Lùng

Lùng

Lùng

  • Tên khoa học : Bambusa sp.
  • Họ : Hoà thảo - Poaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố :

  • Lùng
    Tên khoa học: Bambusa sp.
    Tên khác:       Mạy quăn, Dùng
    Họ:      Hoà thảo – Poaceae
    Phân họ:         Tre – Bambusoideae
    Đặc điểm hình thái
    Cây mọc thành cụm dày như nứa lá to. Thân và ngọn thẳng ở nơi sáng và hơi cong ở dưới tán rừng, cao 10-20cm, đường kính 6-10cm, khi non (dưới 2 năm) màu xanh lục có phấn trắng, khi già màu xanh vàng, hết phấn trắng và có địa y bao phủ. Lóng dài trung bình 50-70cm, cá biệt có lóng dài đến 1,4-1,6m; vách dày 6-7mm. Mắt nhỏ tròn, đường kính 1cm. Đốt không phình to, không có vòng rễ, vòng mo rộng 4mm, phía dưới vòng mang nhiều lông tím dài 5mm. Phân cành muộn, thường từ 1/3 dưới thân, ở đốt thứ 10-11, kích thước cành gần bằng nhau; góc chia cành 600. Ở nơi nhiều nắng, đoạn dưới thấp có vài cành nhỏ, mang lá bé.
    Mo thân. Đáy mo có lông ngắn, hình chuông, lúc non xanh- vàng nhạt, Cao 20- 30cm, đáy lớn rộng 31cm, miệng rộng 8cm, mặt ngoài phủ nhiều lông. Tai mo nhăn nheo, nhỏ, hơi cong, có nhiều lông mi; hai bên bẹ mo có lông; lá mo hình tam giác thon, dài 6cm, rộng 3cm, rụng muộn
    Lá hình mác thuôn, dài 20cm, rộng 2,5cm, mặt trên xanh thẫm, dưới xanh nhạt; bẹ lá có lông màu vàng nhạt, số gân lá 18. Khi mọc ở nơi khô hạn lá có kích thước nhỏ hơn (15x2cm).
    Cụm hoa mọc trên cành không lá; dài 60cm hay hơn; mỗi đốt mang 3-5 bông nhỏ, nhưng thường 1-2 bông nhỏ phát triển đầy đủ. Bông nhỏ hình trứng thuôn, dài 1-1,5cm, mang 3-5 hoa. Mày lớn màu vàng rơm, cao 10mm mày nhỏ màu lục, mép tím nhạt, hình lòng thuyền, rất lõm, dài 12mm, rộng hơn mày lớn. Mày cực nhỏ 3, trong suốt có gân tím. Nhị 6, chỉ nhị màu vàng rất mảnh; bao phấn màu tím sẫm rất đẹp. Bầu phía trên màu tím, dưới xanh vàng.
    Các thông tin khác về thực vật
    Trước đây lùng được giám định tên khoa học là Lingnania sp. Gần đây sau khi thu được tiêu bản đầy đủ của loài, chúng tôi đã xác định đây là loài mới đặc hữu hẹp của Việt Nam, với đặc điểm lóng dài nhất trong các loài tre đã được biết ở Việt Nam (và có thể của cả thế giớí), và cấu tạo hoa khác so với loài dùng phấn (B. chungii). Trong thời gian tới, lùng sẽ được mô tả và công bố là một loài tre mới cho khoa học.
    Phân bố
    Từ tây nam tỉnh Sơn La (huyện Mộc Châu), qua phía Tây tỉnh Thanh Hoá (huyện Quan Hoá, Lang Chánh) đến miền Tây tỉnh Nghệ An (huyện Anh Sơn, Quì Châu, Quế Phong); phía Tây Quảng Bình (Quảng Ninh, Lệ Thuỷ). Lùng đã được nhập về huyện Chương Mỹ – Hà Tây (khoảng năm 1970) để trồng lấy nguyên liệu đan lát.
    Riêng các huyện phía tây tỉnh Nghệ An, thống kê năm 1964 có 9.720ha rừng lùng với trữ lượng khoảng 96 triệu cây.
    Đặc điểm sinh học
     Lùng là loài cây ưa khí hậu nhiệt đới mưa mùa. Mùa mưa từ tháng 4-5 đến tháng 10-11, nắng nóng. Mùa khô từ tháng 10-11 đến tháng 4-5 năm sau, lạnh, hanh. Địa hình đồi núi thấp, có độ dốc vừa phải, cao dưới 800m so với mặt biển..
    Cây ưa sáng và ẩm, thường mọc ven bờ suối, hoặc trong các thung lũng có đất ẩm, dày; trên đất feralite cát pha, thoát nước, phát triển trên sa thạch, phiến thạch. Cây mọc ở chân đồi, ven khe hoặc mọc xen rừng gỗ với độ mở tán rộng, thường có kích thước to và lóng dài hơn so với các nơi sống khác. Lùng mọc trong các rừng thứ sinh, mọc thuần loại hay xen lẫn với các loài cây gỗ ưa sáng như: bàng lăng, thành ngạnh, hu đay, hu ba soi và nhiều loài cây họ Dẻ. Mật độ đến 100 cây/khóm. Trọng lượng bình quân 12-18kg/cây.
    Ở vùng tây Thanh Hoá, năm 1975 lùng bị khuy từ; đến năm 1976, lan sang các tỉnh xung quanh. Hàng trăm hecta lùng bị khuy và chết hết. Theo người dân ở Quan Hoá cho biết, chu kỳ khuy của lùng khoảng 50 năm. Cây lùng khuy cho hạt to như hạt gạo, dân thu về, phơi khô và dã lấy hạt để nấu cháo ăn.
    Mùa măng từ tháng 6 đến tháng 9, tập trung tháng 7-8 Chưa có nghiên cứu về sinh trưởng, phát triển của măng.
    Công dụng
    Do thân có lóng rất dài nên được dùng để đan phên cót, tăm mành. Khi khai thác, lùng thường được sơ chế tại rừng: chặt bỏ. đốt, chẻ thanh, buộc thành bó đường kính 40-50cm, giao nhận theo cân. Có thể dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến ván ép, làm sợi, làm giấy và dùng để đan lát làm hàng mỹ nghệ.
    Măng dùng ăn tươi nhưng không được ngon vì tỷ lệ gỗ cao, măng chóng già, phần ăn được ít.
    Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
    Lùng mới được gieo trồng qui mô rất nhỏ trong phạm vi vài hộ gia đình. Mùa trồng lùng vào tháng 2-4, trước mùa măng. Dùng giống gốc cây bánh tẻ, cộng một đoạn thân khí sinh dài 1-1,5m. Khi trồng cũng đặt nghiêng một góc 450 và lấp đất rồi lèn thật chặt giống như trồng tre gai.
    Nơi trồng lùng tốt nhất là vùng còn rừng, với độ ẩm cao và lượng mưa lớn trên 1.800mm/năm; địa hình trồng nên chọn ven sông suối, thung lũng ẩm, có rừng thứ sinh với tán thưa, đất dày trên 50cm, tơi xốp, nhiều mùn và thoát nước. Vì vậy chỉ nên phát triển lùng ở vùng phía tây tỉnh Nghệ An vàThanh Hoá, là nơi nguyên sản, với các điều kiện tự nhiên và đất đai phù hợp với loài.
    Không nên trồng lùng ngoài khu vực phân bố tự nhiên của nó, vì dễ gặp thất bại. Thí dụ như vì muốn có nguyên liệu phục vụ đan lát, HTX thủ công của huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây đã mang vài trăm gốc lùng về trồng trên một mảnh đất phù sa, cách thị xã Hà Đông khoảng 15km theo đường ô tô. Lùng cũng sống và ra măng nhưng kích thước cây và độ dài lóng biến đổi rất nhiều; cây chỉ cao 4-5m, chiều dài lóng ngắn hơn 40cm và đường kính 3-4cm.
    Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Từ trước đến nay lùng chỉ được khai thác trong rừng tự nhiên, thiếu sự chăm sóc tu bổ nên những đám rừng ở gần, thuận tiện giao thông bị khai thác kiệt quệ, diện tích bị thu hẹp nhiều. Các khu rừng ở xa cũng tàn kiệt dần vì không được quản lý tốt, người dân tự động vào chặt phá để dùng trong gia đình hay bán cho tư thương.
    Hiện nay do các khu rừng giầu có độ tàn che cao đã bị chặt phá nhiều nên lùng mất các sinh cảnh thích hợp để phát triển, diện tích rừng lùng đang bị suy thoái, kích thước của cây và lóng bị suy giảm nhiều; đặc biệt những khu rừng lùng lớn với trữ lượng cao ở các huyện Quì Châu, Quế Phong (Nghệ An) đã và đang bị thoái hoá mạnh. Vì vậy cây lùng cần được nghiên cứu toàn diện, rừng lùng cần được qui hoạch, bảo vệ và tăng cường quản lý, khai thác đảm bảo tái sinh để rừng lùng phát triển và tồn tại lâu dài.
    Tài liệu tham khảo
    1. Vũ Văn Dũng (1778). Thành phần và phân bố các loài tre nứa của miền Bắc Việt Nam. Tập san Lâm Nghiệp, số 10/1978, Hà Nội; 2. Academia Sinica (1996). Poales Flora Reipublicae Popularis Sinicae. Tomus 1: 56-58. Science Press. (Trung văn); 3. Dransfield S.and Widjaja E.A. (1995). Plant Resources of South–East Asia. Bamboo. 7. Bogor, Indonesia.