Là ngà bắc

Là ngà bắc

Là ngà bắc

  • Tên khoa học : Bambusa sinospinosa McClure, 1940
  • Họ : Hoà thảo - Poaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố :

  • Là ngà bắc
    Tên khoa học: Bambusa sinospinosa McClure, 1940
    Tên khác: Tre gai, tre hoa, tre mỡ, mậy phấy đeng, mạy phấy nậm (Tày, Nùng-Cao Bằng, Lạng Sơn); tre đỏ ngọn (Kinh - Hà Giang, Tuyên Quang).
    Họ: Hoà thảo – Poaceae
    Phân họ: Tre – Bambusoideae
    Đặc điểm hình thái
    Thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc cụm dầy đặc, có gai; chiều cao thân 15-24m, đường kính phổ biến 6-8cm; trung bình 8-10cm và cá biệt 12-14cm, ngọn hơi cong; lóng dài 25-35cm; vách thân dày 2-3cm, nhẵn, thường chỉ phía dưới đốt của lóng thứ nhất, thứ 2 kể từ gốc có một vòng lông tơ màu trắng xám; đốt hơi nổi lên, sau khi bẹ mo rụng đi trên vòng mo còn lại một vòng lông gai màu nâu tối. Cành thường mọc từ đốt thứ nhất, thứ 2 kể từ gốc thân; cành đơn, cong tròn xuống phía dưới, cành nhỏ trên đó phần lớn co ngắn thành gai cứng đan chéo nhau mà thành đám gai dày đặc. Ở các đốt phấn giữa và trên của thân cây có 3 đến nhiều cành mọc cụm. Bẹ mo rụng muộn, chất da, gần mép đáy bẹ có lông gai màu nâu tối mọc dày, đầu bẹ gần bị cắt ngang; tai mo gần bằng nhau, hình tròn dài đến hình trứng ngược, thường hơi lật ra ngoài, có nếp nhăn dạng sóng, mặt bụng mọc dày lông cứng ráp, mép có lông mi dạng sóng cong hay thẳng đứng; lưỡi mo cao 3-5mm, mép xẻ răng và phủ lông mi; phiến mo đứng thẳng hay ngả ra ngoài, hình trứng, độ rộng của gốc bằng khoảng 1/2 của đầu bẹ mo. Bẹ lá gần như không lông, mép phủ lông mảnh ngắn, tai lá không phát triển, hình trứng đến hình trứng hẹp, mép lá có mấy chiếc lông mi dạng sóng cong hay thẳng đứng; thìa lìa cao khoảng 0,5mm, đầu bị cắt ngang, hơi lệch, mép nguyên, phủ lông mảnh rất ngắn; phiến lá hình lưỡi mác dạng dải, dài 7-17cm, rộng 12-16mm, hai mặt không lông hay gần gốc mặt dưới phủ lông mềm, đầu nhọn, gốc gần hình tròn.
    Bông nhỏ hình dải đến hình lưỡi mác, hơi dẹt, dài tới 4cm, đơn độc hay mấy chiếc mọc cụm ở các đốt của cành hoa; nhị 6, rời, bao phấn đầu tù; bầu hẹp, đỉnh dày lên và phủ lông cứng ngắn, vòi dài, nhỏ, phủ lông cứng ngắn, đầu nhuỵ xẻ 3, dạng lông chim.
    Các thông tin khác về thực vật
    Là ngà bắc mới được giám định tên khoa học chính xác trong thời gian gần đây, với sự giúp đỡ của Giáo sư thực vật học Trung Quốc, Hà Niệm Hoà (2004). Loài tre này lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam.
    Tre là ngà bắc rất giống tre gai. Đồng bào Tày Nùng ở các tỉnh Cao Bằng Lạng Sơn đã phân biệt 2 loài khác nhau: Tre gai (B. blumeana) được gọi là mạy phấy; còn tre là ngà bắc được gọi là mậy phấy nậm hay mạy phấy đeng có nghĩa là tre gai mọc ở bờ nước hoặc tre gai có măng màu đỏ để chỉ sự khác biệt giữa 2 loài.
    Giữa hai loài tre có gai trên chỉ khác nhau về một số đặc điểm hình thái sau:
    Là ngà bắc có thân thẳng, ngọn hơi cong; bẹ mo khi non màu đỏ nâu, đầu bẹ mo không có 2 mỏ nhỏ; lá hẹp, chiều rộng 12-16mm; thường mọc ven bờ nước.
    Tre gai: Thân hơi cong nên bụi tre nhìn xa có thân toả ra như bó mạ, ngọn rủ; mo thân khi non màu vàng hay vàng xanh, đầu bẹ mo có 2 sừng nhỏ; chiều rộng lá 12-25mm. Có thể mọc cả ven và xa bờ nước.
    Phân bố
    Việt Nam:
    Là ngà bắc phân bố chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hoá đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Tập trung nhiều ở các tỉnh của miền Bắc, giáp biên giới Việt Trung như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Từ Quảng Nam trở vào không gặp nữa.
    Thế giới:
    Là ngà bắc phân bố ở Nam và Tây Nam Trung Quốc và phía Bắc của Lào.
    Đặc điểm sinh học
    Là ngà bắc thích nghi với vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới, mưa mùa, nhiệt độ bình quân hàng năm 18-220C. Nhiệt độ tối thấp 3-50C không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Thường gặp là ngà ở độ cao 300-800m, ít khi gặp ở độ cao lớn hơn. Là ngà bắc ưa địa hình bằng phẳng, nơi có độ dốc dưới 100, ven các sông suối, trong thung lũng, ven đường, chân núi. Cây ưa loại đất phù sa ven sông suối, đất thuộc loại feralit đỏ vàng, nâu vàng, đất phù sa cổ hoặc đất hình thành từ phiến thạch và sa thạch có thành phần cơ giới nhẹ. Là ngà bắc thường được trồng lẻ tẻ hoặc thành hàng liên tục ven các sông suối gần làng bản, ven bờ nước. Khả năng chịu ngập nước tốt hơn tre gai. Nhiều khi bị lũ ngập kín gốc 5-10 ngày hay hơn, nhưng là ngà bắc không bị chết. Trong khóm nhiều cây to chen chúc, đồng thời lại rất nhiều gai, tạo cho khóm một thế rất vững chắc. Tuổi thành thục 2-3 năm, tuổi khai thác trên 4 năm.
    Tre là ngà bắc ra hoa lẻ tẻ từng cây trong khóm hoặc cả khóm. Cây nào ra hoa thì chết, còn các cây khác vẫn sinh trưởng bình thường. Chưa thu được hạt và cũng chưa rõ chu kỳ ra hoa. Rất ít gặp trường hợp là ngà bắc bị nâng búi khi tác động cơ giới liên tục như tre gai.
    Mùa măng tháng 6-7.
    Công dụng
    Thân là ngà bắc thẳng, to, đốt thân không nổi rõ, vách dày, chắc bền; nên được dùng làm vật liệu xây dựng, làm sàn nhà, cột buồm, cột điện... Đồng bào các dân tộc ít người còn dùng ống tre làm chõ đồ sôi. Cũng có thể dùng là ngà bắc làm nguyên liệu chế biến bột giấy hoặc chế biến ván thanh.
    Măng ăn ngon và to (có măng nặng tới 10kg), nhưng măng tre là ngà bắc và tre gai chỉ dùng ăn tươi hoặc ngâm măng chua, không dùng để làm măng khô. Măng tre là ngà dùng ngâm chua, không ngon bằng tre gai, nhưng để được lâu hơn.
    Nhìn chung công dụng của là ngà bắc và tre gai giống nhau vì nhiều người dân thường không phân biệt được 2 loại tre này.
    Do cây cho rất nhiều gai, lại mọc thành búi dày đặc nên là ngà được dùng làm hàng rào ngăn trâu bò và gia súc khác hoặc dùng làm loài cây trồng rừng phòng hộ ven sông suối để chống sạt lở, xói mòn bờ nước.
    Trọng lượng thân cây tươi:
    Phổ biến: đường kính 6-8cm; trọng lượng 20-25kg/cây.
    Trung bình lớn: đường kính 8-10cm; trọng lượng 30-35kg/cây.
    Cá biệt: đường kính 12-14cm; trọng lượng 40-50kg/cây.
    Nhân dân các huyện phía Nam tỉnh Lạng Sơn có kinh nghiệm khi luộc bánh do thường cho một miếng măng tre là ngà bắc vào để bánh được trong, trông vừa đẹp, vừa ngon.
    Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
    Là ngà bắc thường được gieo trồng dựa trên các kinh nghiệm đã có của nhân dân. Chọn các địa điểm có độ dốc không lớn (<100), các khu vực: bờ ao, quanh vườn nhà, bờ đê, ven lối đi, dọc sông suối… để trồng. Nơi trồng cần có đất sâu dầy, xốp ẩm, ít đá. Cây được trồng chủ yếu bằng các đoạn gốc. Thời vụ trồng tốt nhất vào khoảng tháng 2-3, Khi trồng chọn các cây bánh tẻ (cây non dưới 18 tháng tuổi), mập, thẳng, không sâu bệnh để làm giống. Đào phần thân ngầm và đoạn thân khí sinh khoảng 1-1,5m để làm giống. Để đảm bảo tỷ lệ sống cao cần nhúng thân ngầm vào bùn ao có thêm phân chuồng hoai (nhân dân gọi là hồ bùn). Cũng có thể đánh cả bụi nhỏ gồm 2-3 thân và cả măng nhỏ mới nhú đem trồng.
    Là ngà bắc được trồng theo hố, cách nhau 3-5m. Kích thước của hố tuỳ theo độ lớn của gốc cây giống. Nếu chỉ trồng 1 gốc, hố đào kích thước 40x40x60cm. Nếu trồng cả bụi nhỏ, kích thước hố phải lớn hơn. Để tre phát triển tốt cần bón mỗi hố 10-15kg phân chuồng. Khi trồng đặt gốc tre nằm nghiêng một góc 40-600. Lấp đất trộn phân cao hơn cổ thân ngầm 10cm; và thấp hơn miệng hố 10-20cm để tránh hiện tượng tre ăn lên; lèn đất thật chặt và tưới nước để cây mau ra rễ. Để tránh cây bị gió lay hoặc trâu bò và gia súc phá hại nên cắm cọc và buộc chặt gốc tre giống vào cọc và rào xung quanh. Để giữ độ ẩm cho cây cần chặt trên đốt tre khoảng 10cm và đắp bùn ao. Cũng có nơi đổ nước vào đoạn ống tre của cây giống.
    Người dân ở hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn có kinh nghiệm là lấy cả thân tre làm giống. Thân tre được đặt nằm trên rãnh trồng và phủ kín bằng đất bột. Cây con mọc lên từ các mắt của lóng. Cách trồng này được áp dụng trồng làm hàng rào.
    Chăm sóc: Hàng năm vun gốc hoặc bón bùn ao để ải cho tre vào tháng 4-5 để cây đẻ măng nhiều. Đôi khi là ngà bắc bị rệp lá hoặc sâu đục măng. Khi đó cần phun thuốc để trừ các loại sâu bệnh này.
    Khai thác, chế biến và bảo quản
    Thân tre được khai thác hàng năm hoặc 2-3 năm 1 lần. Để dùng cho xây dựng cần khai thác cây trên 3 tuổi. Trước khi khai thác phải dọn sạch gai xung quanh gốc tre để khỏi ảnh hưởng đến người khai thác. Muốn lấy măng, chỉ nên khai thác đợt măng cuối vụ vì những măng này phát triển kém hơn măng đầu và giữa vụ. Chế biến măng tre là ngà bắc giống như tre gai nhưng măng tươi không để được lâu, măng chua để được lâu hơn, nhưng thượng bị bở, không dòn và chất lượng kém măng tre gai. Vì vậy, sản phẩm măng chua ngâm ớt của các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng chỉ dùng tre gai chứ không dùng măng tre là ngà bắc.
    Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Là ngà bắc là loài tre có nhiều giá trị, dễ trồng và có thể thích ứng với nhiều điều kiện sinh thái khác nhau. Nên phát triển trồng tre là ngà bắc ven sông suối, dọc chân đê, bờ nước để làm cây phòng hộ, đồng thời cung cấp thân tre và măng.
    Tài liệu tham khảo
    1. Đỗ Huy Bích và cộng sự (2003). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. TII . Tr.1010-1014. Nxb Khoa học và Kỹ thuật - Hà Nội; 2. Nguyễn văn Liên (1981). Khả năng phát triển tre trúc trong nhân dân. Viện Điều Tra Qui Hoạch rừng. Đoàn điều tra IV (Tài liệu đánh máy); 3. Vũ Văn Dũng (1978). Thành phần và phân bố các loài tre nứa của Miền Bắc Việt Nam. Tập san Lâm Nghiệp, số 10/1978 - Hà Nội; 3. Academia Sinica (1996). Poales Flora Reipublicae Popularis Sinicae. Tomus 1: 56-58. Science Press. 1966 (Trung văn); 4. Dransfield S.and Widjaja E.A. (1995). Plant Resources of South – East Asia Bamboo. 7. Bogor Indonesia.