Hoàng Liên

Hoàng Liên

Hoàng Liên

  • Tên khoa học : Coptis chinensis Franch., 1897
  • Họ : Hoàng liên - Ranunculaceae
  • Bộ : Bộ Mao lương - Ranunculales
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Hoàng liên
  • Nguồn ảnh : Internet

  • HOÀNG LIÊN

    Tên khoa học: Coptis chinensis Franch., 1897
    Tên đồng nghĩa: Coptis teeta Wall. var. chinensis Franch.
    Tên khác: Hoàng liên chân gà, xuyên liên; phàng lình (H’Mông); Golden thread root, chinese gold thread, coptis (Anh); Coptide, savoyade (Pháp)
    Họ: Hoàng liên – Ranunculaceae

    1. Đặc điểm hình thái
    Cây thảo, sống nhiều năm, cao 20 – 30 cm. Thân rễ nhỏ, mọc nằm ngang, đôi khi phân nhánh, có nhiều đốt ngắn, màu vàng. Lá mọc thẳng từ thân rễ, cuống dài 10 – 20 cm, 3 lá chét hình thoi dạng trứng, chia thuỳ lông chim không đều, lá chét giữa to và có cuống dài hơn, các lá chét bên hình tam giác lệch, chia 2 thuỳ sâu, những thuỳ này lại chia thuỳ nông không đều, các thuỳ đều có răng cưa nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục bóng, mặt dưới nhạt.
    Hoa nhỏ, 3 – 5 cái, có cuống dài mọc trên một cán mảnh, dài bằng lá hoặc hơn; lá bắc nhỏ dạng lá; bao hoa màu lục vàng nhạt, 5 lá đài hình mác hẹp, 5 cánh hoa dài; nhị khoảng 20; lá noãn 8 – 12 rời.
    Quả nang, hình thuôn, dài 6 – 8 mm, tự nứt, màu nâu và khi chín; hạt nhiều màu đen.
    2. Đặc điểm sinh học
    Nhìn chung các loài hoàng liên (Coptis spp.) là những cây ưa ẩm và đặc biệt ưa bóng. Chúng thường mọc thành đám nhỏ, bám trên vách đá, hoặc thân cây gỗ có nhiều rêu; dưới tán rừng, độ cao từ 1.600 m ở Quản Bạ, đến 2.400 m ở Hoàng Liên Sơn. Rừng nơi có hoàng liên thường ở đỉnh núi, bao gồm các cây gỗ thấp (dưới 15 m), phân cành nhiều, quanh năm có mây mù. Nhiệt độ trung bình năm ở đây chỉ khoảng 13oC (tương đương số liệu của Trạm khí tượng đèo Hoàng Liên Sơn trước kia, ở độ cao 2.100 m); về mùa đông thường xuyên ở mức dưới 10oC.
    Hoàng liên là cây thường xanh quanh năm. Tuy nhiên, mùa sinh trưởng mạnh khoảng tháng 4 – 8; sau đó đến tháng 9 bắt đầu ra hoa; quả già tồn tại đến tận đầu tháng 5 năm sau. Cây tái sinh tự nhiên bằng hạt và bằng cách đẻ chồi nhánh ở thân rễ. Vì thế, trong tự nhiên chúng thường tạo thành từng đám nhỏ, khó phân biệt từng cá thể. Cây con nảy mầm từ hạt quan sát được vào tháng 4 và 5.
    Cây sinh trưởng rất chậm. Để có dược liệu cho khai thác sử dụng, chắc chắn phải cần nhiều năm.
    Thông tin khác về thực vật
    Chi Coptis Salist. trên thế giới có 12 loài, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm châu Á, bao gồm từ Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc (cả ở Đài Loan) và Bắc Việt Nam. Ở Việt Nam, có 2 loài là Coptis chinensis Franch. và C. quinquesecta Wang – riêng loài sau trên toàn thế giới chỉ thấy ở hai điểm phân bố là Vân Nam (Trung Quốc) và Hoàng Liên Sơn (Lào Cai – Việt Nam).
    Loài Coptis quinquesecta Wang cũng được dùng làm thuốc như loài hoàng liên kể trên. Về hình thái bên ngoài, hai loài tương đối giống nhau, song loài Coptis quinquesecta Wang thường có kích thước lớn hơn, lá chia thành 5 thuỳ riêng biệt, cụm hoa dài mọc vượt trên tán lá.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Hoàng liên (C. chinensis Franch.) mới phát hiện thấy ở 2 điểm là núi Hoàng Liên (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) và núi Ông Páo (Quản Bạ, tỉnh Hà Giang). Các điểm có hoàng liên ở Việt Nam là giới hạn cuối cùng về phía Nam trên bản đồ phân bố của chi Coptis Salist. trên toàn thế giới.
    Thế giới:
    Trung Quốc (các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, Vân Nam, Triết Giang, Thẩm Dương). Hiện cây cũng được trồng rải rác ở các địa phương này.
    4. Bộ phận dùng, công dụng:
    Bộ phận dùng:
    Thân rễ phơi hoặc sấy khô.
    Theo Dược điển Việt Nam, hàm lượng berberin trong dược liệu phải đạt 4%.
    Thành phần hoá học:
    Thân rễ chứa các alcaloid như berberin, palmatin, columbamin, jatrorrhizin, coptisin, magnoflorin, worenin,... Ngoài ra, còn có obacunon, obaculacton, acid ferulic, acid lumicaeruleic (TDTH. III, 89; CA. 112, 1990, 125306 s).
    Công dụng:
    Thân rễ hoàng liên là thuốc bổ dắng, chữa tiêu hoá kém, viêm loét dạ dày, viêm ruột, nôn mửa, tiêu chảy, kiết lỵ.
    Ngày dùng: 4 – 8 g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc cao lỏng.
    Dùng ngoài chữa đau mắt đỏ.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng:
    Hoàng liên là những loài cây thuốc quý hiếm ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu trồng, ngoại trừ việc thu thập trồng một ít dưới tán rừng với mục đích bảo tồn chuyển vị, nhưng cũng chưa có thể coi là thành công.
    Trung Quốc là nước trồng hoàng liên duy nhất trên thế giới. Ngay từ năm 1965, Ban huấn luyện, đào tạo cán bộ dược liệu Trung Quốc đã xuất bản Tập tài liệu “Kỹ thuật nuôi trồng và chế biến dược liệu”. Trong đó, đã đề cập khá chi tiết về cách trồng, chế biến, bảo quản một số loài hoàng liên, như thạch trụ hoàng liên (Coptis chinensis Franch. var. chunensis), Nga My hoàng liên (C. chinensis Franch. var. omeiensis), hoàng liên (C. chinensis Franch.), phúc cấp hoàng liên (C. tecto C. Y. Cheng), ngũ liệt hoàng liên (C. quinquesecta W. T. Wang).
    Sau đây là tóm tắt cách trồng để tham khảo.
    Loại giống:
    Gieo bằng hạt. Thời vụ tháng 5.
    Nhánh con và đầu mầm thân rễ. Thời vụ tháng 9 – 10 (ngay sau khi thu hoạch)
    Cách trồng:
    Có 2 cách: trồng dưới tán rừng tự nhiên và trên đất rừng, hoặc đất trồng ngô (ở vùng núi) nhưng phải làm giàn che.
    Trồng dưới tán rừng tự nhiên: Chọn vùng rừng có cây gỗ lá rộng ở khe núi, khuất gió; đất nhiều mùn, thoát nước, độ dốc dưới 30o. Phát bỏ toàn bộ tầng cây bụi và cỏ quyết; cuốc bỏ gốc rễ; lên luống cao 30 cm, rộng 1,5 – 1,7 m; bón lót phân chuồng mục và mùn núi (không rõ khối lượng).
    Vào khoảng tháng 5, quả chín, ngắt lấy chùm quả, phơi trong nhà 2 – 3 ngày, vỏ quả tự tách ra, sàng lấy hạt, gieo ngay. Hạt gieo vãi hay gieo theo hàng, sau đó xoa mặt luống cho hạt được vùi xuống đất. Phủ một lớp lá tre trúc hay rơm rạ khô; tưới nước. Hạt gieo tháng 5, đến tháng 2 – 3 năm sau mới nảy mầm.
    Cách trồng bắng nhánh con và đầu mầm thân rễ. Vào tháng 9 – 10, các nhánh con không làm dược liệu được tách ra; hoặc lấy phần đầu mầm thân rễ (dài 1,5 cm) sau khi đã cắt lấy phần thân rễ chính. Bó thành bó, sau chuyển đi trồng ngay. Mầm giồng trồng vào đầu mùa đông, nhưng đến đầu mùa xuân năm sau mới nảy mầm. Cự ly trồng: 10 x 20 cm 1 khóm (có thể gồm 1 – 3 mầm giống).
    Việc trồng hoàng liên dưới tán rừng tự nhiên, mục đích là để tận dụng tán che và không khí ẩm ướt của rừng. Xung quanh lô trồng phải làm hàng rào để bảo vệ. Cách trồng này nay không được hoan nghênh và mở rộng, vì làm mất đi tính đa dạng sinh học của rừng.
    Trồng có giàn che:
    Chọn các mảnh đất ở thung lũng, khe núi khuất gió; đất còn nhiều mùn, thoát nước. Hoặc cũng có thể sử dụng đất nương rẫy đã trồng ngô đậu (ở ven rừng). Cách làm đất, bón lót phân chuồng mục và mùn núi, cũng như về thời vụ trồng nhìn chung cũng giống với phương thức trồng bán tự nhiên. Tuy nhiên, sau khi gieo, trồng phải làm hàng rào (bằng phên nứa thưa) và giàn che. Giàn che cao 1,3 m, lợp bằng phên nứa hay bằng thân các cây trúc. Chú ý giàn che phải đủ khoẻ để chịu được tuyết rơi - nếu lớp tuyết quá dày phải tiến hành cào bỏ bớt. Ngoài ra, hàng năm phải tu sửa giàn che và hàng rào.
    Chăm sóc:
    Nhổ cỏ 3 – 4 lần / năm. Lần nhổ cỏ thứ nhất vào tháng 3 – 4 khi cây con được 2 – 3 lá; hai lần tiếp theo cách nhau 1 – 2 tháng (vụ xuân – hè cỏ mọc nhiều) và lần cuối cùng vào cuối mùa thu. Khi tiến hành nhổ cỏ lần đầu cần tỉa thưa và trồng giặm, đảm bảo cự ly 10 x 20 cm / khóm. Khi nhổ cỏ chú ý không làm long gốc hoàng liên. Tưới nước bằng ô doa, luôn giữ cho đất ẩm. Bón bằng phân chuồng mục và khô dầu 2 lần / năm.
    Cây trồng 1 năm tuổi bắt đầu có hoa quả. Song, muốn lấy hạt giống thường chỉ thu ở cây trên 3 năm tuổi. Cây trồng bán tự nhiên dưới tán rừng sau 6 – 7 năm mới thu hoạch. Cây trồng có giàn che có thể thu hoạch sau 5 – 6 năm. Năng suất trồng có giàn che 50 – 70 kg hoàng liên khô / mẫu Trung Quốc.
    Phòng trừ sâu bệnh:
    Hoàng liên trồng đại trà thường bị sâu xám nằm dưới đất, đêm lên ăn là và mầm non. Cách trừ bằng phu thuốc vào ban đêm hay sáng sớm (chưa rõ loại thuốc). Hoặc dùng lá cỏ non rải lên mặt luống cho sâu ăn, sau đó tìm cách bắt diệt sâu. Bệnh do virus và nấm gây vàng, đỏ hoặc mốc trắng lá. Các bệnh này thường lây lan nhanh, cần nghiên cứu cách phòng trừ.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản:
    Hoàng liên trồng ở Trung Quốc thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10. Trước khi thu hoạch cần dỡ bỏ hàng rào, mái che.
    Cách thu hoạch:
    Dùng cuốc cuốc toàn bộ khóm hoàng liên, lấy tay tách các nhánh con (làm giống); cắt bỏ lá; rũ sạch đất (không rửa); đưa vào sấy. Sau khi thấy đã khô, người ta cho vào một dụng cụ cầm tay, vừa xoay vừa xóc cho đất, cát và rễ con gãy rời ra. Dược liệu hoàng liên thương phẩm là các đoạn thân rễ có đường kính 0,4 – 0,7 cm; đã loại hết rễ con. Lá và rễ hoàng liên hiện nay cũng được tận dụng làm nguyên liệu chiết berberin.
    Hoàng liên được đóng trong bao tải 2 lớp, với khối lượng 30 – 50 kg / bao. Bảo quản nơi khô ráo và mát mẻ.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn:
    Hoàng liên là một vị thuốc quý, được dùng nhiều trong y học cổ truyền Phương Đông. Ở Trung Quốc, vị thuốc này đã được ghi nhận cách đây hơn 2000 năm (trong “Thần nông bản thảo” của Lý Thời Chân). Trong “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh (thế kỷ 14) cũng có đề cập tới vị thuốc hoàng liên ở nước ta.
    Hoàng liên đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn là do nhập khẩu từ cây trồng ở Trung Quốc. Giá bán tại thị trường Hà Nội vào khoảng 600.000 đ / kg.
    Việt Nam đã phát hiện có 2 loài hoàng liên kể trên và ngay từ năm 1983, khi biên soạn “Atlas quốc gia”, chúng đã được xếp vào nhóm những cây thuốc cần bảo vệ ở Việt Nam. Ngoài ra, chúng còn được đưa vào “Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam” (Nguyễn Tập, 1996, 2001 và 2006) và “Sách Đỏ Việt Nam” (1996). Bên cạnh đó, trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ (2006), hoàng liên còn bị cấm tuyệt đối việc khai thác sử dụng. Mặc dù vậy, do cách tuyên truyền bảo tồn chưa triệt để, nên một số người dân tộc H’Mông ở Sa Pa (Lào Cai) và Quản Bạ (Hà Giang) đôi khi vẫn đi lấy hoàng liên đem xuống chợ bán. Nguy cơ bị tuyệt chủng đối với 2 loài hoàng liên ở nước ta là rất nghiêm trọng.
    Trong quá trình nghiên cứu bảo tồn cây thuốc ở vùng Sa Pa, Viện Dược liệu đã bước đầu trồng được một số khóm hoàng liên (từ cây thu thập trong tự nhiên) dưới tán rừng tự nhiên, ở độ cao khoảng 1.800 m. Cây trồng bảo tồn có ra hoa, nhưng quả thường lép. Cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu để phát triển trồng cây thuốc quý này, như ở Trung Quốc