Cây Địa Liền

Cây Địa Liền

Cây Địa Liền

  • Tên khoa học : Kaempferia galanga L., 1753
  • Họ : Gừng - Zingiberaceae
  • Bộ : Gừng - Zingiberales
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nội
  • Nguồn ảnh : Internet

  • ĐỊA LIỀN
    Tên khoa học: Kaempferia galanga L., 1753
    Tên khác: Tam nại, sơn nại, củ thiền liền, sa khương; co xá choóng (Thái); East indies galingale (Anh); kaempférie, faux galanga (Pháp).
    Họ: Gừng – Zingiberaceae

    1. Đặc điểm hình thái
    Cây thảo, sống nhiều năm. Thân rễ chính (củ) hình trụ tròn hay hình trứng, mọc ra nhiều rễ củ nhỏ, hình trứng, có vân ngang. Lá 2 – 3 cái hình trứng rộng mọc xòe sát mặt đất, dài 8 – 15 cm, rộng 6 – 10 cm, gốc thuôn hẹp thành cuống dài 1 – 2 cm có rãnh kiểu lòng máng, đầu tù hơi nhọn, mép lượn sóng, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới hơi có lông mịn, gân lá chạy sát tận mép lá.
    Hoa không cuống, 2 – 5 cái màu trắng có đốm tím ở giữa, mọc cao hơn lá; lá bắc hình mũi mác nhọn; 3 lá đài dài, hẹp và nhọn; 3 cánh hoa rộng hợp thành tràng có ống dài 2 – 2,5 cm; nhị không có chỉ nhị, bao phấn 2 ô song song, có nhị lép, cánh môi to xẻ đôi thành 2 thùy.
    Toàn cây, nhất là thân rễ có tinh dầu.
    2. Đặc điểm sinh học
    Cây ưa sáng, có thể hơi chịu bóng và chịu được khô hạn hoặc cháy rừng do có hệ thống thân rễ (củ) nằm vùi dưới mặt đất. Cây tàn lụi vào mùa đông (ở Miền Bắc) và mùa khô (ở Miền Nam). Vào đầu mùa mưa, từ phần thân rễ mọc lên lá, sau đó ra hoa ngay (tháng 4 – 5). Hoa nở vào buổi sáng, chiều tàn. Chưa quan sát được quả, nhưng chắc chắn tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, vì trong quần thể thấy có những cây nhỏ. Địa liền có khả năng tái sinh vô tính khỏe bằng các rễ củ con hoặc thân rễ (củ cái).
    Thông tin khác về thực vật
    Loài địa liền lá hẹp (Kaempferia angustifolia Roscoe) cũng được dùng làm thuốc như loài trên. Về hình thái, loài này có lá hẹp, hình thìa, hoa và thân rễ (củ) nhìn chung giống loài trên, nhưng vùng phân bố tự nhiên của địa liền lá hẹp chỉ có ở các tỉnh phía Nam.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Vốn là cây cũng có mọc tự nhiên ở các tỉnh phía Bắc, nhưng nay chỉ thấy trong trồng trọt. Trong khi đó, ở các tỉnh phía Nam, cả 2 loài địa liền trên lại thấy mọc tự nhiên tại Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai…
    Địa liền được trồng ở một số tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, ngoại thành Hà Nội.
    Thế giới:
    Lào, Campuchia, Thái Lan.
    4. Bộ phận dùng, công dụng
    Bộ phận dùng:
    Thân rễ (củ), phơi hay sấy khô.
    Thành phần hóa học:
    Thân rễ chứa tinh dầu, trong đó chủ yếu là acid p-methoxycinamic, p-methoxy ethylcinamat (chiếm tới 30%), ethyl cinamat. Ngoài ra còn có n-pentadecan, D3 -caren, camphen, O-methoxy ethylcinamat, borneol, p-methoxystyren, acid transcinamic, aldehyd cinamic, cineol, kaempferol và kaempferid.
    Công dụng:
    Địa liền được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền có tác dụng làm nóng, chữa đau ngực, ăn uống khó tiêu, nôn mửa, cảm sốt… Địa liền còn được dùng làm gia vị.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Nguồn giống:
    Các củ con, sau khi thu hoạch để riêng.
    Đất trồng:
    Ruộng cao, trên nương rẫy, thoát nước. Cày bừa kỹ, lên luống cao 20 – 30 cm, bón lót 15 – 20 tấn phân chuồng, 250 kg supe lân, 150 kg kali trên một hecta.
    Cách trồng:
    Bổ hố nông, cự ly 25 – 30 cm / hố; mỗi hố đặt 1 – 2 củ con; lấp đất. Trồng xong phủ rơm rạ kín mặt luống. Củ giống trồng sau 20 – 25 ngày nảy mầm.
    Chăm sóc:
    Làm cỏ, vun gốc, tưới nước khi gặp hạn. Cây trồng sau 10 - 12 tháng (khi toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi) thì thu hoạch. Năng suất đạt 10 – 15 tấn củ tươi / hecta.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Đến tháng 11 – 12 khi cây bắt đầu tàn lụi thì khai thác hoặc thu hoạch (cây trồng). Đào cả khóm, rũ sạch đất, cắt bỏ phần thân lá và rễ, tách củ con và củ cái (thân rễ) đem rửa sạch, sau phơi hoặc sấy khô. Chú ý những củ con để làm giống không cần rửa, mầm cần rải ra trên nền bếp hay vỉa hè, để ra giêng đem trồng.
    Dược liệu địa liền khô được đóng thành bao, bảo quản nơi khô ráo; khi dùng làm thuốc mới thái thành lát hoặc tán thành bột.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Địa liền là cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao. Hầu như toàn bộ dược liệu địa liền sử dụng trong nước và xuất khẩu hiện nay đều được trồng tại các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh và ngoại thành Hà Nội. Nguồn địa liền mọc tự nhiên gồm cả 2 loài mọc lẫn nhau dưới tán rừng nửa rụng lá và rụng lá, ở các tỉnh phía Nam gần như chưa được khai thác. Song, khi tiến hành khai thác cây thuốc này cần chú ý hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn cây có thể khai thác và cách khai thác, nhằm đảm bảo tái sinh tự nhiên.