Đảng Sâm

Đảng Sâm

Đảng Sâm

  • Tên khoa học : Codonopsis javanica (Blume) Hook.f. et Thoms., 1855
  • Họ : Hoa chuông - Campanulaceae
  • Bộ : Bộ Cúc - Asterales
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Tuyên Quang , Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Kon Tum, Quảng Nam, Lâm Đồng
  • Nguồn ảnh : Internet

  • Đảng Sâm

    Tên khoa học: Codonopsis javanica (Blume) Hook.f. et Thoms., 1855
    Tên đồng nghĩa:Campanumoea javanica Blume, 1826
    Tên khác: Cây đùi gà, ngân đằng; mằn rày cáy (Tày); co nhả dõi (Thái); cang hô (H’Mông)
    Họ: Hoa chuông – Campanulaceae
    1. Đặc điểm hình thái
    Cây thảo leo bằng thân quấn, sống lâu năm, dài 1 – 2 m hoặc hơn. Rễ củ hình trụ dài, đường kính 1,5 – 2,5 cm, ít phân nhánh, đầu rễ phình to, sần sùi, mặt ngoài có nhiều vết sẹo của thân cũ.
    Thân mảnh màu lục nhạt hoặc hơi pha tím, lúc non có lông sau nhẵn. Lá mọc đối, ít khi mọc so le, hình trứng rộng, dài 3 – 8 cm, rộng 2 – 4 cm, gốc hình tim chia 2 phiến tròn, đầu nhọn, mép nguyên uốn lượn hoặc hơi có răng cưa, mặt trên màu lục nhạt, mặt dưới màu trắng xám, lông nhiều hoặc rải rác, cuống lá dài 2 – 6 cm.
    Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, có cuống dài 2 – 6 cm; 5 lá đài nhỏ hẹp, dài 1,5 – 2 cm, rộng 5 – 8 mm; 5 cánh hoa hợp thành tràng hình chuông màu trắng hoặc hơi vàng, họng có vân tím, dài 1,5 – 2 cm, rộng 8 – 12 mm; 5 nhị rời, chỉ nhị hơi dẹt, bao phấn đính gốc; bầu hình cầu, có 5 ô, nhiều noãn.
    Quả nang, hình cầu, đường kính 1 - 2 cm, đầu bằng, ở giữa có một núm nhỏ, có đài tồn tại, 5 cạnh mờ, màu tím hoặc tím đen khi chín; hạt nhiều màu vàng nhạt, bóng.
    Toàn cây có nhựa mủ trắng.
    2. Đặc điểm sinh học
    Đẳng sâm là cây của vùng cận nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam, cây mọc Tập trung ở vùng núi giáp biên giới phía Bắc, độ cao từ 500 m trở lên; càng vào phía Nam càng giảm dần và chỉ thấy ở độ cao 800 – 1.600 m.
    Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, nhất là khi còn nhỏ. Đảng sâm thường mọc lẫn với các loại cây bụi thấp, ở ven rừng kín thường xanh ẩm, đặc biệt trong các trảng thứ sinh trên đất sau nương rẫy. Cây sinh trưởng mạnh từ tháng 3 đến tháng 8, sau mùa hoa quả, toàn bộ phần thân leo mang lá bị tàn lụi, vào mùa đông. Tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, sau 3 năm hoặc hơn có thể cho khai thác. Do có phần rễ củ nằm sâu dưới đất nên đảng sâm có thể tồn tài được qua các vụ cháy rừng (cháy trảng cỏ).
    Thông tin khác về thực vật
    Chi Codonopsis Blume trên thế giới có 44 loài, ở Việt Nam có 3 loài, trong đó 2 loài mang tên đảng sâm. Ngoài ra, còn loài Codonopsis pilosula (Franch.) Nannf. mới được nhập trồng, nhưng chưa có sản phẩm. Vị thuốc có tên là “Đảng sâm” được sử dụng phổ biến ở Việt Nam hiện nay được nhập từ Trung Quốc, có thể gồm 2 loài trồng là Codonopsis pilosula (Franch.) Nannf. và C. tangshen Oliv.. Chúng khác với loài được mô tả trên ở chỗ lá thường có kích thước nhỏ hơn và mọc so le, bầu chỉ có 3 ô.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Hà Giang (tất cả các huyện), Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Thắng), Lai Châu (tất cả các huyện), Yên Bái (Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu), Tuyên Quang (Yên Sơn, Sơn Dương), Phú Thọ (Thanh Sơn). Ngoài ra, còn có ở các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An. Ở Miền Nam, chỉ có ở Kon Tum (Đắk Tô, Đắk Glei, Sa Thầy), Quảng Nam (Trà My, Tây Giang), Lâm Đồng (Lạc Dương, Đơn Dương, Đà Lạt).
    Thế giới:
    Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Indonesia, Myanma, Ấn Độ.
    4. Bộ phận dùng và công dụng
    Bộ phận dùng:
    Rễ củ đã được làm khô (phơi hoặc sấy).
    Thành phần hoá học:
    Rễ củ chứa tinh bột, đường, chất béo...
    Công dụng:
    Đẳng sâm thường được dùng làm thuốc bổ, trong trường hợp tỳ vị suy yếu, kém ăn, thiếu máu. Ngoài ra, còn dùng trong các bài thuốc chữa ỉa chảy, ho, miệng khô khát nước và đau dạ dày.
    Ngày dùng 20 – 40 g dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên, cao lỏng hay ngâm rượu uống. Thường sử dụng phối hợp với các vị thuốc khác.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Đẳng sâm ở Việt Nam mới được trồng trong phạm vi thí nghiệm, chưa đưa ra sản xuất. Gieo trồng bằng hạt.
    Vào tháng 10 – 12, khi quả chín màu tím đen, chọn quả to, bóp nát lấy hạt. Vì hạt rất nhỏ nên cần trộn với cát khô hoặc tro bếp cho dễ gieo và đem gieo ngay.
    Nên chọn loại đất mới khai phá hoặc đất trồng ngô – khoai dưới chân núi đá vôi (vùng núi phía Bắc). Cày bừa kỹ, lên luống rộng 0,9 – 1,0 m, cao 30 cm; bón lót 15 – 20 tấn phân chuồng mục; gieo hạt thưa, theo rãnh cách nhau 30 cm; sau lấp một lớp đất mỏng (xoa trên mặt luống). Hạt gieo xong cần phủ 1 lớp rơm rạ; tưới nước ngay (bằng ô doa). Hạt gieo vào tháng 12 đến đầu tháng giêng mới nảy mầm. Khi cây mầm cao 10 cm tỉa thưa, chỉ để 20 – 25 cm / cây. Cây con tỉa thưa có thể đem trồng sang luống khác.
    Chăm sóc:
    Thường xuyên tưới nước cho đất ẩm; làm cỏ, vun gốc 2 – 3 lần / năm; khi cây cao 15 – 20 cm phải cắm cọc hay làm giàn cho cây leo. Đề phòng bị sâu xám và rệp hại cây.
    Đảng sâm được trồng thử nghiệm ở Sa Pa, sau 2 hoặc 3 năm cho thu hoạch củ. Hiện chưa rõ về năng suất.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Đẳng sâm được khai thác (mọc tự nhiên) hoặc thu hoạch (cây trồng) vào mùa thu – đông, sau khi quả chín. Đào sâu để lấy được toàn bộ rễ củ, tránh bị gãy. Cắt bỏ dây, rễ phụ, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô (60oC) đến khi thấy mềm, đem ra lăn nhẹ cho các nhánh ép lại gần nhau, sau phơi sấy tiếp cho đến khô.
    Đóng gói kỹ, bảo quản nơi khô ráo (rất dễ bị mốc). Khi dùng làm thuốc thường thái lát, tấm nước gừng sao qua.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Đảng sâm là cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao. Giá bán đảng sâm mọc tự nhiên ở Sa Pa vào khoảng 60.000 – 80.000 đ / kg khô, cao hơn đảng sâm nhập từ Trung Quốc. Năm 1992 – 1995, đảng sâm khai thác ở Lào Cai còn xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới.
    Do khai thác nhiều năm, nguồn đảng sâm ở các tỉnh biên giới phía Bắc đã giảm sút nghiêm trọng. Vì vậy, loài cây thuốc này đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (1996), Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2001) và Danh mục II.A của Nghị định số 48/2002/NĐ-CP của Chính phủ (2002) để khuyến cáo bảo vệ.
    Nghiên cứu vùng đảng sâm xung quanh núi Ngọc Linh (ở Quảng Nam và Kon Tum) cho thấy: nếu chỉ khai thác cây lớn, chừa lại cây nhỏ, sau 8 – 10 năm có thể quay lại khai thác lần tiếp theo với trữ lượng tương đương lần đầu.
    Đảng sâm dễ trồng, nên phát triển ở vùng núi, nhằm cung cấp đủ cho nhu cầu sử dụng trong nước, mà không cần nhập khẩu.