Giang

Giang

Giang

  • Tên khoa học : Maclurochloa sp.
  • Họ : Hoà thảo - Poaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố :

  • Giang
    Tên khoa học: Maclurochloa sp.
    Tên khác: Mạy làng, lau toóng
    Họ: Hoà thảo – Poaceae
    Phân họ: Tre – Bambusoideae
    Đặc điểm hình thái
    Cây có thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc trườn trên mặt đất hay leo bám trên ngọn cây gỗ xung quanh. Lóng dài 40-60cm hay hơn, đường kính 4-6cm, vách dày 5-6mm. Trên và dưới vòng mo có vòng phấn rộng, mỗi bên 3cm; mắt lớn, nổi rõ, rộng 3,5cm, cao 3cm. Các lóng gốc có cành chính ở giữa phát triển to gần bằng thân, cành cấp hai nhiều, có khi đến 30 cành, nhỏ và gần bằng nhau. Cành chính thường rất dài và phát triển giống như thân, nhờ đó cây dựa vào các cây gỗ xung quanh để leo cao. Bẹ mo hình thang, cao 17-21cm, đáy rộng 10-12cm, đỉnh 6cm, phía ngoài bẹ có sọc màu tím, phủ nhiều lông màu hung; tai mo rộng 1,5cm, cao 5mm, có nhiều lông mi dài, màu xám; thìa lìa 1mm; lá mo hình trứng- lưỡi mác, đứng thẳng hay lật lại, khi non thường có 3 ngấn rõ, màu xanh vàng, chỗ rộng nhất 8cm, đáy 4-6cm, cao10-20cm, mặt lưng nhẵn, có sọc tím, mặt bụng có nhiều lông hung; thìa lìa cao 0,5-1cm. Lá hình mác thuôn dài, đầu vút nhọn, gốc lệch, mặt trên xanh đậm, dưới xanh nhạt, dài 25-30cm, rộng 2,5-3cm, tai lá nhỏ, nhiều lông mi dài, thìa lìa không rõ, bẹ lá có lông xám nhạt, sớm rụng.
    Bông nhỏ cao 2,5cm, rộng 0,8cm, mang 3 hoa; dưới cùng là hoa cái, giữa là hoa lưỡng tính, trên cùng hoa bất thụ chỉ có mày lớn. Hoa lưỡng tính có một mày ngoài cao 1,1cm, hình trứng - tam giác nhẵn, không lông mi, màu vàng rơm, đầu nhọn, mỗi bên 8-10 gân rõ; mày nhỏ có 2 gờ, có lông dài 1cm, mỗi bên 7 gân, giữa 2 gờ lõm 6-10 gân; mày cực nhỏ 3, dạng màng trong suốt, giữa có màu nâu, cao 1mm, đỉnh có lông mi; nhị 6, 4 ngắn 2 dài; bầu nhẵn có cuống bầu cực ngắn, có dạng 3 cạnh tròn, vòi xẻ từ gốc, 2-3 vòi, có khi 1 trong 2 vòi lại chia 2, toàn bộ vòi phủ lông.
    Các thông tin khác về thực vật
    Trong các tài liệu cũ giang được giám định tên khoa học là Dendrocalamus patellaris Gamble hoặc Ampelocalamus patellaris (Gamble) Stapleton. Trong quá trình nghiên cứu tiêu bản có đầy đủ hoa quả, chúng tôi thấy việc giám định trên không chính xác, nên đề nghị xếp giang vào chi Maclurochloa K.M. Wong, một chi mới công bố ở Malaysia (1993). Về mặt phân loại loài này rất gần loài giang núi Maclurochloa montana K.M. Wong, chỉ khác là giang có lá mo và tai mo lớn hơn loài giang núi.
    Cũng không nên nhầm giang với các loài giang đặc cũng là loài tre leo, hình dáng giống giang và khá phổ biến ở Việt Nam, nhưng lóng thân của chúng nhỏ hơn và thường đặc ruột. Chúng thuộc chi Giang đặc (Melocalamus)
    Phân bố
    Giang là loài tre đặc hữu của miền Bắc Việt Nam, phân bố tự nhiên từ tỉnh Quảng Nam trở ra Bắc. Tất cả các tỉnh miền núi và trung du của vùng này đều có giang mọc, nhưng tập trung nhất ở các tỉnh vùng Trung tâm Bắc Bộ, với diện tích khoảng 46.000ha và vùng Bắc Trung Bộ, diện tích khoảng 150.000ha.
    Đặc điểm sinh học
    Độ cao phân bố của giang từ 100 đến 700m so với mặt biển, cá biệt lên tới 800-1.000m, độ dốc 20-300; thường gặp mọc trên các địa hình chân núi, thung lũng, ven đường đi hoặc dọc theo sông suối. Chúng mọc trên các loại đất Feralite trên núi hoặc feralite đỏ vàng trên đá trầm tích và mác ma chua. Đất có mùn trung bình đến hơi nghèo, kết cấu hạt thô đến kết cấu viên, thành phần cơ giới thịt nhẹ.
    Giang thường xuất hiện sau nương rẫy, dưới tán rừng thứ sinh thưa, lẫn với các cây gỗ mọc nhanh như gáo, vạng, bông bạc, sòi, hu ba soi, ba bét…. Cũng có khi lẫn với các loài tre khác như nứa và vầu đắng. Chúng thường mọc thành từng đám, từng đồi. Ở rừng ổn định mỗi hecta có khoảng 4.500-5.000 cây, nếu kể cả số cành lớn có kích thước bằng thân, thì số lượng thân và cành tới 10.000/ha. Thân cây thường đổ ngả lên nhau nên việc đi lại trong rừng giang rất khó.
    Mùa măng tháng 7-10. Có thể thu hái măng từ thân ngầm mọc trong đất hoặc trên các đốt của thân khí sinh. Đã gặp hiện tượng giang khuy ở Hàm Yên (Tuyên Quang), Bắc Quang (Hà Giang). Theo nhân dân, chu kỳ ra hoa của giang khoảng 30 năm. Sau khi khuy, cây cho rất nhiều hạt và tái sinh mạnh bằng hạt để khôi phục lại rừng giang trong khoảng 6-7 năm.
    Công dụng
     Giang là loài tre quen thuộc và được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam. Ngoài vùng núi và trung du, người dân ở vùng đồng bằng và vùng ven biển cũng thường sử dụng loài tre độc đáo này.
    Lóng thân giang rất mềm và dài nên được dùng chẻ lạt, đan lát hàng thủ công, mỹ nghệ, đồ dùng hàng ngày. Lạt giang được dùng để gói bánh chưng ngày tết Âm lịch.
    Thân giang có hàm lượng cellulose tương đối cao (52,27%), nhưng lignin lại thấp (21,59%) và pentosan (18,55%). Sợi giang dài trung bình 2,378mm, chiều rộng 12,92mm (bề dày vách tế bào 5,86mm) tỷ lệ chiều dài trên chiều rộng 183. Với thành phần hoá học và kích thước sợi như trên, nên giang được sử dụng để sản xuất các loại giấy đặc biệt có độ mềm dẻo cao như giấy cuốn thuốc lá, giấy pơ luya, giấy in tiền, giấy can vẽ…
    Măng giang rất ngon nên được dùng ăn tươi hay sấy khô. Đây là loại măng rất phổ biến trong các chợ từ miền núi, đến nông thôn và thành thị. Măng giang tươi thường được bán từ tháng 6 Dương lịch, giá tương đương với các loại măng nổi tiếng như mai, hốc, gầy, luồng. Giá măng giang tươi thường gấp đôi măng nứa.
    Rừng giang có thân và cành ken chặt nên độ phủ lớn và có giá trị chống xói mòn cao so với các loài tre khác.
    Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
    Tới nay giang vẫn hoàn toàn được khai thác từ rừng tự nhiên, chưa nơi nào trồng giang. Theo nhân dân có thể trồng giang bằng thân ngầm như nứa và các loại tre mọc cụm khác. Tuy vậy để bảo đảm tỷ lệ sống cao, có thể đánh cả cụm với 2-3 thân ngầm và đoạn thân khí sinh cao 50-80cm để làm giống trồng.
    Giang có đặc tính phát triển cành rất mạnh, nên có thể nghiên cứu trồng bằng cành giống chiết để có thể tạo nhiều giống và dễ vận chuyển đi xa.
    Mùa trồng vào thời gian trước mùa măng và đầu mùa mưa.
    Khai thác, chế biến và bảo quản
    Hiện chưa có qui trình khai thác giang, nhân dân thường tiến hành chặt trắng cả thân non và già lẫn lộn nên ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh măng và phát triển của rừng. Điều này dẫn đến việc suy thoái rừng giang.
    Sau khi khai thác, giang được chặt thành đoạn với độ dài 3-5 lóng để vận chuyển ra khỏi rừng. Nếu bán làm lạt, giang thường được cát thành từng lóng một.
    Măng thu hái khi mới nhú trên mặt đất khoảng 30-40cm, cắt về, bóc vỏ, bán tươi hoặc luộc và phơi khô để bán vào các dịp lễ tết.
    Muốn bảo đảm chất lượng và giữ được lâu, phải ngâm măng vào nước hoặc chế biến thành măng chua. Qui trình chế biến loại măng này rất đơn giản và theo các bước như sau: Thu hái măng củ hoặc măng ngọn ® bóc bẹ ® luộc ® ngâm nước có pha muối ® thành phẩm để ăn hoặc mang ra chợ bán.
    Để chế biến măng giang khô (măng áo tơi), người dân địa phương thường theo qui trình sau:
    Thu hái măng ngọn ® bóc bẹ ® luộc ® khía ngọn măng thành bẹ ® phơi nắng hoặc sấy ® thành phẩm măng khô cất trữ để ăn hoặc mang ra chợ bán.
    Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Giang là loài tre phổ biến, quen thuộc và có diện tích lớn. Tuy vậy do năng suất rừng giang thấp, khó khai thác nên loài tre này chưa được chú ý nghiên cứu để phát triển. Thân giang cũng có giá trị cao để chế biến giấy cao cấp và khai thác măng, vì vậy trong tương lai cần sớm khoanh lại những diện tích có thể kinh doanh rừng giang thích hợp. Đồng thời xây dựng các qui trình khai thác và chế biến để kinh doanh bền vững loài tre đặc hữu và có giá trị kinh tế cao này.
    Cũng cần nghiên cứu sớm giám định tên khoa học chính xác cho loài giang. Đây là vấn đề có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn cao.
    Tài liệu tham khảo
    1. Lê Viết Lâm (Chủ biên) (2004). Một số loài tre chủ yếu của Việt Nam. Đề tài khoa học của Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam; 2. Nguyễn Tiến Bân (Chủ biên)(2005). Danh lục các loài thực vật Việt Nam. Tập III. Ngành Mộc Lan - Magnoliophyta..Nhà xuất bản Nông Nghiệp - Hà Nội; 3. Vũ Văn Dũng (1978). Thành phần và phân bố các loài tre nứa của miền Bắc Việt Nam. Tập san Lâm Nghiệp, số 10/1978 - Hà Nội; 4. Wong K.M. (1995). The bamboos of Pennisular Malaysia. Forest Research Institute Malaysia (FRIM). Malayan Forest Records, No.41: 153-155.