Hoàng Liên Gai
Hoàng Liên Gai
HOÀNG LIÊN GAI
Tên khoa học: Berberis wallichiana DC.,1824Tên khác: Hoàng liên ba gai, hoàng mộc, hoàng mù, tiểu la tán, tiểu nghiệt; Wallich’s barberry, Wallich’s berberis (Anh); épire – vinetle (Pháp).
Họ: Hoàng liên gai - Berberidaceae
1. Đặc điểm hình thái
Cây bụi gai, cao 1 - 3 m, phân cành nhiều; gỗ màu vàng. Cành hình trụ tròn, vỏ màu xám có khía dọc và gai nhọn dài 1 – 2 cm, gai chia 3 nhánh ở phần gốc. Lá mọc so le, nhưng thường tụ Tập 3 – 5 cái không cuống, phiến cứng, hình mác thuôn, dài 3 – 6 cm, rộng 0,8 – 2 cm, gốc tròn hoặc thuôn, đầu nhọn, mép khía răng đều dạng gai nhọn sắc, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục bóng, gân lá nổi rõ ở mặt dưới.
Cụm hoa gồm 8 – 12 hoa có cuống dài 1 – 1,5 cm, tụ Tập ở kẽ lá; lá bắc nhỏ hình trứng, hoa màu vàng, 6 lá đài xếp thành 2 vòng, 6 cánh hoa đều cũng xếp thành 2 vòng, ở móng thường có 2 hạch nhỏ; 6 nhị rời nhau, chỉ nhị mập, bao phấn đính dọc; bầu hình trụ; vòi nhụy loe hình phễu.
Quả mọng, hình ellip, dài khoảng 6 - 7 mm, đường kính 3 – 4 mm, màu tím đen khi chín, hạt 1, hình thuôn, có rãnh dọc ở giữa.
2. Đặc điểm sinh học
Sa Pa – Lào Cai ở Việt Nam có thể là điểm phân bố cuối cùng của chi Berberis L. trên bản đồ thế giới.
Các loài hoàng liên gai kể trên đều thuộc dạng cây bụi gai, ưa sáng hoặc có thể hơi chịu bóng khi cây còn nhỏ. Chúng thường mọc xen kẽ với các loại cây bụi khác ở ven rừng núi đá vôi, trên độ cao 1.500 – 1.700 m. Cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng núi cao Sa Pa, nhiệt độ trung bình năm 15,3o, về mùa đông có thể xuống dưới 0oC, song cây có thể chịu được cả băng giá và sương muối, không bị rụng lá.
Hoàng liên gai ra hoa quả nhiều hàng năm. Cây mọc nơi được chiếu sáng đầy đủ có số hoa quả gấp 3 – 4 lần cây bị che bóng (Nguyễn Tập, 1996). Mùa hoa từ tháng 3 đến giữa tháng 4; quả tồn tại trên cây từ tháng 5 đến tháng 11 (12); khi chín quả rụng xuống đất, cây mọc từ hạt vào tháng 3 – 5 năm sau. Hoàng liên ô rô có khả năng tái sinh cây chồi khỏe sau khi bị chặt, phát.
Thông tin khác về thực vật
Trên thế giới chi Hoàng liên gai (Berberis L.) có khoảng 120 loài, ở Việt Nam có 3 loài: Berberis wallichiana DC. kể trên, loài và một loài nữa chưa xác định được tên, đều được dùng làm thuốc như nhau.
Nhìn hình thái bên ngoài 2 loài đã biết tương đối giống nhau, song có thể phân biệt chúng ở các đặc điểm: lá của loài Berberis wallichia DC. thường mọc tụm 3 cái, ở loài B. julianae Schneid thường 3 – 5 hoặc 7 cái và kích thước lá cũng nhỏ hơn. Về kích thước của hoa, cuống hoa, quả của loài Berberis wallichiana DC. thường lớn và dài hơn loài B. julianae Schneid.
3. Phân bố
Việt Nam:
Tỉnh Lào Cai (huyện Sa Pa: Thị trấn Sa Pa, Ô Quí Hồ; huyện Bắc Hà).
Thế giới:
Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal.
4. Bộ phận dùng và công dụng
Bộ phận dùng:
Rễ phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hóa học:
Rễ chứa alcaloid chủ yếu là berberin với hàm lượng 3 – 4%. Ngoài ra, còn có các alcaloid khác như oxyacanthin, umbellatin.
Công dụng:
Rễ Hoàng liên gai được dùng làm thuốc chữa lỵ trực khuẩn, ỉa chảy, rối loạn tiêu hóa và đau mắt đỏ.
Liều dùng hàng ngày: 4 - 6 g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Dùng ngoài, chữa đau răng dưới dạng nước sắc đặc hoặc ngâm rượu ngậm. Nước sắc đặc, lọc sạch dùng để rửa hoặc nhỏ vào mắt chữa đau mắt đỏ.
5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
Hoàng liên gai chưa chính thức được trồng ở Việt Nam. Tuy nhiên, kết hợp trong nghiên cứu bảo tồn chuyển vị (Ex situ conservation), chúng tôi đã thu thập được một số dẫn liệu sau:
Vào tháng 11 thu hái quả chín, ủ 2 ngày cho mềm vỏ, đãi lấy hạt chìm. Hạt phơi trong râm 1 – 2 ngày cho khô, sau đem gieo ở vườn ươm. Đất vườn ươm làm nhỏ, lên luống cao 20 cm, bón lót phân chuồng mục, gieo hạt theo hàng, cự ly 5 x 5 cm; phủ rơm rạ hay cỏ khô, thường xuyên tưới nước cho đất luôn ẩm. Chú ý vườn ươm có làm mái che bằng lưới nilon hay phên nứa thưa.
Hạt sẽ nảy mầm sau khi gieo khoảng 30 – 40 ngày. Tỷ lệ nảy mầm đạt 72% (nếu để hạt khô sau 1 tháng mới gieo, tỷ lệ nảy mầm chỉ 40%). Cây giống ở vườn ươm được tỉa thưa (trồng sang luống khác hoặc trong bầu đất) chỉ để lại cự ly 10 – 15 cm / cây. Sau 1 năm nhổ (cả rễ) đi trồng.
Cách trồng: Đào hố sâu 20 cm, bón lót phân chuồng hay mùn núi (1 kg / hốc). Trồng vào mùa đông hoặc đầu mùa xuân. Chăm sóc đơn giản, bao gồm làm cỏ, vun gốc. Cây trồng sau 2 – 3 năm tuổi bắt đầu có hoa.
Do đặc điểm cây có nhiều gai, nên thường trồng ở góc vườn. Hoàng liên gai có thể trồng làm hàng rào cho nương rẫy, ở chân núi đá vôi, độ cao từ 1.500 m trở lên. Cây trồng thí nghiệm ở Trại thuốc Tam Đảo (Viện Dược liệu), ở độ cao hơn 900 m, đã ra hoa nhưng không kết quả.
6. Khai thác, chế biến và bảo quản
Rễ hoàng liên gai thu hái vào mùa thu, rửa sạch, cắt ngắn, phơi hoặc sấy khô.
Bảo quản ở nơi khô ráo.
7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
Ở các nước Trung Á, rễ của nhiều loài hoàng liên gai khác là nguồn nguyên liệu quan trọng để chiết xuất berberin. Ở Việt Nam, hoàng liên gai là cây thuốc thuộc diện đặc biệt quý hiếm (về nguồn gen), có nguy cơ bị tuyệt chủng cao, do các điểm phân bố ở vùng Sa Pa thường xuyên bị xâm hại. Số lượng cá thể không nhiều (ước tính cả 2 loài chỉ còn dưới 1.000 cây). Bởi vậy, vấn đề bảo tồn hoàng liên gai là một việc làm cấp bách.
Trước hết cần thiết lập 2 điểm bảo vệ nghiêm ngặt, có hoàng liên gai còn sót lại ở núi Hàm Rồng thị trấn Sa Pa và ở Ô Quý Hồ. Tiếp theo, thu thập hạt giống từ cây mọc tự nhiên để trồng thêm vào 2 điểm phân bố này. Khuyến khích nhân dân địa phương trồng làm hàng rào bảo vệ vườn và nương rẫy.