gió lớn hay gia súc thường qua lại, cần dùng cọc chôn bên cạnh và buộc cây giống vào này để tránh bị gió lay.
    Chăm sóc bằng cách làm cỏ và tưới nước cho đến khi cây phát triển hoàn toàn. Nên dùng phân hữu cơ và vô cơ để bón cho cây sinh trưởng, phát triển mạnh. Chú ý phòng cháy và súc vật thả rông phá rừng trồng và rừng tự nhiên. Mậy khẩu lam thường ít sâu bệnh, nên chú ý đề phòng sâu đục măng.
    Khai thác, chế biến và bảo quản
    Để dùng nấu cơm lam, chỉ nên khai thác cây non dưới một tuổi.Còn để làm vật liệu xây dựng phải dùng cây 2-3 tuổi trở lên. Có thể khai thác hàng năm hoặc chu kỳ khai thác 3 năm 1 lần. Chú ý hạn chế khai thác cây non 1-2 tuổi, vì đây là lực lượng sinh măng chủ yếu của bụi cây. Cũng cần tỉa thưa bớt cây già để bụi tre phát triển tốt. Năng suất rừng tre mạy khẩu lam ở Ấn Độ và Myanmar khoảng 7 tấn thân tươi/ha/năm với chu kỳ chặt 3 năm.
    Thân tre mang về có thể dùng ngay. Muốn tăng độ bền trong xây dựng nên ngâm vào chỗ nước chảy trong 7-10 ngày hoặc ngâm bùn 20-30 ngày.
    Giá trị kinh tế, khoa học, bảo tồn
     Mạy khẩu lam đã được trồng ở Việt Nam từ rất lâu đời. Cây có nhiều tác dụng. Cần phát triển để làm nguyên liệu xây dựng, làm cảnh hoặc vật liệu nấu cơm lam, một loại đặc sản của vùng Tây Bắc. Trồng mạy khẩu lam cùng với việc phát huy sản phẩm cơm lam độc đáo sẽ góp phần tích cực cho việc phát triển du lịch ở Tây Bắc nói riêng và các khu vực miền núi nước ta nói chung.
    Tài liệu tham khảo
    1. Phạm Hoàng Hộ (2000). Cây cỏ Việt Nam. Tập III. Nxb Trẻ. Thành phố Hồ Chí Minh; 2. Vũ Văn Dũng (1978). Thành phần và phân bố các loài tre nứa của miền Bắc Việt Nam. Tập san Lâm Nghiệp, số 10/1978, Hà Nội; 3. Academia Sinica (1996). Poales Flora Reipublicae Popularis Sinicae. Tomus 1: 29-30. Science Press. (Trung văn); 4. Dransfield S. and Widjaja E.A. (Editors) (1995). Bamboo. Plant Resources of South- East Asia. 7: 78-80. Bogor Indonesia