Mạy cần

Mạy cần

Mạy cần

  • Tên khoa học : Thyrsostachys oliveri Gamble, 1894
  • Họ : Hoà thảo - Poaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố :

  • Mạy cần
    Tên khoa học: Thyrsostachys oliveri Gamble, 1894
    Tên khác: Mai cần, tre trằm phai, xang phay (Thái, Lào)
    Họ: Hoà thảo – Poaceae
    Phân họ: Tre – Bambusoideae
    Đặc điểm hình thái            
    Thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc cụm cao 10-25m, đường kính 5-10cm, chiều dài lóng 30-60cm, bề dày vách lóng phần giữa và phần trên của thân cây 0,5cm, lúc non màu lục nhạt, có lông phủ dạng tơ ngắn, màu trắng; lúc già màu lục tối. Cây thường chia cành cao, cành nhỏ mảnh; chiều rộng của mắt chồi cành lớn hơn chiều dài. Bẹ mo rụng muộn, thậm chí tồn tại đến khi bị mục trên thân, chất da, hơi mỏng, dài khoảng 3/4 chiều dài của lóng; lúc đầu màu lục, sau màu vàng cam hoặc màu nâu nhạt; mặt lưng phủ lông ngắn màu nâu nhạt, mép có lông mảnh, đầu bằng; tai mo khuyết; lưỡi mo hẹp, cắt bằng, đầu có xẻ răng không đều; phiến mo hình lưỡi mác hay hình mũi khoan dài, dài 8-10cm, mặt bụng có lông nhung. Cành nhỏ cấp cuối mang 3-4 lá; bẹ lá có lông gai mọc ép sát màu trắng, mép có lông mảnh; tai lá khuyết; lưỡi lá rất ngắn; phiến lá dài 10-20cm, rộng 1,2-2cm, lúc non mặt dưới hơi có lông mềm; gân cấp hai 3-5 đôi.
    Chưa gặp mạy cần khuy hàng loạt. Rất ít khi mạy cần có hoa trong từng bụi. Các bụi cây ra hoa rồi chết, nhưng hoa không kết hạt.
    Ở Việt Nam mùa măng trùng với mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 7.
    Các thông khác tin về thực vật
    Loài mạy cần rất giống tre tầm vông vì cùng thuộc chi Thyrsostachys và có đặc điểm là thân thẳng, mo tồn tại lâu trên thân, nhưng có thể phân biệt 2 loài ở các đặc điểm hình thái sau đây:
    Đặc điểm hình thái Tầm vông Mạy cần
    Thân Thân tre thấp hơn, cao 8-15m, đường kính nhỏ (3-7,5cm) và vách dày Thân tre cao 10-25; đường kính lớn (5-10cm) và vách mỏng hơn
    Kich thước nhỏ hơn (7-14x0,5- 0,8cm) Kích thước lớn hơn (10-20x1,2-2,0cm)
    Mo thân Dính trên thân lâu hơn; đầu bẹ mo hơi lồi Dính trên thân ngắn hơn; đầu bẹ mo gần bằng
    Phân bố Gập chủ yếu ở các tỉnh phía nam Việt Nam Mới gặp ở các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ
    Phân b
    Việt Nam:
    Mạy cần được trồng rải rác ở các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Thường gặp ở Thanh Hoá (Như Xuân, Ngọc Lạc), Nghệ An (Quì Châu, Con Cuông,Tương Dương và Kỳ Sơn), và Hà Tĩnh (Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê). Có thể loài tre này đã được du nhập từ Lào và Thái Lan vào Việt Nam qua các cửa khẩu đường 7, 8 và cửa khẩu Nà Mèo.
     Thế giới:
    Cây có nguồn gốc từ Myanmar và Bắc Thái Lan.
    Đặc điểm sinh học
    Vùng mạy cần phân bố có khí hậu nhiệt đới mưa mùa, nhiệt độ bình quân 23-260C, lượng mưa 1.600-2.000mm/năm. Địa hình đồi núi cao, độ cao trên dưới 800m so với mặt biển. Đất feralit phát triển trên đá Poocphia, phiến thạch, phyllit. Thành phần cơ giới là sét pha.
    Ở nơi nguyên sản (Myanmarr) mạy cần thường mọc trong các rừng ẩm thuộc vùng đồi. Ở Thái Lan mạy cần mọc hoang dã lẫn với cây gỗ lá rộng trong rừng tếch (Tectona grandis). Cây cũng được trồng trong các làng bản.
    Ở Việt Nam mạy cần được trồng rải rác ở các huyện phía tây của 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi có lượng mưa từ 1.500-2.000mm/năm, độ cao nơi mọc từ 200-500m, trên mặt biển. Thường được trồng quanh vườn nhà, ven đường đi với qui mô nhỏ, chỉ vài bụi. Chưa gặp nơi nào mạy cần được trồng tập trung.
    Cây ưa đất ẩm, sâu dày, thoát nước. Có thể chịu khô kéo dài, nhưng kích thước thân sẽ nhỏ đi. Tính chịu khô của mạy cần kém tầm vông, và tính ưa ẩm cao hơn tầm vông. Vì vậy có thể mở rộng vùng trồng mạy cần ở các tỉnh Bắc Trường Sơn và vùng Đông Bắc.
    Đã gặp mạy cần ra hoa lẻ tẻ từng khóm ở huyện Con Cuông (Nghệ An) và huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).
    Công dụng
     Thân cây thẳng, dày, chắc bền nên có thể dùng trong xây dựng. Dân địa phương thường dùng làm rui mè, làm sào, cột chống, dàn phơi… Nếu yêu cầu số lượng lớn thì thường dùng lẫn với hóp.
    Măng ăn ngon, nhưng do mới trồng ít, nên nguồn măng chủ yếu dùng trong phạm vi gia đình, chưa được bày bán ngoài chợ.
    Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
    - Vùng trồng: Nên chọn vùng không có mùa lạnh kéo dài và nhiệt độ xuống thấp trong mùa đông. Vì vậy các huyện phía Tây, giáp biên giới Việt Lào, thuộc vùng NamTây Bắc và Bắc Trung Bộ là vùng trồng thích hợp. Theo kinh nghiệm nhân dân ở Nghệ An và Thanh Hoá, nơi trồng mạy cần tốt nhất là ven các bờ nước, quanh nhà, ven đường đi.
    - Giống trồng ở Việt Nam, mạy cần mới được trồng bằng gốc. Muốn lấy giống, chọn các cây bánh tẻ (10-18) tháng tuổi, sinh trưởng tốt, không gần các bụi cây đang ra hoa, đào lấy gốc đem trồng. Ngoài phần gốc lấy thêm một đoạn thân khí sinh dài 1-1,5m (2-3 lóng) từ gốc lên.
    Đào hố trước khi trồng khoảng 15-30 ngày, kích thước hố 50x50x50cm, làm đất kỹ, bón lót mỗi hố 10-20kg phân chuồng hoai. Phân được chộn đều với đất đã làm nhỏ trong hố rồi lấp lại. Khi mang trồng moi đất ra, đặt giống tre trong hố với độ nghiêng khoảng 45-600, lấp đất trên đoạn gốc khoảng 10cm, lèn thật chặt rồi phủ cỏ rác quanh gốc tre để giũ ẩm. có thể đổ nước vào lóng trên thân tre hoặc dùng bùn rác phủ kín để giữ ẩm cho giống. Cự ly trồng có thể cách nhau 4m hoặc 5m.
    Sau khi trồng 2-4 tháng, dùng phân chuồng hoai bón cho cây và vun gốc. Mùa trồng tốt nhất là vào mùa xuân (tháng 2, 3), khi đất đã đủ độ ẩm.
    Tiếp tục chăm sóc cây 2-3 năm. Khi chăm sóc chú ý làm cỏ, vun gốc và dọn sạch thực bì quanh gốc cây.
    Khai thác, chế biến và bảo quản
    Thường chỉ khai thác chọn các cây trên 3 tuổi để dùng làm vật liệu xây dựng. Không chặt cây dưới 2 tuổi (trừ trường hợp làm giống), vì đây là tuổi tốt nhất để đẻ măng. Nếu chặt cây dưới 2 tuổi, số măng sinh ra trong năm sau sẽ ít và kích thước thân tre sẽ giảm. Nên lấy măng đầu vụ và cuối vụ để ăn, còn măng giữa vụ là măng khoẻ nhất, nên giữ lại để thành cây trong bụi và đảm bảo đẻ măng cho các năm tiếp theo
    Cách khai thác, chế biến mạy cần cũng giống như tầm vông. Cây thường dùng cho các công việc trong gia đình, chưa thành hàng hoá.
    Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Mạy cần là cây nhập nội vào Việt Nam từ rất lâu đời, nhưng chỉ phát triển trong một số vùng nhỏ hẹp với qui mô gia đình. Thân cây có kích thước nhỏ, chưa được nghiên cứu nhiều về mặt sử dụng. Cần chú ý đặc điểm thân gần đặc của tầm vông và mạy cần, vì đặc điểm này có thể rất hữu ích để làm nguyên liệu chế biến cho công nghiệp ván thanh tre. Bước đầu nên giữ lại làm giống cây trồng ở địa phương; nên nghiên cứu về nhiều mặt, đặc biệt là mặt gieo trồng và chế biến để có thể tăng thêm các mục tiêu sử dụng và phát triển thành cây trồng qui mô lớn.
    Tài liệu tham khảo
    1. Academia Sinica (1996). Poales Flora Reipublicae Popularis Sinicae. Tomus 1: 33-35. Science Press. (Trung văn); 2. Dransfield S.and Widjaja E.A. (1995). Plant Resources of South–East Asia – Bamboo. 7:154. Bogor Indonesia.