Dên Toòng

Dên Toòng

Dên Toòng

  • Tên khoa học : Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino, 1902
  • Họ : Bầu bí - Cucurbitaceae
  • Bộ : Bộ Bầu bí - Cucurbitales
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Kon Tum, Gia Lai
  • Nguồn ảnh : Internet

  • DỀN TOÒNG

    Tên khoa học: Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino, 1902
    Tên đồng nghĩa: Vitis pentaphylla Thunb., 1784; Gynostemma pedata Blume, 1825; G. pedata var. pubescens Gagnep., 1921
    Tên khác: Dần toòng (Tày); cổ yếm, thư tràng năm lá, giao cổ lau
    Họ: Bầu bí - Cucurbitaceae
    1. Đặc điểm hình thái
    Dây leo nhỏ, leo bằng tua cuốn; thân mảnh, lúc non tròn sau có cạnh. Lá kép chân vịt, có cuống dài 3 – 4 cm; đường kính cả lá 3,5 – 6,0 cm; gồm 3 lá chét chính, lá chét ở giữa đơn, to hơn, hai lá chét bên xẻ thành 2 lá chét thứ cấp, lá chét hình thoi hoặc hình mác, dài 3 – 4 cm, rộng 1,5 – 2,0 cm; nhọn đầu, mỏng; mép khía răng cưa đều.
    Hoa đơn tính, cụm hoa chùm, mọc ở kẽ lá, dài 3 – 6 cm, phân nhánh. Hoa nhỏ, hình sao, màu vàng nhạt; đài tạo thành ống ngắn; 5 cánh hoa dài, nhọn, rời nhau; bao phấn hình đĩa; hoa cái có 3 vòi nhụy.
    Quả khô, hình cầu nhỏ, đường kính 0,5 – 0,6 cm; 2 – 3 hạt.
    2. Đặc điểm sinh học
    Cây ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng; thường leo trùm lên đá, hay những cây bụi, dây leo khác ở ven rừng thưa núi đá vôi, độ cao phân bố đến 1.600 m (Sa Pa, Lào Cai). Mùa đông cây có hiện tượng bán tàn lụi, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm. Mùa hoa quả tháng 6 – 10. Cây trồng ở vườn Hội Đông y Cao Bằng thấy ra hoa quả nhiều hơn cây mọc trong tự nhiên. Tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, và mọc chồi nhiều từ các phần còn lại sau khi cắt.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Kon Tum, Gia Lai.
    Thế giới:
    Trung Quốc, Malaysia, Philippin, Indonesia, Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Độ …
    4. Bộ phận dùng, công dụng
    Bộ phận dùng:
    Cả cây, nhất là phần cành mang lá, phơi hay sấy khô.
    Thành phần hóa học:
    Trong cây và lá chứa flavonoid, gypenosid và đường.
    Công dụng:
    Theo kinh nghiệm của nhân dân, dền toòng được dùng làm thuốc bổ, thuốc có tác dụng tiêu viêm, tiêu độc trong các trường hợp nhiều mụn nhọt, hạ sốt và chữa ho. Ngoài ra, còn sử dụng làm thuốc chữa bệnh tiểu đường. Liều dùng 12 – 15 gam, dưới dạng thuốc sắc uống và thường phối hợp với các vị thuốc khác.
    Dền toòng được sử dụng nhiều trong Y học cổ truyền ở Trung Quốc.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Ở Việt Nam, cây chưa được trồng nhiều. Hiện tại, dền toòng mới được trồng thử nghiệm tại Trại thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu), vườn của Hội Đông y Cao Bằng và trong vườn gia đình của một số người dân.
    Cách trồng là nhổ cả cây mọc tự nhiên, đem về giâm các đoạn thân già có rễ xuống đất ẩm, vào mùa xuân. Ở Trung Quốc (tỉnh Quảng Tây), đã thành công trong việc nhân giống vô tính in vitro. Cây trồng đã cho thu hoạch, nhưng không rõ về năng suất.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Kinh nghiệm thu hái chế biến của đồng bào ở Cao bằng, Lạng Sơn đơn giản như sau:
    Cắt lấy toàn bộ phần thân leo và cành mang lá; nhặt bỏ hết lá vàng và những thứ khác lẫn vào; chặt thành đoạn dài 3 – 4 cm; phơi trên nong, nia cho đến khô giòn; đóng gói bằng túi nilon kín để tránh ẩm mốc.
    Khi thu hái cần tiến hành vào những ngày có nắng to. Thu được về phải chặt và phơi ngay. Do phơi được nắng nên dược liệu khi khô vẫn có màu xanh. Nếu gặp trời mưa không phơi được liên tục 2 – 3 ngày, phải sấy; dược liệu khô có màu xanh đen sẽ được coi là không đạt yêu cầu, khó bán.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Dền toòng là cây thuốc dân tộc, được sử dụng từ lâu trong cộng đồng người Tày ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Hơn chục năm trở lại đây do yêu cầu bán qua biên giới (Trung Quốc), cây thuốc này bị phát động khai thác nhiều ở vùng Đông Bắc. Giá thu gom ở tỉnh Cao Bằng những năm trước từ 60.000 đến 80.000 đ / kg khô (hoặc hơn). Vì vậy, dền toòng mọc tự nhiên ở các tỉnh trên đã trở nên hiếm rõ rệt. Rải rác trong nhân dân, có một vài người lấy cây về trồng ở vườn, nhưng đây mới là việc làm tự phát, chưa có nghiên cứu cụ thể.
    Dền toòng phân bố tự nhiên tương đối rộng ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, do kích thước của cây nhỏ, lại mọc rải rác, nên tiềm năng khai thác không đáng kể. Vì thế, trước mắt cần có những nghiên cứu về mặt thực vật học, hướng dẫn cho nhân dân cách thu hái, bảo vệ tái sinh. Bên cạnh đó phải xác định cụ thể hơn về nhu cầu của thị trường, để tiến hành trồng thêm. Dền toòng là loại cây có thể trồng đại trà ở các tỉnh miền núi, như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu.
    Hiện nay, trên thị trường đã có sản phẩm được chế biến từ dền toòng mang tên “Tuệ linh trà” – Giảo cổ lam. Một dạng thực phẩm chức năng, được giới thiệu có nhiều tác dụng tốt (bồi bổ sức khỏe, chống u, chống lão hóa, hạ cholesterol máu...) và bán với giá 29.000 đ / hộp (25 túi, mỗi túi chứa 1,5 g / hộp giảo cổ lam + 0,5 g cỏ ngọt; mỗi hộp chứa 37,5 g giảo cổ lam). Những thông tin trên cho thấy giá trị và triển vọng rất lớn của dền toòng (giảo cổ lam) trên thị trường.