GIỀNG GIỀNG

GIỀNG GIỀNG

GIỀNG GIỀNG

  • Tên khoa học : Butea monosperma (Lamk.) Taubert, 1894
  • Họ : Đậu - Fabaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố :

  • 1.1.1Hình thái

    Cây gỗ nhỏ, cao 6-10m, đường kính 25-40cm; thân có khía, nhưng cũng có đoạn nhẵn bóng như da săng lẻ; thường cong queo hay vặn, tán thưa. Vỏ thân màu xám nhạt, nhiều mấu xù xì,
    thịt vỏ dày 0,5cm, màu nâu đỏ, dai, có sợi, tiết nhựa màu đỏ, vị chát; đôi khi có gôm. Cành già cong queo, thưa, cành non phủ nhiều lông.
    Lá kép có 3 lá chét, mọc cách; cuống chung dài 12-20cm, mềm, lúc non phủ lông, phía trên có rãnh. Lá chét giữa lớn hơn 2 lá bên, cuống dài 2,5-4cm, có một vòng lá kèm hình sợi, gần gốc lá; phiến lá hình thoi, dài 6-12cm, rộng 6-12cm; 5-8 đôi gân bên, mọc chếch; gân nhỏ hình mạng. Hai lá chét bên hình mắt chim, dài 5-10cm, rộng 4-10cm, đầu lá tù hoặc hơi nhọn, gốc không đối xứng, gân bên 4-5 đôi.
    Hoa mọc cụm 2-3 chiếc ở cành non, có nhiều lông, cuống cụm hoa dài 3-4cm, có 2 lá bắc sớm rụng. Hoa lớn, màu đỏ, dài 4-6cm. Đài hợp thành ống hình chuông, rộng 1,5cm, dài 1cm, trên đỉnh có 3 thuỳ ngắn hình răng, dài 2-3mm. Tràng có 5 cánh hoa dài màu đỏ; nhị 10, trong đó 9 cái dính thành 1 bẹ, một nhị rời; bầu hình trứng, có 4-6 noãn, vòi phủ lông trắng.
    Quả lớn, dài 12-16cm, rộng 3-4cm, thuôn, dẹp, quanh mép quả có gờ viền. Mặt quả phủ lông màu trắng bạc, mềm, có nhiều gân hình mạng. Hạt hình bầu dục dài 2,5cm, dẹp, màu nâu đỏ.

    1.1.2Phân bố

    Việt Nam:
    Cây phân bố từ Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng trở vào phía Nam. Gặp nhiều ở các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam Bộ. Ở Tây nguyên phân bố nhiều tại Đắc Lắc (Ea súp, Buôn Ma Thuật, Đắc Min..); và Gia Lai (Ayun pa, Cheo Reo).
    Thế giới:
    Giềng giềng phân bố ở: Lào, Nêpal, Thái Lan, Myanmar, Cămpuchia, Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia. Cũng có thể gặp ở Trung Quốc và Papua New Guinea.

    1.1.3Đặc điểm sinh học

    Cây thường mọc ở độ cao 200-500m thành quần thụ gần thuần loại hoặc hỗn giao với một số loài như: dầu trà beng, cẩm liên, chiêu liêu đen, chiêu liêu ổi… Về mùa hoa rất dễ nhận vì hoa có màu đỏ rực, nổi lên giữa màu xanh của rừng. Cây thích hợp với vùng khí hậu có mùa mưa và mùa khô phân biệt rõ. Thường gặp giềng giềng trong kiểu rừng chuyển tiếp giữa rừng nửa rụng lá và rừng rụng lá theo mùa; rất ít khi mọc ven rừng thường xanh. Cây ưa sáng, mọc trên đất phù sa cổ, đất bồi tụ, đất đỏ bazan đã phong hoá, tầng đất có thể nông.
    Vào mùa khô cây có thể bị rụng lá. Bắt đầu mùa mưa, khi chưa có lá non xuất hiện, cây đã nở hoa đỏ rực và nổi bật trong tán rừng xanh. Cuối thời gian ra hoa lá mới xuất hiện. Chim nhỏ là loài thụ phấn cho hoa giềng giềng. Cây tái sinh mạnh dưới tán rừng thưa.
    Mùa hoa tháng 4.

    1.1.4Công dụng

    Đây là loài cây LSNG đa tác dụng. Cây có thể dùng để nhuộm như nhiều loài cây cho tanin khác. Hoa giềng giềng dùng nhuộm lụa hoặc sợi bông cho màu vàng sáng hoặc màu đỏ da cam sẫm. Dấu son trên trán các cô gái theo đạo Hindu ở Ấn Độ chính là màu lấy từ hoa cây giềng giềng. Vỏ cây giềng giềng cho chất nhựa màu đỏ; khi cứng lại thành gôm với tên thương phẩm “Gôm giềng giềng” hoặc “Bengal kino”. Loại gôm này có thể dùng làm chất nhuộm và cũng được dùng làm thuốc chữa ỉa chảy. Hạt có tác dụng chống giun đũa, chống nấm và vi khuẩn. Sợi lấy từ lớp vỏ trong có thể dùng sảm thuyền hay chế biến giấy.
     Giềng giềng cũng là một loài cây chủ cánh kiến cho năng suất và chất lượng cao của Ấn Độ. Ở Việt Nam, đôi khi đã gặp cánh kiến đỏ tự nhiên trên các cây giềng giềng phân bố tại các tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc.
    Cây cho gỗ màu đỏ, rắn chắc, nhưng không thẳng, suất lợi dụng không cao, nên ít được sử dụng làm công cụ hoặc xây dựng. Than đốt từ gỗ giềng giềng cho nhiệt lượng rất cao.
    Cây cũng có dáng và hoa đẹp, nên có nơi dùng làm cây cảnh, trồng trong các vườn gia đình và trong công viên…
    Bộ phận dùng của giềng giềng là nhựa, hạt và vỏ cây. Nhựa được trích từ vỏ cây gồm phần nửa là chất gôm, trong đó chủ yếu gồm tanin và chất nhày, đem chưng cất khan thu được pyrocatechin.
    Chất nhuộm màu da cam, lấy từ hoa chính là chất flavonoid có tên là butrin. Nước sôi được dùng để chiết xuất chất màu này.
    Hạt giềng giềng chứa 18% chất dàu màu vàng. Hạt tươi chứa các men proteolytic và lipolitic.

    1.1.5Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

    Ở nước ta, cây chủ yếu mọc trong trạng thái tự nhiên. Còn tại Ấn Độ người ta đã tiến hành trồng giềng giềng để thả cánh kiến đỏ. Để nhân giống, cần thu quả và đem gieo ngay vào đầu mùa mưa. Khi có cây con, có thể đem trồng riêng lẻ hay thành rừng; cự ly thích hợp giữa các cây là 3-6m. Nên trồng trên loại đất có độ pH 6-7. Cũng có thể tạo cây con từ rễ để mang trồng.
    Cây sinh trưởng khá chậm.

    1.1.6Khai thác, chế biến và bảo quản

    Hoa khai thác làm chất nhuộm màu cần được phơi khô. Dùng hoa làm nguyên liệu để nhuộm màu vàng cho tơ lụa. Muốn giữ màu được lâu, cần phối hợp với muối mỏ và chanh. Để nhuộm màu cho sợi bông và len phải nấu hoa giềng giềng với dung dịch của acid hydrochloric.

    1.1.7Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn

    Đây là loài cây LSNG đa tác dụng. Có thể duy trì trong tự nhiên để sản xuất thuốc nhuộm dùng trong hộ gia đình. Ngoài ra cần phải nghiên cứu kỹ thuật gieo trồng ổn định để làm cây chủ cánh kiến cho các tỉnh phía Nam hoặc làm cây cảnh trong các công viên.