Hạ Khô Thảo

Hạ Khô Thảo

Hạ Khô Thảo

  • Tên khoa học : Prunella vulgaris L., 1753
  • Họ : Hoa môi - Lamiaceae
  • Bộ : Bộ Hoa môi - Lamiales
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Rải rác ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ); Lai Châu (Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ); Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát); Lạng Sơn (núi Mẫu Sơn); Vĩnh Phúc (Tam Đảo); Yên Bái (Mù Cang Chải)…
  • Nguồn ảnh : Internet

  • HẠ KHÔ THẢO

    Tên khoa học: Prunella vulgaris L., 1753
    Tên đồng nghĩa: Prunella japonica Makino, 1914
    Tên khác: Sick wort, pimpernal, brunel (Anh); petite prunelle, brunellier, petite consoude (Pháp)
    Họ:  Hoa môi - Lamiaceae

    1. Đặc điểm hình thái

    Cây thảo, sống nhiều năm, cao 15 – 35 cm. Thân vuông, có lông, thường màu đỏ tía hoặc xanh. Lá mọc đối, hình trứng hoặc hình mác thuôn, đầu nhọn hay hơi tù, dài 4 – 5 cm, rộng 1,2 – 2,0 cm; mép nguyên hoặc hơi khía răng, cả hai mặt có lông ngắn và thưa.
    Cụm hoa dạng xim co, mọc thành bông ở đầu cành, hình trụ, dài 2 – 4 cm, đường kính 1,0 – 1,5 cm. Lá bắc màu tím hồng và có lông ở mép. Hoa nhỏ, màu tím hồng, mọc tụ Tập thành vòng xít nhau; đài hình chuông, xẻ thành 2 môi, môi trên rộng có 3 răng, môi dưới tạo thành 2 thùy sâu; tràng cũng xẻ thành 2 môi, môi trên dạng mũ, môi dưới 3 thùy, thùy giữa lớn hơn, có răng; nhị 4, 2 cái ngắn và 2 cái dài mọc thò ra ngoài ống tràng.
    Quả nhỏ, cứng. Hạt màu nâu đen.
    2. Đặc điểm sinh học
    Cây ưa ẩm và ưa sáng, thường mọc thành đám trên đất ẩm nhiều mùn gần bờ suối, ven đồi và trong thung lũng; độ cao phân bố từ 1.000 đến 1.600 m. Cây thích nghi với điều kiện khí hậu mát của vùng nhiệt đới núi cao, nhiệt độ trung bình năm khoảng 15 - 20oC. Về mùa đông phần thân cành trên mặt đất bán tàn lụi, đến đầu mùa xuân năm sau, từ phần gốc và thân rễ mọc lên nhiều chồi mới. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Mùa hoa tháng 5 – 6, mùa quả tháng 6 – 9. Quả già tự mở cho hạt thoát ra ngoài và nảy mầm vào khoảng tháng 3 – 4 năm sau.
    Hạ khô thảo có khả năng tái sinh vô tính khỏe. Trồng được bằng cách giâm cành.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Rải rác ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ); Lai Châu (Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ); Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát); Lạng Sơn (núi Mẫu Sơn); Vĩnh Phúc (Tam Đảo); Yên Bái (Mù Cang Chải)…
    Thế giới:
    Trung Quốc, Ấn Độ…
    4. Bộ phận dùng, công dụng
    Bộ phận dùng:
    Gồm toàn bộ phần thân cành mang lá, phơi hay sấy khô.
    Thành phần hóa học:
    Toàn cây chứa một số alcaloid hòa tan trong nước, acid oleanolic, b amyrin, glucosid, saponosid acid, hợp chất prunelin và tinh dầu. Prunelin là dẫn xuất từ galactosamin có thành phần đường chủ yếu là glucose và lactose cùng với một lượng nhỏ xylose và acid aldonic, phần không đường là acid ursolic.
    Công dụng:
    Hạ khô thảo được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền để chữa mụn nhọt, tràng nhạc, lở loét… bởi có tác dụng tiêu viêm. Ngoài ra, còn dùng làm thuốc lợi tiểu, hạ huyết áp và chữa viêm gan.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Hiện chưa nghiên cứu trồng, nhưng có thể trồng dễ dàng bằng giâm cành.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Dùng dao hoặc liềm cắt lấy toàn bộ phần thân và cành mang lá, vào mùa thu khi cây bắt đầu có hoa. Loại bỏ lá khô, cỏ rác, rửa sạch, phơi hay sấy ở nhiệt độ 50 – 60oC cho đến khô.
    Dược liệu khô bó thành bó nhỏ, xếp vào túi nilon, bên ngoài là bao tải. Bảo quản nơi khô ráo.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Hạ khô thảo ở Việt Nam được thu hái từ cây mọc hoang. Giá bán tại chỗ từ 15.000 đến 20.000 đ / kg khô, giá bán lẻ làm thuốc có thể cao hơn.
    Do nhu cầu làm thuốc còn hạn chế, hơn nữa sau khi thu hái, phần còn lại của cây tái sinh tốt, vì vậy chưa phải trồng. Tuy nhiên, do tác động của việc mở mang vùng canh tác, diện tích phân bố tự nhiên của hạ khô thảo bị thu hẹp (Đồng Văn, Yên Minh – Hà Giang; Tam Đảo – Vĩnh Phúc…).