Cây Hoa Tiên

Cây Hoa Tiên

Cây Hoa Tiên

  • Tên khoa học : Asarum petelotii O. C. Schmidt, 1931
  • Họ : Aristolochiaceae - Nam mộc hương
  • Bộ : Bộ Hồ tiêu - Piperales
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang (vùng núi Tam Đảo); Hà Tây (núi Ba Vì); Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát); Lai Châu (Phong Thổ).
  • Nguồn ảnh : Internet

  • HOA TIÊN

    Tên khoa học: Asarum petelotii O. C. Schmidt, 1931
    Tên khác:  Trầu tiên, dầu tiên, đại hoa tế tân; piền hỏa (Dao)
    Họ:  Nam mộc hương - Aristolochiaceae

    1. Đặc điểm hình thái
    Cây thảo nhỏ, sống lâu năm, cao 20 – 30 cm. Thân rễ mọc bò ngang, chia đốt, thường không phân nhánh, có nhiều rễ phụ hình trụ, dài, bẻ ra có mùi thơm. Lá mọc từ thân rễ, thường 1 – 2 cái, có cuống dài 10 – 18 cm, gốc cuống lá có các chấm màu tím nâu; phiến hình tim dài 8 – 20 cm, rộng 4 – 7 cm, đầu nhọn, gốc có 2 thùy thuôn tròn, song song hoặc hơi choãi ra, đầu nhọn, mép nguyên, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt, 3 gân tỏa từ gốc, gân phụ hình mạng lưới.
    Hoa mọc đơn độc ở gốc cuống lá. Lá bắc nhỏ dài, hẹp và nhọn; cuống hoa dài 2 – 3 cm cong xuống. Bao hoa màu xám nâu, dạng ống thuôn hẹp ở gốc và hơi cong với những vạch dọc và loe ra ở đầu thành 3 thùy hình tam giác; họng màu tím nâu, có vân trắng; nhị 12, bằng nhau, mọc thành vòng; bao phấn dài hơn chỉ nhị; bầu thuôn, noãn nhiều.
    Quả hình cầu hoặc hơi thuôn, bao bọc bởi bao hoa tồn tại; hạt nhỏ, màu đen nâu bóng.
    2. Đặc điểm sinh học
    Hoa tiên là cây đặc biệt ưa ẩm, ưa bóng, thường mọc trên đất ẩm nhiều mùn, ở các hốc đá, hoặc gần bờ suối dưới tán rừng kín thường xanh ẩm, độ tàn che 30 – 40%, độ cao 900 – 1.500 m. Cây sinh trưởng phát triến tốt ở vùng núi có khí hậu ẩm mát, nhiệt độ trung bình năm khoảng 18 – 19 oC, độ ẩm không khí trung bình 80 – 85%. Có khả năng mọc chồi gốc từ thân rễ, mỗi cây thường chỉ ra một hoa vào tháng 6 – 7. Thụ phấn nhờ côn trùng. Quả chín vào tháng 8 – 9, tự mở cho hạt thoát ra ngoài. Cây con mọc từ hạt quan sát được vào mùa xuân – đầu mùa hè và sau khoảng 2 năm tuổi mới có hoa.
    Thông tin khác về thực vật
    Chi Asarum L. ở Việt Nam hiện đã biết chắc chắn có 4 loài. Ngoài loài hoa tiên (hay còn gọi là đại hoa tế tân) kể trên còn 3 loài khác là thổ tế tân (A. caudigenrum Hance), tế tân núi (A. wulingense F.liang) và biến hóa, cũng có người gọi là tế tân núi (A. balansae Franch.). Sở dĩ 4 loài này có tên gọi “tế tân” bởi rễ của chúng cho vị thuốc có tên gọi chung là tế tân, được dùng nhiều trong y học cổ truyền. Để phân biệt giữa các loài, có thể căn cứ vào các đặc điểm sau:
    - Lá và hoa của loài hoa tiên thường lớn hơn các loài khác.
    - Rễ của loài hoa tiên cũng to và thơm hơn 3 loài còn lại.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang (vùng núi Tam Đảo); Hà Tây (núi Ba Vì); Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát); Lai Châu (Phong Thổ).
    Thế giới:
    Trung Quốc.
    4. Bộ phận dùng và công dụng
    Bộ phận dùng:
    Cả cây gồm lá, rễ, hoa; dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
    Thành phần hóa học:
    Hoa chứa nhiều sắc tố anthocyanosid, methyl eugenol và safrol.
    Công dụng:
    Theo kinh nghiệm của người Dao ở Ba Vì (Hà Tây) và Sa Pa (Lào Cai), rễ và hoa cây hoa tiên được dùng làm thuốc bổ chữa suy nhược, gầy yếu dưới dạng ngâm rượu uống.
    Nhân dân ở vùng núi Yên Tử (Quảng Ninh) có kinh nghiệm lấy lá hoa tiêu phơi khô, thái nhỏ, sắc nước uống để chữa đau bụng.
    Liều dùng mỗi ngày: 8 – 16 g.
    Ngoài ra, thân rễ và rễ tươi nhai ngậm chữa viêm họng, ho, chữa hôi miệng khi bị sâu răng.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Hiện chưa có tài liệu viết về trồng trọt, nhưng qua việc thu thập, trồng bảo tồn tại Trại thuốc Tam Đảo và Sa Pa (Viện Dược liệu), thường làm như sau:
    Thu thập cây giống từ tự nhiên, cắt bỏ bớt rễ con, chỉ để lại thân rễ hoặc chỉ lấy phần thân rễ, dài 5 – 6 cm. Trồng trên đất ẩm có đổ thêm mùn núi, dưới tán cây thưa ở ven rừng hoặc dọc theo các lối đi trong rừng (Trại thuốc Tam Đảo). Ở Trại thuốc Sa Pa, trồng hoa tiên ở vườn có mái che (tán che 40%). Trồng theo hàng, cự ly 20 – 35 cm / cây.
    Thời gian trồng: tháng 2 – 4. Cây trồng sau 2 năm mới thấy ra hoa.
    Có thể gieo trồng bằng hạt (đang nghiên cứu).
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Lá và rễ thu hái gần như quanh năm, nhưng tốt nhất vào vụ thu – đông, sau khi quả già. Rửa sạch đất, băm nhỏ (lá), phơi dưới nắng nhẹ hoặc sấy ở 50oC cho đến khô.
    Hoa dùng tươi hay phơi khô, thu hái vào tháng 6 – 7.
    Dược liệu khô đóng gói kỹ, bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Tên gọi “Hoa tiên” là của đồng bào Dao vùng Ba Vì. Theo một số bà con người Dao sống ở đây cho rằng, loài cây thuốc này rất khó tìm kiếm, gặp được cây có hoa lại càng hiếm. Hoa của nó màu tím đen, khi ngâm rượu cho màu tím hồng, uống vào thấy khỏe. Vì thế, người dân địa phương ở đây đã ví cây thuốc này quý như của Tiên ban tặng.
    Hoa tiên hiện mới được thu hái, sử dụng hạn chế trong phạm vi nhân dân. Vài năm trở lại đây, vào mùa lễ hội ở vùng núi Yên Tử (Quảng Ninh), một số người dân đã nhổ cả cây, bày bán với lời chào mời không chính xác về công dụng làm thuốc của nó. Giá bán 10.000 – 20.000 đồng một bó nhỏ gồm 5 – 10 cây, có cả rễ.
    Ở vùng Bát Xát (Lào Cai), do có người thu mua, nhân dân ở đây cũng đã từng đi nhổ cả cây (phải có rễ kèm theo), phơi khô để bán qua biên giới. Giá bán 30.000 – 50.000 đ / kg khô (1998 – 1999).
    Do phạm vi phân bố hạn chế, trữ lượng tự nhiên không đáng kể, nên loài hoa tiên đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1996) và Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (1996 và 2001), nhằm khuyến cáo bảo vệ.
    Để bảo tồn có kết quả loài cây thuốc quý hiếm này ở Việt Nam, trước hết cần bảo vệ chặt chẽ hai quần thể nhỏ hoa tiên ở VQG Tam Đảo và Ba Vì. Đặc biệt, cần thiết lập 1 điểm bảo tồn tại chỗ nữa (In situ conservation) ở xã Ý Tý và Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Tại đây hiện còn sót lại một quần thể nhỏ hoa tiên được coi là phong phú nhất ở Việt Nam (tổng diện tích khoảng 2.000 m2). Mặt khác cần kết hợp trong quá trình bảo tồn chuyển vị (Ex situ conservation), nghiên cứu trồng thêm dưới tán rừng ở vùng đệm VQG Tam Đảo, Ba Vì và Hoàng Liên Sơn.