Mai cây

Mai cây

Mai cây

  • Tên khoa học : Dendrocalamus giganteus Munro, 1868
  • Họ : Hoà thảo - Poaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố :

  • Mai cây
    Tên khoa học: Dendrocalamus giganteus Munro, 1868
    Tên đồng nghĩa:        Bambusa gigantea Wallich, 1814; Sinocalamus giganteus (Munro); A. Camus, 1949; S. giganteus (Wall.) Keng f., 1957          
    Tên khác:       Tre mai, mai, mạy puốc, mạy mươi (Thái, Tày, Nùng), lủng chủ (H’Mông, Hán – Lào Cai).
    Họ:      Hoà thảo – Poaceae
    Phân họ:         Tre – Bambusoideae
    Đặc điểm hình thái
    Thân ngầm dạng củ, thân tre mọc cụm thưa, ngọn rủ, cao 15-25cm, đường kính phổ biến 12-15cm, cá biệt có cây 18-22cm. Lóng có đốt không nổi, chiều dài lóng 30-45cm, bề dày vách thân 1-3cm, lúc non bề mặt có phủ lớp sáp trắng; thường chia cành cao ở 1/3-1/2 thân, mỗi đốt chia nhiều cành, cành chính thường không phát triển. Mo thân rụng sớm, bẹ mo to, chất da dày, lúc tươi màu tím, mép nguyên, mặt lưng mọc dầy lông gai màu nâu tối; tai mo liền với gốc phiến mo xệ xuống, ít nhiều lật ra ngoài, về sau dễ rụng; lưỡi mo rõ, cao 6-12mm, mép xẻ dạng răng ngắn; phiến mo lật ra ngoài, hình lưỡi mác dạng trứng, dài 13-38cm, gốc bằng khoảng 4/5 đỉnh bẹ mo. Cành nhỏ mang 5-15 lá, bẹ lá không lông, không có tai lá, lưỡi lá nổi lên, cao 1-3mm, mép xẻ răng không đều; phiến lá hình lưỡi mác dài, biến đổi nhiều, lá dài nhất có thể tới 45cm, rộng 10cm, đầu có mũi nhọn, gốc hình nêm, lúc non mặt dưới có lông nhỏ, gân cấp hai 8-18 đôi, gân ngang nhỏ, rõ, mép lá có răng cưa nhỏ, rất ráp; cuống lá dài 5-10mm.
    Cụm hoa trên các cành không lá, dạng chuỳ, mỗi đốt có 4-12(-25) bông nhỏ mọc cụm, chiều dài lóng cụm hoa cấp cuối 1,2-1,5cm, phía dưới đốt phủ phấn trắng, phần còn lại có lông mềm màu rỉ sắt; bông nhỏ dài 1-1,5cm, rộng 3-4mm, lúc khô màu tím, đầu có mũi nhọn, gốc mang 1-2 lá bắc, bông nhỏ chứa 5- 8 hoa, hoa trên cùng bất thụ, sau khi chín giữa các hoa không cách rời nhau; lá bắc 2, dài 3-4mm; mày ngoài hình trứng rộng, dài khoảng 1cm, rộng lớn hơn chiều dài, có nhiều gân (khoảng 25 chiếc), mặt lưng và mép đều có lông nhỏ, đầu có mũi nhọn nhỏ; mày trong dài bằng mày ngoài, lưng có 2 gờ, khoảng cách giữa 2 gờ 2,5mm, có hai gân; trên gờ mọc dày lông mảnh, đầu tù hay hơi lõm (ở hoa tận cùng không gờ, không lông); không có mày cực nhỏ, chỉ nhị dài khoảng 1cm, bao phấn dài 6,5mm, đầu có trung đới thò ra và có mũi nhọn; nhuỵ dài 1cm, toàn bộ phủ lông mềm ngắn, bầu hình trứng, vòi rất dài, đầu nhuỵ 1, cong, màu tím. Quả hình tròn dài, dài 7-8mm, đầu tù, có lông nhung.
    Các thông tin khác về thực vật  
    Tên mai thường được dùng để chỉ các loài tre có kích thước to lớn của Việt Nam. Trong đó có 4 loài mai phổ biến, đã được gieo trồng và sử dụng nhiều nhất. Đó là:
    1/ Mai cây – Dendrocalamus giganteus Munro: Thân to nhất, đường kính có thể trên 20cm, đầu bẹ mo rộng 7-8cm, thìa lìa 8-11mm; lóng không thắt ở đốt. Măng ăn ngon.
    2/ Mai ống – D. aff. giganteus Munro; rất giống mai cây nhưng lóng thắt ở đốt, đầu bẹ rộng 10-12cm, thìa lìa cao 6-8mm. Măng ngon nhất trong các loài mai
    3/ Mai dây - D. yunnanicus Hsueh & D.Z.Li. Gốc thường cong queo do các lóng co lại, Đầu bẹ hẹp 5-7cm, thìa lìa thấp 3-5mm. Măng kém ngon so với mai ống. Lá to, có thể dùng xuất khẩu như lá diễn trứng
    4/ Mai xanh (mai lạng sơn) - D. latiflorus Munro. Thân nhỏ hơn 3 loại mai trên, đầu bẹ mo hẹp, thìa lìa thấp, nhỏ hơn 5mm. Măng ngon gần bằng mai ống.
    Phân bố
    Việt Nam:
    Mai là loài cây trồng rất phổ biến ở Việt Nam, từ đồng bằng đến trung du và miền núi đều gặp mai, nhưng tập trung nhất là ở các vùng Đông Bắc và Trung Tâm thuộc Bắc Bộ. Các tỉnh trồng nhiều mai cây là: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Bắc.
    Thế giới:
    Lào, miền Nam Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Băng la desh, Sri Lanka, Malaysia, Myanmar. Mai cũng được nhập trồng trong các vườn thực vật ở: Indonesia, Philippin, Madagasca…
    Đặc điểm sinh học
    Mai được trồng ở độ cao từ 50-1.300m trên mặt biển. Đây là loài tre thuộc nhóm mọc cụm có thể trồng ở độ cao lớn nhất. Cây chịu được nhiệt độ thấp trong mùa đông, có khi nhiệt độ xuống đến 00C.
    Cây ưa đất feralite mùn trên núi hoặc đất feralite phát triển trên các đá sa thạch, phiến thạch hoặc đá vôi. Cây cũng ưa đất bồi tụ ven sông suối, độ mùn từ trung bình đến giầu, kết cấu hạt viên, ít đá lẫn, thành phần cơ giới thịt hoặc thịt nhẹ.
    Sau khi trồng, cây đẻ măng ngay từ năm thứ nhất. Kích thước và chiều cao của thân tăng dần hàng năm. Năm thứ 7, thân tre định hình, không tăng về kích thước nữa. Giai đoạn cây măng, mai tăng trưởng rất nhanh, có thể đạt trên 20- 30cm/ngày. Sau 3-4 tháng, cây măng đạt chiều cao tối đa. Mức độ tăng trưởng của cây non phụ thuộc vào độ ẩm và độ chiếu sáng. Nếu đất khô, cây tăng trưởng chậm hơn ở đất ẩm.
    Chưa gặp hiện tượng mai cây khuy hàng loạt. Thường chỉ gặp mai ra hoa ở từng bụi hoặc từng cây. Đã có hiện tượng mai cây tái sinh bằng hạt ở Bảo Lạc (Cao Bằng), năm 1972. Theo tài liệu nước ngoài, chu kỳ khuy khoảng 30-40 năm. Ở Indonesia, mai trồng từ hạt có thể đạt độ cao 6-8m và đường kính 10cm, sau 3 năm.
    Mai là loài cây dễ bị sâu bệnh. Các loài sâu thường thấy là: sâu vòi voi đục măng và bọ hả (Loryma bambusicola Tanahashi); sâu non sống từng bầy trên cành lá. Nếu bệnh nặng cây sẽ chết
    Bệnh chổi sể, khá phổ biến.
    Công dụng
    Thân mai được dùng nhiều để làm cột nhà, dui mè, đòn tay. Cột nhà làm bằng thân mai rất bền nếu được ngâm trong nước một năm. Do lóng có đường kính lớn nên mai còn được dùng làm bè mảng, ống đựng nước và máng nước, dát giường, chế biến hàng mỹ nghệ xuất khẩu.
    Hàm lượng cellulose trong thân mai chiếm hơn 50%, sợi dài 1,4-1,6mm (trung bình 2,7mm), đường kính 26mm nên mai được dùng trong công nghiệp giấy. Ở độ ẩm 19%, thân có tỷ trọng khoảng 900kg/m3.
    Măng mai là loại thực phẩm quí, đặc biệt chế biến thành loại măng “lưỡi lợn”. Đó là loại măng sau khi luộc, được thái thành miếng lớn và phơi hoặc sấy khô. Giá bán của loại măng này vào dịp tết khoảng 1000- 120.000đ/kg.
    Theo Nguyễn Danh Minh (2005), măng mai tươi gồm các thành phần: hàm lượng nước 92,4%, protein 1,81. đường tổng 2,14, gluxit 2,71, cellulose 0,51, lipid 0,18.
    Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
    - Vùng trồng: mai trồng được ở hầu hết các địa phương của Việt Nam, trừ các vùng khô hạn có lượng mưa thấp dưới 1200mm/năm và vùng đất mặn ven biển. Nên tập trung trồng mai ở vùng trung du và miền núi các tỉnh phía Bắc có độ cao trên 100m so với mặt biển. Địa hình trồng mai có độ dốc < 200. Độ dốc cao hơn, cây phát triển kém, kích thước thân không đạt cỡ tối đa.
    - Đất trồng: Chọn các loại đất thịt nhẹ đến trung bình, tầng đất dày ở sườn đồi, ven nhà, dọc các khe và sông suối. Không nên trồng đại trà trên vùng lớn, kết quả sẽ rất kém.
    - Thời vụ trồng: Mùa xuân, từ tháng 2 đến tháng 4.
    - Kỹ thuật trồng: Có 2 cách trồng mai:
                + Trồng bằng gốc: Chọn cây bánh tẻ (1-2 tuổi), đường kính 6-10cm, dùng thuổng đánh gốc, kèm theo đoạn thân khí sinh dài 3-5 lóng. Hố trồng sâu 50cm, rộng 50cm; cự ly hố 5-10m. Đặt hom nghiêng một góc 40-45o; lấp đất mặt kín cổ rễ; lèn chặt; trên phủ cỏ, rác để giữ ẩm. Gặp thời tiết hanh khô phải tưới nước để giữ ẩm.
                + Trồng bằng cành chét: Chọn cành ở cây bánh tẻ (dưới 18 tháng tuổi), chặt sát thân cây bằng dao thật sắc, tránh dập nát gốc cành. Chặt bớt đoạn ngọn, chỉ giữ 3 lóng cành có mắt chồi. Đào rãnh sâu 20-30cm, rộng 30cm, chiều dài tùy theo đoạn hom giống. Đặt hom nghiêng 30-400, lấp đất và dậm chặt. Trồng bằng cành có thuận lợi khi vận chuyển giống và tû lệ sống cũng khá cao; nhưng thời gian thành bụi chậm hơn trồng bằng gốc.
    Chăm sóc, bảo vệ
    Cần ngăn trâu bò và lợn phá hoại khi cây mới trồng, vì chúng thích ăn măng và lá mai. Hàng năm nên đắp bùn và cỏ rác vào gốc để măng phát triển tốt.
    Tháng 6 khi sâu vòi voi xuất hiện nhiều trên măng, cần bắt giết hoặc bôi nước vôi để đề phòng sâu vòi voi đẻ trứng vào măng. Trừ bệnh bọ hả như sau: ngâm lá cây thuốc lá vào nước, rồi chắt nước và trộn nước chắt với xà phòng, đun nóng chẩy xà phòng. Để nguội rồi phun lên cây, nơi bọ hả và ấu trùng đang tập trung.
    Khai thác, chế biến và bảo quản
    Khai thác thân tre mai rất thuận lợi vì cây không có gai và cụm mai thường thưa. Có thể chặt chọn hàng năm hoặc cách 1-2 năm chặt một lần. Đối tượng chặt là các cây trên 3 tuổi. Sau khi khai thác trong bụi mai còn lại các thân 1-2 tuổi và một số cây 3 tuổi. Thân mai cắt về được ngâm trong bùn 2-4 tuần hoặc trong nước chảy 3 tháng trở lên để tăng độ bền và tiêu diệt hết sâu bệnh trong thân.
    Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Mai là loài tre phổ biến và quen thuộc ở nước ta. Đây cũng là loài kích thước lớn và cho măng ăn ngon nhất của Việt Nam. Trồng mai lấy măng đem lại một nguồn lợi lớn cho dân địa phương, vì búi mai trưởng thành có thể cho 20-30 măng/năm. mỗi măng nặng 10-15kg; như vậy mỗi bụi tre có thể cung cấp khoảng 100-150kg/năm và một hecta trồng với mật độ 200 búi, có thể cung cấp khoảng 20 tấn măng tươi/nam. Nếu chỉ bán măng tươi giá 3.000đ/kg, thì cũng thu được 60 triệu/ha/năm.
    Vì vậy nên phát triển trồng nhiều mai để nó trở thành một trong những loài tre lấy măng chủ yếu của Việt Nam sau này. Để phát triển tre mai cần phải chú ý nghiên cứu kỹ thuật gieo trồng, đặc biệt chú ý đền gieo trồng bằng cành chét để tăng nguồn giống và tiết kiệm công vận chuyển. Cũng cần phải nghiên cứu những vườn rừng thâm canh để sản xuất măng.
    Tài liệu tham khảo
    1. Hoàng Hòe (chủ biên) (1994). Kỹ thuật gây trồng một số loài cây rừng. Tr: 225-229. Vụ Khoa học Công Nghệ, Bộ Lâm Nghiệp. Nxb Nông Nghiệp (1994); 2. Ngô Quang Đê (2003). Tre trúc (gây trồng và sử dụng). Nxb Nghệ An; 3. Nguyễn Danh Minh (2005). Báo cáo chuyên đề: Mô tả một số loài tre thường được lấy măng. Báo cáo đề tài. Phú Thọ (chưa xuất bản); 4. Nguyễn Từ Ưởng và cộng sự (2004). Một số loài tre chủ yếu của Việt Nam, tr: 91-91. Viện Khoa Học Lâm Nghiệp - Hà Nội (Chưa xuất bản); 5. Triệu văn Hùng (chủ biên) (2002). Kỹ thuật trồng một số cây đặc sản rừng. Cục Phát triển Lâm Nghiệp, Bộ Nông Nghiệp và PTNT. Nxb Nông Nghiệp - Hà Nội; 6. Academia Sinica (1996).Poales. Flora Reipublicae Popularis Sinicae. Tomus (1): 155-156. Science Press (Trung văn); 7. Dransfield S. and Widjaja E.A. (1995). Plant Resources of South –East Asia – Bamboo. 7: 85-87. PROSEA, Bogor Indonesia.