Cây Dừa Cạn

Cây Dừa Cạn

Cây Dừa Cạn

  • Tên khoa học : Catharanthus roseus (L.) G. Don, 1838
  • Họ : Trúc đào - Apocynaceae
  • Bộ : Bộ Long đởm - Gentianales
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và ở 2 đảo lớn là Phú Quốc và Côn Đảo
  • Nguồn ảnh : Internet

  • DỪA CẠN

    Tên khoa học: Catharanthus roseus (L.) G. Don, 1838
    Tên đồng nghĩa: Vinca rosea L.
    Tên khác: Bông dừa, hoa cải đắng, trường xuân hoa, phjăc pét đông (Tày); Madagascar periwwinkle, red periwwinkle, pink periwwinkle, cape periwwinkle, rosy– flonened indian periwwinkle, eld maid (Anh); pervenche de Madagascar, pervenche malgache, pervencher tropicale (Pháp)
    Họ: Trúc đào – Apocynaceae

    1. Đặc điểm hình thái
    Cây thảo, sống 1 - 3 năm, cao 40 – 60 cm, phân cành nhiều. Thân hình trụ nhẵn, lúc non hơi dẹt, màu xanh lục nhạt, sau chuyển màu đỏ hồng, mang nhiều sẹo lá. Lá mọc đối, hình bầu dục, dài 4 – 6 cm, rộng 2 – 3 cm, gốc thuôn, đầu tù hoặc hơi nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới hơi nhạt, cuống lá dài 0,2 – 1 cm.
    Hoa màu hồng hoặc trắng, có cuống dài 1,2 mm, mọc đơn độc ở ngọn và kẽ lá gần ngọn; đài hình ống ngắn có 5 thuỳ thuôn nhọn, tràng 5 cánh hợp, ống tràng dài 3 cm, rất hẹp và hơi phình ra ở dưới các cánh hoa; nhị 5 đính ở họng của ống tràng, chỉ nhị rất ngắn; bầu có hai lá noãn dính nhau.
    Quả khô, gồm hai đại hẹp, dài 2,5 – 3 cm, rộng 2 – 3 mm, mọc thẳng hơi choãi ra; hạt nhỏ nhẵn, hình trứng, xếp 2 hàng, màu nâu nhạt hoặc nâu đen.
    2. Đặc điểm sinh học
    Cây ưa sáng, ưa ẩm và trong một giới hạn nào đó có thể hơi chịu được hạn, nhưng sinh trưởng phát triển kém. Dừa cạn có thể sống được trên nhiều loại đất, kể cả đất pha cát ở vùng ven biển. Hàng năm cây mọc từ hạt vào tháng 3 - 4, ở phía Nam mọc muộn hơn vào đầu mùa mưa. Cây sinh trưởng phát triển nhanh trong mùa mưa ẩm, ra hoa quả nhiều, nhất là ở nơi được chiếu sáng đầy đủ. Mùa hoa quả: tháng 3 – 8. Quả khi già tự mở cho hạt rơi xuống đất. Tỷ lệ hạt nảy mầm trong tự nhiên chỉ vào khoảng 40%, trong trồng trọt có thể đạt 90% (H. Sutarno & Rudjiman, 1999).
    Thông tin khác về thực vật
    Đã có thời người ta xếp loài dừa cạn vào chi Vinca. Khi xem xét kỹ đặc điểm của thân, nhất là tỷ lệ về độ dài của chỉ nhị với bao phấn, cũng như quả của các đại diện thuộc chi Vinca mọc ngang hoặc quay xuống... Những đặc điểm này không rõ ở loài dừa cạn và nó đã được xếp vào chi Catharanthus. Chi Catharanthus trên thế giới có 8 loài, ở Việt Nam chỉ có 1 loài dừa cạn.
    Dừa cạn tuy có các màu hoa khác nhau (trắng, hồng đậm hoặc hồng nhạt); thậm chí giữa chúng còn có sự khác nhau về hàm lượng một số alcaloid, nhưng vẫn chỉ thuộc một loài (Catharanthus roseus) (H. Sutarno & Rudjiman, 1999).
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Dừa cạn có nguồn gốc từ đảo Madagasca. Ở Việt Nam, cây mọc tự nhiên ở vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Dừa cạn có nhiều ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và ở 2 đảo lớn là Phú Quốc và Côn Đảo.
    Thế giới:
    Đảo Hải Nam Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Madagasca.
    4. Bộ phận dùng và công dụng
    Bộ phận dùng:
    Cành mang lá, rễ phơi hoặc sấy khô.
    Thành phần hoá học:
    Hàm lượng alcaloid toàn phần trong lá: 0,37 – 1,15%; thân: 0,46 %; rễ: 0,7 – 2,4%; hoa: 0,14 – 0,84%; hạt: 0,18%. Trong đó có một số alcaloid chủ yếu là vinblastin, vincristin, reserpin, serpentin, ajmalin, ajmalicin...
    Công dụng:
    Dược liệu dừa cạn dùng làm thuốc chữa cao huyết áp, tiểu tiện ít và có màu đỏ, bế kinh...
    Ngày dùng 8 – 20 gam dưới dạng thuốc sắc hoặc cao lỏng.
    Ngoài ra, từ năm 1958 đến nay, một số alcaloid hoặc hợp chất bán tổng hợp từ chúng đã được làm thành thuốc viên hoặc thuốc tiêm để chữa bệnh cao huyết áp và bệnh ung thư máu, có kết quả tốt.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Nhân giống:
    Thời vụ gieo hạt: Tháng 11 – 2. Nếu gieo hạt tháng 11, do mùa đông lạnh, thời gian nảy mầm dài, nhưng cây trồng sinh trưởng tốt. Gieo vào tháng 2 – 3, thời gian chiếm đất ở vườn ươm ngắn, nhưng cây trồng sinh trưởng kém. Gieo ở vườn ươm đủ để trồng 1 ha cần 600 – 700 gam hạt giống.
    Cách trồng:
    Đất trồng: Tốt nhất là đất pha cát nhẹ (loại đất phù sa bãi sông). Cày bừa kỹ, bón lót 15 tấn phân chuồng mục và 120 – 150 kg supe lân. Lên luống cao 20 cm, rộng 70 cm (để trồng 2 hàng) hoặc rộng hơn.
    Khi cây con có 3 – 4 đôi lá thật, cao 10 – 15 cm thì nhổ đi trồng. Thời vụ trồng tốt nhất vào cuối tháng 2, đầu tháng 3; trồng vào ngày có mưa phùn, đất ẩm. Cự ly trồng 32 – 35 x 40 cm / cây.
    Chăm sóc:
    Làm cỏ 2 lần, khi đất khô phải tưới nước. Nếu đất trồng kém màu mỡ, cần bón thúc bằng phân Ure (70 - 100 kg / ha).
    Cây trồng sau 3,5 – 4 tháng cho thu hoạch (lá); thu rễ có thể muộn hơn hoặc thu đồng thời với lá. Năng suất lá (cành mang lá) đạt 1,2 tấn khô / ha.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Thời vụ khai thác hoặc thu hoạch (từ cây trồng) vào lúc cây bắt đầu có hoa và vào ngày nắng.
    Cắt toàn bộ phần cành mang lá, phơi hay sấy khô, sau đưa vào máy ép thành khối (40 – 50 kg / khối), đóng bao, để nơi râm mát, thoáng khí hoặc chuyển ngay đến nhà máy chế biến dược phẩm.
    Sau khi cắt cành mang lá, đào lấy toàn bộ rễ (bỏ gốc), rũ cho sạch đất (không cần rửa vì sẽ mất alcaloid). Băm nhỏ, phơi hay sấy khô, sau đó đóng bao chuyển ngay đến nơi chiết xuất.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Từ lá và rễ cây dừa cạn người ta đã chiết xuất và bán tổng hợp được một số loại thuốc vinblastin, vincristin, vindesin có tác dụng tốt để điều trị bệnh cao huyết áp và bệnh máu trắng (ung thư máu).
    Việt Nam có nguồn dừa cạn mọc tự nhiên tương đối phong phú, nhưng do cây phân bố rải rác dọc vùng bờ biền và đảo nên gặp khó khăn trong việc khai thác dược liệu dừa cạn đủ tiêu chuẩn cho công nghiệp dược.
    Trong những năm 70 của thế kỷ trước, dừa cạn được trồng ở nông trường Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) để xuất khẩu sang Hungary. Hơn 10 năm trở lại đây, cây được trồng thành công tại huyện Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên), mỗi năm xuất khẩu sang Pháp trên 100 tấn nguyên liệu lá và rễ.
    Từ quần thể mọc tự nhiên ở Việt Nam, cần có kế hoạch nghiên cứu chọn lọc những dòng có hàm lượng hoạt chất cao để thuần hoá đưa vào trồng trọt. Được biết, địa điểm trồng dừa cạn ở Phú Yên hiện nay là nơi cho chất lượng dừa cạn cao và ổn định ở nước ta.