Cây Bảy Lá Một Hoa

Lô ô trung bộ

Lô ô trung bộ

  • Tên khoa học : Bambusa balcooa Roxb., 1932
  • Họ : Hoà thảo - Poaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố :

  • Lô ô trung bộ
    Tên khoa học: Bambusa balcooa Roxb., 1932
    Tên đồng nghĩa:        Dendrocalamus balcooa (Roxb.) Voigt, 1845
    Tên khác:       Lồ ô, nứa
    Họ:      Hoà thảo – Poaceae
    Phân họ:         Tre – Bambusoideae
     
    Đặc điểm hình thái
    Tre có thân ngầm mọc cụm, thân khí sinh thành búi dày đặc, đứng thẳng, cao 12-20m, đường kính 8-12cm, lóng 25-30cm, thường lóng số 6-8 là dài nhất; vách dày 2cm ở gốc, khi non có phấn trắng và có lông nâu - xám, bẩn, bao phủ toàn bộ lóng. Đốt phồng. Phần trên và dưới vòng mo có vòng lông nâu xám, những đốt phía gốc mang vòng rễ. Cây phân cành thấp, những cành dưới gốc thường không mang lá, nhỏ và đôi khi cong lại như hình gai. Bẹ mo lớn, hình lưỡi xẻng, kích thước 15-35x15-40cm, ở những đốt thấp, bẹ mo thường ngắn và rộng ngang hơn các mo phía trên, sớm rụng, màu xanh khi non, lưng phủ nhiều lông nâu đen cứng, một bên mép có lông mi suốt chiều dài, còn một bên mép chỉ có lông mi ở phía trên của bẹ mo; khi già màu vàng rơm. Phiến mo đứng thẳng, 6 8x5-7cm. mặt bụng có lông đen, mép có lông mi; thìa lìa dạng màng, cao 5-8mm, xẻ răng; tai mo nhỏ có lông mi hay không có tai mo. Măng màu xanh đen, có phủ nhiều lông đen cứng. Lá 7-9 cái, hình mác, kích thước 22(-15-30) x2,5(- 5)cm, nhẵn, mép lá có lông.
    Cụm hoa kép, chia nhánh nhiều, dài đến 1m, mang các cành có nhiều bông nhỏ. Bông nhỏ hình trứng hay hình lưỡi mác, bị ép dẹt, kích thước 6-12x4-6mm, với 4-6 hoa hữu thụ và 0-2 hoa bất thụ. Chưa gặp quả.
    Các thông tin khác về thực vật
    Trong vùng phân bố, dân địa phương thường gọi loài tre này là lồ ô, hoặc nứa. Để tránh nhầm lẫn với loài lồ ô (Bambusa procera), mọc phổ biến ở vùng Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên, chúng tôi đặt tên loài tre này là lồ ô trung bộ. Vì đây là loài gặp phân bố chủ yếu ở vùng Trung Bộ nước ta.
    Lồ ô trung bộ khác lồ ô (Bambusa procera) của vùng Đông Nam Bộ ở các điểm: lồ ô trung bộ có búi thưa, thân thẳng, vách dày, mắt thân nhỏ, đốt không phình to. Còn lồ ô (B. procera) vùng Đông Nam Bộ, có 1 cành phát triển lớn hơn các cành khác.
    Phân bố
    Việt Nam:
    Đã gặp lồ ô trung bộ ở các tỉnh: Thừa Thiên – Huế (huyện Nam Đông), Quảng Nam (huyện Phước Sơn và Nam Giang) và tỉnh Kon Tum (huyện Sa Thày).
    Thế giới:
    Ấn Độ, Bangladesh.
    Ở Việt Nam và trên thế giới, loài tre này chỉ gặp trong trạng thái trồng trọt. Nhiều nhà khoa học cho rằng lồ ô trung bộ có nguồn gốc từ phía Bắc Ấn Độ và Băng La Đét, ở đó chúng được trồng rất nhiều. Loài tre này cũng được trồng ở nhiều vườn thực vật ở Australia và Indonesia …
    Đặc điểm sinh học
    Cây mọc trong vùng có khí hậu nhiệt đới mưa mùa, với mùa mưa và mùa khô khá rõ. Mùa mưa thường kéo dài tới 6-8 tháng và lượng mưa cao 2.000-4.000mm. Mới gặp loài tre này trồng ở phần Trung Bộ nước ta tại 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế (phía Tây Nam). KonTum và Quảng Nam (phía Tây), đặc biệt tập trung nhất ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), một trong 3 vùng có lượng mưa cao nhất Việt Nam. Ở đây lồ ô trung bộ được trồng quanh nhà, ven sông suối, trong vườn rừng…Lồ ô trung bộ thích hợp với các loại đất phù sa mới và phù sa cổ ven sông, dưới chân núi có tầng dày, thoát nước và hơi chua (độ pH = 5,5). Độ cao nơi trồng không quá 600m so với mặt biển.
    Măng lồ ô xuất hiện vào đầu mùa mưa và hoàn thành giai đoạn phát triển của cây trong vòng 2-3 tháng. Sự phát triển của cành đồng thời với sự phát triển của thân tre, vì khi cây không tăng chiều cao nữa thì cành cũng không dài thêm. Cây dưới 3 năm tuổi còn sinh măng và hình thành tre mới; cây trên 3 tuổi không sinh măng nữa nên có thể khai thác. Thí nghiệm trồng tre lồ ô trung bộ ở Bangladesh cho thấy, sau khi trồng, để nguyên bụi tre, không tác động gì thì đường kính của bụi tre tăng từ 9,5cm ở năm thứ nhất đến 80cm ở năm thứ 5 và 130cm ở năm thứ 10. Số lượng thân tre trưởng thành trong mỗi búi tăng từ 1 thân trong năm đầu; 3 thân trong vòng 5 năm và sau đó tăng thêm 2 thân/năm trong những năm còn lại. Tăng trưởng chiều cao lần lượt là 2,5m trong năm đầu, tới khoảng 23m trong năm thứ 7 và khoảng 22m trong những năm còn lại. Tăng trưởng đường kính trung bình tăng từ 1,5cm trong năm đầu và sau đó tăng đến 8cm trong năm thứ 7 và các năm sau.
    Đây là loài cây ưa sáng hoàn toàn, vì vậy muốn trồng lồ ô trung bộ phải chọn nơi đất quang trống, không có bóng che của các loài cây gỗ hoặc các loài tre khác. Cây mọc khỏe, rất ít sâu bệnh. Chỉ mới phát hiện loài côn trùng cánh cứng đẻ trứng vào măng non, nhưng không phổ biến.
    Mới gặp lồ ô trung bộ ra hoa từng cây hoặc từng bụi; chưa gặp hiện tượng tre ra hoa hàng loạt cũng như chưa gặp hạt của loài tre này.
    Ở Bangladesh đã có hiện tượng tre lồ ô khuy, chu kỳ khuy khoảng 35-45 năm.
    Công dụng
    Thân lồ ô trung bộ có kích thước lớn nên có thể dùng trong xây dựng nhà cửa, cầu cống, kết bè mảng đánh cá; làm nông cụ hoặc ngư cụ. Thân tre cũng được dùng chẻ nan để đan lát rổ rá, dụng cụ gia đình và làm hàng xuất khẩu.
    Ở Ấn Độ, thân lồ ô được dùng làm nguyên liệu trong công nghiệp sản xuất giấy. Măng ăn ngon nên được dùng khá phổ biến. Ở Bangladesh dùng lá tre làm thức ăn tạm thời cho gia súc lớn. Giá thông thường ở thị trường Bangladesh khoảng 2USD/cây tre.
    Kích thước trung bình của sợi thân tre lồ ô: chiều dài 2-21mm, chiều rộng sợi 24mm, chiều rộng khoang tế bào sợi 17mm, vách dày 3,2mm. Độ ẩm trung bình của thân tươi ở tuổi 2-5 giao động 97-146%. Tỷ trọng của thân tre lồ ô 2-5 tuổi là 0,46-0,69 (tre tươi). Thân tre trưởng thành trên 3 tuổi, biến đổi rất ít khi phơi ngoài không khí. Sau khi phơi khô, còn độ ẩm 12%, thì sự biến động của thân tre tươi từ 7-24% về độ dày của vách sợi và 2-11% về đường kính.
    Thân tre tươi 3-5 tuổi, hong khô ngoài không khí có đặc điểm cơ lý sau: lực đàn hồi, 5.800-1.600N/mm2 (tươi) và 7.100-13.700N/mm2 (hong khô ngoài không khí). Lực chẻ dọc 42,8-89,0N/mm2 (tươi) và 52,9-99,0N/mm2 (hong khô ngoài không khí); lực nén song song 24,2-42,7 (tươi) và 29,8-65,2 (hong khô ngoài không khí).
    Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
    Có thể trồng lồ ô trung bộ bằng thân ngầm, đoạn thân hoặc cành chiết. Nếu dùng phương pháp lấy đoạn thân làm giống, có thể xử lý giống bằng thuốc kích thích ra rễ như: naphthalên acetic acid (NAA). Dùng các cành bánh tẻ có gốc cành to, 1 tuổi với 2 lóng cành có chồi mắt làm giống cho kết quả tốt.
    Giống thân ngầm có thể mang trồng ngay để tỷ lệ sống cao còn giống thân và cành cần được ươm trong vườn ươm, đợi đến khi ra rễ, đẻ thân ngầm và ra cành lá mới mang đi trồng vào mùa mưa.
    Đất trồng lồ ô thường trộn lẫn với phân trâu bò hoai. Kích thước hố thường là 50x50x50cm và cự li trồng là 4-5x4-5m.
    Khai thác, chế biến và bảo quản
    Khi thân tre chuyển từ màu xanh lục sang màu vàng nhạt (thường 3-4 tuổi trở lên) là có thể khai thác. Nên khai thác vào mùa khô lạnh, để tỷ lệ nước trong thân thấp nên ít bị mối mọt. Kỹ thuật khai thác là chặt chọn: Chặt cây già, giữ lại cây non dưới 3 tuổi để đảm bảo tỷ lệ sinh măng cho búi tre. Cần chặt sát mặt đất.
    Măng được khai thác vào mùa mưa. Thường thu măng ra đầu vụ, giữ lại măng giữa vụ để cho phát triển thành cây mới trong bụi.
    Thường một cây dưới 3 tuổi, mỗi năm đẻ 3-4 măng mới. Với cự ly trồng 5x5m, rừng tre sẽ có 400 bụi lồ ô/1ha, và năng suất có thể đạt 1.200-1.600 thân/ha/năm.
    Theo cách bảo quản cổ truyền, sau khi chặt, thân tre được róc hết cành nhánh và được ngâm trong dòng nước chảy để tiêu diệt hết mối mọt. Muốn bảo quản lâu dài phải ngâm trong các hoá chất bảo quản tre.
    Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Lồ ô trung bộ là loài tre bản địa đã thích nghi lâu đời với khí hậu đất đai vùng chuyển tiếp giữa 2 vùng khí hậu Bắc và Nam, thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, Đà Nẵng. Đây là vùng có 2 mùa khô và mưa rõ rệt với lượng mưa rất lớn và tập trung. Có thể chọn loài tre này làm cây trồng chính cho các chương trình trồng rừng của vùng từ Quảng Bình vào đến phía Bắc của Bắc Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên.
    Tài liệu tham khảo
    1. Nguyễn Từ Ưởng và cộng sự (2004). Một số loài tre chủ yếu của Việt Nam. Viện Khoa Học Lâm Nghiệp - Hà Nội (Chưa xuất bản); 2. Academia Sinica (1996). Poales. Flora Reipublicae Popularis Sinicae. Tomus (1). Science Press. (Trung văn); 3. Dransfield S. and Widjaja E.A. (1995). Plant Resources of South–East Asia – Bamboo 7: 54-56. PR OSE A, Bogor Indonesia; 4.Lecomte M.H. (1923). Flore general de L’Indochine, VII,5: 601-602. Publishing house Masson Paris.