Dây Khai

Dây Khai

Dây Khai

  • Tên khoa học : Coptosapelta flavescens Korth., 1851
  • Họ : Cà phê - Rubiaceae
  • Bộ : Bộ Long đởm - Gentianales
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Phước và Tây Ninh
  • Nguồn ảnh : www.ydhvn.com

  • DÂY KHAI

    Tên khoa học: Coptosapelta flavescens Korth., 1851
    Tên đồng nghĩa: Coptosapelta flavescens Korth. var. dongnaiensis Pierre ex Pitard, 1922
    Coptosapelta tomentosa (Blume) Valet. ex Heyne var. dongnaiensis (Pierre ex Pitard) Planch., 1972
    Tên khác: Rễ khai, dây cỏ rùa, dây vàng hoan, dây họng trâu; kertupai, akar metedong (Indonesia); peruwal, prual (Malaysia); dok khat khao (Lào); yaan khlong (Thái Lan)
    Họ: Cà phê - Rubiaceae

    1. Đặc điểm hình thái
    Dây leo gỗ, dài 5 – 7 m hoặc hơn; đường kính thân 3 – 10 cm; rễ phụ ít nhưng to, có mùi khai nồng. Cành hình trụ, lúc non màu xanh, có lông, già nhẵn, màu nâu. Lá mọc đối, cuống ngắn 6 – 8 mm; phiến hình bầu dục hoặc hình trứng; dài 4 – 10 cm, rộng 2,5 – 6 cm; gốc lá tròn, đầu nhọn, mép nguyên, mặt trên xanh lục, mặt dưới hơi nhạt, có lông ở cả hai mặt; lá kèm sớm rụng.
    Cụm hoa hình chùy, mọc ở đầu cành, dài 6 – 8 cm, có lông. Hoa màu vàng, mùi thơm hắc; đài dạng ống ngắn 2 mm, xẻ thành 5 cành đài nhọn, có lông; 5 cánh hoa thuôn hẹp, phần dưới liền tạo thành ống dài 6 – 8 mm; 5 nhị dài 12 mm, đính ở họng tràng, chỉ nhị mảnh, bao phấn hình mũi tên; bầu nhẵn, 2 ô.
    Quả nang, có đường kính và chiều dài gần bằng nhau, khoảng 7 – 8 mm; đầu quả có mũi; khi chín tự nứt thành 2 mảnh. Hạt nhiều, nhỏ, có cánh mỏng.
    2. Đặc điểm sinh học
    Dây khai là cây ưa sáng và ẩm, thường mọc ở ven rừng kín thường xanh nguyên sinh; hoặc thứ sinh, có đủ ánh sáng, tạo cho cây sinh trưởng phát triển mạnh. Khi còn nhỏ, có dạng cây bụi mọc dựa; sau đó một vài cành chính phát triển, quấn vào thân cây gỗ, vươn lên cao.
    Dây khai ra hoa quả hàng năm; những cây mọc ở ven rừng, bờ mương rẫy, ánh sáng đầy đủ cho nhiều hoa quả hơn những cây lớn ở trong rừng phải leo lên các cây gỗ. Cây tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Ngoài ra, cây cũng chịu được chặt, phát, từ thân, gốc và thân cành còn lại đều có khả năng tái sinh chồi.
    Thông tin khác về thực vật
    Chi Coptosapelta Korth. bao gồm một số loài, phân bố ở vùng nhiệt đới Đông – Nam Á. Ở Việt Nam chỉ có 1 đại diện kể trên và cũng chỉ thấy ở các tỉnh phía Nam.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Từ vùng núi miền Tây Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế trở vào, đến đảo Phú Quốc và Côn Đảo; Tập trung nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Phước và Tây Ninh.
    Thế giới:
    Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
    4. Bộ phận dùng và công dụng
    Bộ phận dùng:
    Rễ và đôi khi được lấy cả phần gốc, phơi khô.
    Thành phần hoá học:
    Trong rễ chứa một số alcaloid, tinh dầu và đường (với tỷ lệ thấp).
    Công dụng:
    Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc H’Rê (Quảng Ngãi), Ba Na (Bình Định, Kon Tum); K’Ho (Quảng Nam) ... thường dùng rễ dây khai chữa thấp khớp, đau nhức xương, tiểu tiện ít. Liều dùng 30 – 50 g, dưới dạng thuốc sắc hoặc cao lỏng. Uống thuốc từ rễ dây khai còn có tác dụng kích thích tiêu hoá, ăn ngon. Ở Malaysia, thổ dân dùng nước sắc để chữa bệnh gan, thận.
    Rễ dây khai lúc tươi có mùi khai, nhưng khi khô và nấu sôi không còn mùi khai, thậm chí có vị hơi ngọt, dễ uống.
    Rễ dây khai dùng tươi, giã nhỏ, đắp ngoài để chữa vết thương phần mềm, bỏng nước sôi hoặc bỏng lửa.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Chưa ai nghiên cứu trồng, song chắc chắn có thể trồng được bằng hạt.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Đào sâu lấy toàn bộ rễ, còn phần gốc vùi trở lại cho cây tái sinh. Rễ đào được đem rửa sạch đất cát, cắt thành lát, phơi (hoặc sấy khô); đóng bao, bảo quản nơi khô ráo.
    Một số doanh nghiệp ở Phú Yên, Ninh Thuận ... thường bố trí điểm nấu cao rễ dây khai (tươi) ngay tại điểm khai thác thu mua, cho đỡ chi phí vận chuyển.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Sau các cuộc điều tra dược liệu Miền Nam (1977 – 1978), việc sử dụng dây khai làm thuốc mới được biết đến, qua kinh nghiệm của cộng đồng các dân tộc địa phương. Nghiên cứu sơ bộ về tác dụng dược lý và hoá học, cho thấy dược liệu rễ dây khai không có độc, vì thế chúng đã được một số cơ sở chữa bệnh theo y học cổ truyền ở các tỉnh phía Nam dùng làm thuốc.
    Hy vọng rằng, trong tương lai gần, loài cây thuốc này sẽ được nghiên cứu toàn diện hơn, để đưa ra sử dụng rộng rãi trong nhân dân.
    Nguồn dược liệu rễ dây khai ở phía Nam khá dồi dào và có thể đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng trong nhiều năm.