Hoàng Đằng

Hoàng Đằng

Hoàng Đằng

  • Tên khoa học : Fibraurea tinctoria Lour., 1790
  • Họ : Tiết dê - Menispermaceae
  • Bộ : Bộ Mao lương - Ranunculales
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk,…
  • Nguồn ảnh : hiveminer.com

  • HOÀNG ĐẰNG

    Tên khoa học: Fibraurea tinctoria Lour., 1790
    Tên khác: Hoàng liên nam, dây vàng giang, nam hoàng nhuộm, khau khem (Tày), co lạc khem (Thái), viằng đắng (Dao), tốt choọc, t’rơng (K’Dong); Fibraureé (Pháp).
    Họ: Tiết dê – Menispermaceae

    1. Đặc điểm hình thái
    Dây leo bằng thân quấn, dài tới 10 m. Rễ và thân già có vỏ ngoài nứt nẻ và gỗ màu vàng. Thân non nhẵn, màu lục, ít phân nhánh. Lá mọc so le, hình trái xoan hoặc thuôn – mũi mác, dài 9 – 18 cm, rộng 3 – 7 cm, gốc bằng hoặc hơi tròn, đầu có mũi nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt, 3 gân chính rõ; cuống lá dài 5 – 14 cm, phình ở 2 đầu.
    Hoa đơn tính khác gốc; cụm hoa chùm, phân nhánh, mọc ra ở thân già đã rụng lá. Hoa nhỏ, màu vàng chanh hay ngà vàng, có 6 lá đài: 3 cái ngoài hình tam giác, mép uốn lượn, 3 cái trong khum, dài và rộng hơn lá đài ngoài; cánh hoa 3, rộng và mỏng hơn lá đài. Hoa đực có 6 nhị, chỉ nhị dài hơi bao phấn; hoa cái nhị lép hoặc không rõ; bầu hình trứng nhỏ.
    Quả hạch hình xoan hay trứng thuôn, khi chín màu vàng, mùi hơi khó chịu. Hạt 1, hình thuôn hơi dẹt.
    2. Đặc điểm sinh học
    Hoàng đằng là loài cây ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc lẫn với các loại cây bụi hay gỗ nhỏ, trong các quần hệ thứ sinh; ở vùng núi thấp và trung bình, độ cao đến 1.000 m (thường ở các tỉnh phía Nam). Trong tự nhiên, tỷ lệ cây cái ít hơn nhiều so với cây đực. Hoàng đằng có hoa vào tháng 4 – 5; quả chín tháng 11 – 12, cá biệt kéo dài sang tới tháng 3 năm sau. Cây tái sinh tự nhiên bằng hạt, mọc chồi sau khi bị chặt hoặc từ những đoạn thân cành đem giâm xuống đất ẩm cũng có khả năng nảy chồi.
    Thông tin khác về thực vật
    Trong hệ thực vật Việt Nam, chi Hoàng đằng (Fibraurea Lour.) có 2 loài. Ngoài loài hoàng đằng còn có loài nam hoàng đằng (Fibraurea recisa Pierre) cũng được dùng làm thuốc như loài trên, nhưng khác ở chỗ, đầu lá không có mũi nhọn rõ ràng, cụm hoa thường khá dài và phân nhánh nhiều hơn, 3 lá đài ngoài hình trái xoan (không phải hình tam giác), chỉ nhị rộng và dài bằng bao phấn.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Phân bố rải rác khắp các tỉnh miền núi ở cả Miền Bắc lẫn Miền Nam. Hiện có thể gặp nhiều ở các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk,…
    Thế giới:
    Lào, Campuchia.
    4. Bộ phận dùng, công dụng
    Bộ phận dùng:
    Rễ hoặc các đoạn thân già, phơi hay sấy khô.
    Thành phần hóa học:
    Trong thân và rễ hoàng đằng chứa nhiều loại alcaloid như palmatin, fibraurin, jatrorrhizin, pseudocolumbamin, fibraurin, fibramin, fibranin…
    Công dụng:
    Rễ hoàng đằng là vị thuốc được dùng trong y học cổ truyền để chữa các chứng viêm tấy (nhiễm trùng), ỉa chảy, lỵ trực trùng, lở ngứa, mụn nhọt, sốt vàng da, đau mắt đỏ. Hoàng đằng là nguyên liệu chiết palmatin làm thuốc nhỏ mắt, chữa bệnh về đường tiêu hóa hoặc bán tổng hợp thuốc an thần.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Về cơ bản có thể trồng hoàng đằng bằng hạt hoặc bằng giâm cành, song hiện tại cây thuốc này chưa được chính thức trồng. Trong phạm vi thực nghiệm, người ta đã thành công trong việc nhân giống bằng các đoạn thân và cành (có sử dụng chất kích thích ra rễ).
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Thời gian khai thác thích hợp:
    Tháng 9 – 12.
    Cách khai thác:
    Chỉ chọn khai thác cây có đường kính thân trên 1 cm. Đào rộng, thu lấy toàn bộ rễ, rửa sạch, cắt thành từng đoạn dài 20 – 30 cm, phơi hay sấy khô, khi dùng cắt thành từng lát.
    Ngoài ra, người ta có thể thái lát, sao nhỏ lửa cho đến khô. Bảo quản trong túi nilon, để nơi khô và mát.
    Nếu là nguyên liệu chiết palmatin, không nên để hoàng đằng quá 6 tháng; sau khi làm khô nên đem chiết xuất luôn.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Ở Việt Nam có 2 loài hoàng đằng kể trên đều được dùng làm thuốc như nhau. Xét về giá trị sử dụng, cây thuốc này có ý nghĩa kinh tế cao. Giá thu mua tại chỗ để xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới từ 8.000 đến 10.000 đồng / kg rễ và thân già.
    Việt Nam vốn là nước có nguồn hoàng đằng phong phú. Do khai thác nhiều và liên tục nhiều năm, cộng với nạn phá rừng làm nương rẫy, nên vùng phân bố và trữ lượng tự nhiên giảm sút. Vả lại, do cây đực và cây cái khác nhau, lượng hạt gieo giống hạn chế, nên từ năm 1996, cây thuốc này cũng được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam để bảo vệ.
    Trong vài năm tới cần hạn chế khai thác hoàng đằng. Nghiên cứu nhân giống, trồng thêm vào vùng đệm của các Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên.