Hóp nhỏ

Hóp nhỏ

Hóp nhỏ

  • Tên khoa học : Bambusa tuldoides Munro, 1868
  • Họ : Hoà thảo - Poaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố :

  • Hóp nhỏ
    Tên khoa học: Bambusa tuldoides Munro, 1868
    Tên đồng nghĩa: Bambusa pullescens (Doell) Hack. 1908; B. longiflora W.T.Lin, 1980
    Tên khác: Hóp thân xanh, hóp
    Họ: Hoà thảo – Poaceae
    Phân họ: Tre – Bambusoideae
    Tên thương mại: Verdant bamboo, punting pole bamboo (Anh).
    Đặc điểm hình thái
    Thân ngầm dạng củ; thân khí sinh mọc cụm dày đặc; cao 6-10m, đường kính 3-5cm, ngọn hơi cong; chiều dài lóng 30-36cm, lúc non phủ lớp sáp trắng mỏng, không lông, vách thân dày 4-5mm; đốt hơi nổi, phía trên và dưới vòng mo của đốt thứ nhất, thứ 2 kể từ gốc có 1 vòng lông tơ màu trắng xám; chia cành thường bắt đầu từ đốt thứ nhất hay đốt thứ 2 kể từ gốc, cành 1 đến nhiều, mọc cụm, cành chính khá to và dài. Bẹ mo rụng sớm, mặt lưng không lông lúc khô lườn dọc nổi lên, thường gần kề mép ngoài của mỗi bên có 1-3 dải dọc màu trắng vàng, đầu hơi lệch nghiêng xuống phía dưới hình thành cung rộng không đối xứng; tai mo không bằng nhau, tai mo sát phía trong khá nhỏ, chếch nghiêng, hình trứng đến hình elíp, mép có lông tua; lưỡi mo cao 3-4mm, bị xẻ, mép mọc dày lông mi ngắn 2mm; phiến mo đứng thẳng, dễ rụng, hình tam giác dạng trứng đến hình tam giác hẹp không đối xứng, mặt lưng phủ lông gai thưa mọc ép sát, màu nâu, dễ rụng, mặt bụng giữa các gân phủ lông gai nhỏ màu nâu hay màu nâu nhạt, đầu nhọn có mũi nhọn cứng sắc, gốc sau khi hơi thu hẹp hình tròn, kéo dài ra phía ngoài và nối liền với tai mo, phần nối liền đó dài 5-7mm, bề rộng gốc phiến mo bằng khoảng ¾ bề rộng đầu bẹ mo; mép 2 bên gần gốc có nếp nhăn nhẹ và phủ lông tua dạng sóng. Bẹ lá, lưng không lông, mép chỉ một bên phủ lông mảnh ngắn; tai lá khuyết hay tồn tại, có hình trứng hẹp đến hình liềm, mép có lông mi thẳng hay cong; lưỡi lá rất ngắn, mép nguyên, phủ lông mảnh, ngắn; phiến lá hình lưỡi mác đến hình lưỡi mác hẹp, dài 10-18cm, rộng 1,5-2cm, mặt trên không lông hay gần gốc có lông mềm, thưa, mặt dưới phủ dày lông mềm ngắn, đầu nhọn và có mũi nhọn nhỏ dạng mũi khoan, ráp, gốc gần hình tròn hay hình nêm rộng.
    Bông nhỏ thưa, mọc cụm ở các đốt của cành hoa. Bông nhỏ chứa 6 hay 7 hoa, những hoa nằm ở 2 đầu trên và dưới bất thụ, hoa nhỏ ở giữa lưỡng tính; mày trong thường 1 chiếc, hình tròn dài dạng trứng, dài 8,5mm, không lông, đầu nhọn; mày ngoài hình tròn dài dạng trứng, dài 11-14mm, đầu tù và có mũi nhọn ngắn; mày trong dài gần bằng mày ngoài hay hơi ngắn hơn; mày cực nhỏ 3, hình trứng ngược, mép phủ lông mảnh, bao phấn dài 3mm; bầu hình trứng ngược, có cuống, dài 1,2mm, vòi dài 0,7mm, đầu nhuỵ 3, dài 5,5mm, dạng lông vũ.
    Quả dĩnh, hình cột tròn hơi cong, dài 8mm, đường kính 1,5mm, đỉnh tròn tù và dày lên, phủ lông cứng dài.
    Các thông tin khác về thực vật
    Gần đây một số nhà thực vật Trung Quốc đã gộp loài trúc đùi gà (Bambusa ventricosa MacClure) một loài tre làm cảnh khá phổ biến,có thân chỗ phồng to, chỗ thắt lại, vào loài hóp nhỏ này. Vì loài trúc đùi gà, khi trồng ngoài thiên nhiên sẽ mất dạng thân đặc biệt và trở thành cây tre bình thường rất giống loài hóp nhỏ. Nhưng nhiều tác giả khác không ủng hộ việc làm đó và vẫn để 2 loài trên độc lập với nhau. Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu và bàn luận.
    Phân bố
    Việt Nam:
    Hóp nhỏ có nguồn gốc ở miền Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Có thể gặp chúng ở cả dạng hoang dã và trồng trọt. Ở Việt Nam hóp nhỏ phân bố khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam, hầu như tỉnh nào cũng có, nhưng tập trung nhất là các tỉnh vùng Trung Tâm Bắc Bộ và vùng Đông Bắc như: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh.
    Thế giới:
    Hóp nhỏ phân bố ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc như: Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam.... Hiện nay cây đã được trồng rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và các nước thuộc Châu Mỹ...
    Đặc điểm sinh học
    Cây ưa ẩm và sáng, thường mọc ven đường đi, chân núi, dọc sông suối, nơi có địa hình ít dốc hoặc bằng phẳng. Độ cao phân bố của hóp nhỏ không quá 700-800m. Chúng mọc được trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng ít gặp mọc ở vùng núi đá vôi. Không mọc thành rừng hay vạt lớn mà chỉ tập hợp thành đám nhỏ hoặc lẻ tẻ 1-2 bụi. Cây thường xanh quanh năm. Mang trồng ở Hoa Kỳ, cây chịu được giá lạnh, nhiệt độ thấp –70C vẫn sống.
    Cây sinh măng vào đầu mùa mưa, phát triển từ măng thành cây tre khá chậm; cành xuất hiện khi cây chưa đạt chiều cao đầy đủ. Cây 2 tuổi mới được coi là hết giai đoạn bánh tẻ để trở thành cây trưởng thành.
    Thí nghiệm về tăng trưởng của hóp nhỏ tại Quảng Châu (Quảng Đông) - Trung Quốc cho thấy, hom giống trồng 1 tuổi từ thân ngầm ở cây có thể đạt chiều cao 3m trong năm đầu, cao 12m trong năm thứ năm, đường kính tăng từ 3cm lên 5,8cm và số cây trong bụi tăng từ 4 lên 21. Thí nghiệm ở Puerto Rico cho biết, cây trồng từ giống thân ngầm cho 30-40 thân trong vòng 6 năm sau khi trồng. Sau 10-12 năm cụm tre đã trưởng thành và số cây sinh ra hàng năm bằng với số cây chết đi. Do quá già cỗi nên tổng số cây trong bụi không thay đổi nữa. Chiều cao tối đa của cây đạt 13-14m. Ở bang Florida (Hoa Kỳ) chiều cao tối đa của cây đạt 18m.
    Cây có thể bắt đầu bị khuy ở tuổi 50. Ở Trung Quốc và Việt Nam gặp hiện tượng cây ra hoa hàng loạt trong 1 bụi, thời gian ra hoa kéo dài 2-3 năm, sau đó cả bụi bị chết. Số lượng hạt sinh ra ít hoặc nhiều khi cây ra hoa nhưng không kết hạt.
    Công dụng
    Hóp nhỏ được trồng chủ yếu để làm cây cảnh hoặc hàng rào quanh vườn, quanh nhà. Khi trồng trong chậu hoặc trong điều kiện không thuận lợi, các lóng thân cằn lại và có hình dáng đặc biệt như chiếc đùi gà vì vậy nên hóp nhỏ được dùng trong kỹ thuật bông sai để tạo cây cảnh. Thân hóp nhỏ có thể dùng làm cọc, hàng rào, đan lát, cán nông cụ, lớp vỏ ngoài cạo ra từ thân hóp nhỏ với tên “trúc nhự” được dùng trong đông y để làm thuốc chữa cảm cúm. Thân hóp nhỏ cũng có thể dùng làm bột giấy.
    Phần mấu (không dùng làm giấy, bị bỏ đi) chiếm 6% trọng lượng tươi. Lượng sợi chiếm khoảng 60% trọng lượng thân tre. Chiều dài sợi (1,49-)-1,97-(3,17)mm. Tính chất cơ lý của thân hóp nhỏ: tỷ trọng 950-970kg/m3; lực ép dọc thớ 30,0-30,2N/mm2 (cả đốt) và 37,8-38,3N/mm2 (không đốt).
    Trọng lương măng của hóp nhỏ khoảng 1kg (khi chưa bị bóc vỏ) và 137g (sau khi bóc vỏ). Phần ăn được của măng là 15%. Măng có vị hơi đắng nên cần luộc kỹ trước khi ăn.
    Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
    Tập quán trồng hóp nhỏ bằng gốc (thân ngầm) rất phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác. Trước hết chọn các to, thẳng, cành phát triển đầy đủ, không cong queo, sâu bệnh, dưới 20 tháng tuổi để làm giống. Dùng giao sắc chặt đứt cổ thân ngầm sát chỗ nối với cây mẹ, lấy 1 đoạn thân khí sinh dài 1-1,5m, có 2-3 lóng cộng với thân ngầm để làm giống trồng. Đào hố kích thước 40x40x40cm, bón lót phân chuồng hoai khoảng 1/2 đến 1 tháng trước khi trồng. Khi trồng moi đất lên, đặt thân ngầm nghiêng một góc 40-600, lấp đất và nén chặt để lớp đất cao hơn cổ thân ngầm 3-5cm. Nơi đất khô, mặt hố thấp hơn mặt đất xung quanh 5-10cm để có thể hứng nước và vun cỏ, rác xung quanh gốc cây. Tỷ lệ sống đạt 100%, nếu giống gốc được chăm sóc trong vườn ươm đến khi ra rễ mới trồng.
    Cũng có thể trồng hóp nhỏ bằng cả thân. Ở Puerto Rico, người ta dùng cả cây bánh tẻ 2 năm tuổi làm giống. Cây được đặt trên một rãnh dài đã đào trước; kết quả sau 9 tháng, mỗi gốc cho trung bình 4-7 cây mới với chiều cao 3m. Phần giữa và phần ngọn cây giống thường dễ sinh cây mới hơn phần gốc cây.
    Cây hóp không cần chăm sóc nhiều, vì có sức sống khoẻ, ít sâu bệnh.
    Khai thác, chế biến và bảo quản
    Thường thu hoạch thân hóp sau khi trồng 5 năm, khi bụi cây đạt 5-6 tuổi. Thân sử dụng tốt ở giai đoạn 2-3 tuổi. Nên tiến hành thu hoạch vào mùa khô, khi lượng nước trong cây thấp, ít bị mối mọt tấn công. Ở nhiều nơi, thường thu hoạch các thân lóng trên 3 năm trong các bụi đã trưởng thành và bớt lại các cây dưới 2 tuổi để không ảnh hưởng đến lượng sinh măng và sức sống của bụi cây. Như vậy, một bụi hóp nhỏ có 30 thân thì mỗi năm khai thác 7-8 thân là thích hợp nhất.
    Tới nay hóp nhỏ vẫn chủ yếu được dùng ở phạm vi hẹp, trong mỗi gia đình, thôn xóm, chưa thành hàng hoá và hóp nhỏ vẫn chưa được trồng trên diện tích lớn.
    Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Hóp nhỏ mới chỉ được tiêu dùng ở mức độ nhỏ, tại từng địa phương. Hóp nhỏ là cây kén đất và cho năng suất thấp, nên ít có triển vọng trong sản xuất hàng hoá.
    Tài liệu tham khảo
    1. Lê Mộng Chân, Lê Thị Huyên (2000). Thực vật rừng, Nxb Nông nghiệp; 2. Ngô Quang Đê (1994). Gây trồng tre trúc. Nxb Nông nghiệp; 3. Lê Viết Lâm (2005). Điều tra bổ sung thành phần loài, một số đặc điểm sinh thái các loài tre chủ yếu ở Việt Nam, Đề tài cấp Bộ; 4. Phạm hoàng Hộ (2000). Cây cỏ Việt Nam. T.III: 607. Nxb Tre, thành phố Hồ Chí Minh; 5. Vũ Văn Dũng (1991). Các loài tre nứa ở Việt Nam, Tóm tắt một số công trình nghiên cứu 30 năm điều tra quy hoạch rừng, Viện điều tra quy hoạch rừng; 6. Academia Sinica (1996). Poales.Flora Reipublicae Popularis Sinicae. Tomus 1: 87-90. Science Press. (Trung văn); 7. Dransfield S. and Widjaja E.A. (Editors) (1995). Bamboo. Plant Resources of South- East Asia. 7: 72-74. Bogor Indonesia.