Hà thủ Ô trắng

Hà thủ Ô trắng

Hà thủ Ô trắng

  • Tên khoa học : Streptocaulon juventas (Lour). Merr., 1935
  • Họ : Thiên lý - Aclepiadaceae
  • Bộ : Bộ Long đởm - Gentianales
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Rải rác khắp các tỉnh vùng núi thấp và trung du, đặc biệt là các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên, Quảng BÌnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, BÌnh Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, L
  • Nguồn ảnh : http://crassa.cocolog-nifty.com

  • HÀ THỦ Ô TRẮNG

    Tên khoa học: Streptocaulon juventas (Lour). Merr., 1935
    Tên khác: Dây sữa bò, cây sừng bò, củ vú bò, dây mốc, mã liên an, khâu nuối, khau cần cà (Tày), chữa ma sìn (Thái), xạ ú bẹ (Dao), sân rạ, gỗ nạ (K’ Ho), pắt (K’ Dong).
    Họ: Thiên lý - Aclepiadaceae
    1. Đặc điểm hình thái
    Dây leo bằng thân quấn, dài vài mét. Có rễ củ hình trụ dài, vỏ màu nâu đen. Thân hình trụ, màu nâu nhạt hoặc nâu đỏ, rất nhiều lông, nhất là ngọn non. Lá mọc đối, hình trứng ngược, dài 8 – 14 cm, rộng 4 – 9 cm, gốc tròn hoặc tạo thành 2 thùy nhỏ, đầu tù hơi nhọn, mặt trên xanh có lông, mặt dưới phủ lông màu trắng nhạt; cuống lá rất ngắn, có lông.
    Cụm hoa mọc thành xim hai ngả, ở kẽ lá, cuống màu hung đỏ phủ nhiều lông mềm. Hoa nhỏ màu vàng nâu; lá bắc nhiều có lông; 5 lá đài nhỏ, thuôn, có lông; 5 cánh hoa hình mác, dài gấp 3 lần lá đài, hợp thành hình chuông có lông ngắn; 5 nhị dính liền thành một khối, chỉ nhị dày, ngắn, đính vào gốc cánh hoa.
    Quả là 2 đại, mọc tỏa ra 2 phía, mỗi đại dài 7 – 9 cm, đường kính 5 – 6 mm, thuôn nhọn, có nhiều lông, màu vàng nâu khi chín, hạt nhỏ, dẹt, có chùm lông trắng mịn.
    Toàn cây có nhựa mủ trắng.
    2. Đặc điểm sinh học
    Cây ưa sáng, thường mọc lẫn trong các quần hệ thứ sinh, ở đồi cây bụi, rừng thưa nửa rụng lá, nương rẫy hay đồng cỏ. Độ cao phân bố từ vài chục mét tới 1.000 m so với mặt biển. Hà thủ ô trắng sống được trên nhiều loại đất, có khả năng chịu hạn tốt, do có rễ củ dài cắm sâu dưới đất. Nếu bị cắt hoặc đốt cháy toàn bộ phần trên mặt đất, phần còn lại dưới mặt đất vẫn có khả năng tái sinh. Hà thủ ô trắng ra hoa quả hằng năm. Mùa hoa:tháng 5 – 6, quả: tháng 6 – 10; hoa ra nhiều nhưng đậu quả ít. Hạt có túm lông, phát tán nhờ gió. Bởi vậy, vùng phân bố của hà thủ ô trắng ở Việt Nam khá rộng rãi.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Rải rác khắp các tỉnh vùng núi thấp và trung du, đặc biệt là các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên, Quảng BÌnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, BÌnh Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng….
    Thế giới:
    Phía Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ…
    4. Bộ phận dùng, công dụng
    Bộ phận dùng:
    Rễ củ phơi hay sấy khô hoặc đã được chế biến.
    Lá dùng tươi, hay phơi khô.
    Thành phần hóa học:
    Phân tích trong rễ củ sơ bộ thấy có tinh bột, tanin và hợp chất có phản ứng alcaloid.
    Công dụng:
    Theo kinh nghiệm của nhân dân, rễ củ hà thủ ô trắng khô chưa chế biến được dùng làm thuốc thanh nhiệt, chữa sốt, sốt rét, tiêu độc trong trường hợp có mụn nhọt… Liều dùng 12 – 20 g dưới dạng thuốc sắc uống.
    - Hà thủ ô trắng đã chế biến bằng nước đậu đen (như chế biến hà thủ ô đỏ) dùng làm thuốc bổ, đen râu tóc.
    - Lá hà thủ ô trắng băm nhỏ phơi khô (thực tế là cả thân leo và lá) làm trà uống (cùng với nhiều loài cây khác) có tác dụng làm mát (về mùa hè), chống rôm sảy, mụn nhọt.
    - Lá tươi nhai, nuốt nước bã đắp vào vết thương để giải độc do bị rắn cắn.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Cây chưa được trồng ở Việt Nam. Có thể trồng được bằng hạt.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Rễ củ khai thác vào mùa thu. Khi khai thác cần đào sâu để lấy được hết rễ củ. Cắt bỏ phần thân leo, rễ con, rửa sạch; sau đó cắt thành từng đoạn, bổ đôi, bỏ lõi, pbơi hay sấy khô.
    Muốn có sản phẩm hà thủ ô chế, đem đun với đậu đen ban đêm, ban ngày phơi. Làm như vậy 5 – 7 lần hoặc 9 lần, sau đem phơi. Đóng gói cẩn thận vì dễ bị mốc.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Hà thủ ô trắng là một loài cây thuốc nam được dùng phổ biến trong nhân dân. Giá bán tại thị trường Kon Tum từ 8.000 đến 10.000 đồng / kg rễ củ tươi.
    Trữ lượng hà thủ ô trắng ở Việt Nam khá dồi dào, trước mắt chưa cần đặt vấn đề bảo tồn.