Cây Dành Dành

Cây Dành Dành

Cây Dành Dành

  • Tên khoa học : Gardenia augusta (L.) Merr., 1935
  • Họ : Cà phê - Rubiaceae
  • Bộ : Bộ Long đởm - Gentianales
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh
  • Nguồn ảnh : Internet

  • DÀNH DÀNH

    Tên khoa học: Gardenia augusta (L.) Merr., 1935
    Tên đồng nghĩa: Varneria augusta L., 1759 Gardenia jasminoides Ellis, 1761
    Tên khác:  Chi tử, mác làng cuống (Tày); cape jasmine (Anh).
    Họ:  Cà phê – Rubiaceae

    1. Đặc điểm hình thái
    Cây bụi, cao 1 – 2 m, xanh tốt quanh năm, phân cành nhiều. Cành màu nâu, nhẵn, có khía rãnh dọc. Lá mọc đối hay mọc vòng 3, hình mác thuôn hay trái xoan thuôn, dài 7 – 14 cm, rộng 2 – 5 cm, gốc thuôn hẹp, đầu tù hoặc hơi nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm, bóng, mặt dưới nhạt, gân nổi rõ; cuống lá rất ngắn; lá kèm to, bao quanh thân, cành.
    Hoa to, mọc đơn độc ở đầu cành, màu trắng hoặc trắng ngà, rất thơm; cuống hoa có 6 cạnh, 6 lá đài thuôn nhọn, ống đài dài 8 mm, có 6 cạnh dọc, cánh hoa 6, tròn đầu, ống tràng nhẵn, dài 4,5 cm, 6 nhị, chỉ nhị ngắn, bao phấn tù; bầu 2 ô, noãn nhiều.
    Quả hình trứng, cao 2,5 – 4,5 cm, rộng 1,5 – 1,8 cm, có đài tồn tại và 6 – 7 cạnh lồi có cánh, màu vàng khi chín, thịt quả màu vàng cam; hạt nhiều, dẹt.
    2. Đặc điểm sinh học
    Dành dành là cây ưa sáng, cũng có thể hơi chịu bóng, cây ưa ẩm và có thể chịu được ngập nước bán phần, do thường mọc ở bờ ao hoặc xen lẫn trong các bụi rậm gần bờ khe suối.
    Cây ra nhiều hoa quả hàng năm; những cây được chiếu sáng đầy đủ thấy có hoa quả nhiều hơn cây bị che bóng. Tái sinh tự nhiên bằng hạt và bằng cây chồi sau khi bị chặt; các cành bánh tẻ đem giâm xuống đất ẩm cũng có khả năng nảy mầm.
    Thông tin khác về thực vật
    Loài dành dành núi (Gardenia stenophylla Merr.) còn gọi là sơn chi tử, thủy hoàng chi cũng được dùng. Loài này khác loài trên ở chỗ lá thường Tập trung ở ngọn, phiến rất hẹp; đài tồn tại ở quả dài bằng hoặc dài hơn quả. Ở các tỉnh Miền Trung còn có các loài Gardenia annamensis Pitard, G. obtusifolia Roxb. ex Kurz. có hình thái gần giống với loài G. augusta (L.) Merr. và cũng được dùng làm thuốc.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Dành dành phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, đến vài tỉnh Khu IV cũ. Đáng lưu ý nhất là ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
    Cây còn được trồng rải rác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
    Thế giới:
    Trung Quốc, Nhật Bản và có thể cả ở Lào.
    4. Bộ phận dùng và công dụng
    Bộ phận dùng:
    Khối hạt đã phơi hay sấy khô. Khi dùng làm thuốc có thể tách các hạt rời nhau.
    Thành phần hóa học:
    Quả dành dành chứa các hợp chất:
    - Iridioid glycosid: gardosid, shanzhisid, geniposid, acid geniposidic, scandosid…
    - Các acid hữu cơ: acid picrocrocinic, acid gardenoic B, acid gardenic và acid gardenolic B.
    - Các carotenoid: a crocin, a crocetin.
    Ngoài ra, còn có các sắc tố và tinh dầu.
    Công dụng:
    Hạt dành dành có tên vị thuốc là “chi tử”, được dùng nhiều trong y học cổ truyền làm thuốc chứa các bệnh: sốt vàng da, bệnh về gan, đau mắt đỏ, tiểu tiện khó khăn,… Hạt dành dành sao cháy làm thuốc cầm máu trong trường hợp nôn ra máu, chảy máu cam…
    Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác. Dành dành còn sử dụng làm chất màu thực phẩm và nhuộm vải.
    Chất gardenolic B có tác dụng ngừa thai.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Nhân dân ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ (Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc) thường trồng dành dành ở bờ ao, vừa có tác dụng chống sạt lở, vừa lấy quả làm thuốc. Cây cũng được trồng làm cảnh ở vườn gia đình.
    Cách trồng bằng hình thức gieo hạt, giâm cành, hay đào lấy những nhánh con (có cả rễ) từ cây mẹ. Trồng vào tháng 2 – 3. Hiện chưa rõ về năng suất.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Thu hái quả già – khi bắt đầu thấy vỏ vàng hoặc bóc vỏ thấy khối hạt có màu vàng đỏ. Mùa thu hái: tháng 8 – 9.
    Quả thu về nhúng trong nước sôi nửa giờ, sau bóc bỏ vỏ, lấy nguyên khối hạt đem phơi hoặc sấy khô.
    Dược liệu được gói bằng túi nilon, để nơi khô ráo. Chú ý rất dễ bị ẩm mốc.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Theo số liệu điều tra của ngành Y tế, mỗi năm ở Việt Nam đã khai thác thu mua được 30 – 40 tấn hạt dành dành khô. Giá mua vào dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng / kg. Nguồn dành dành làm thuốc ở Việt Nam khá phong phú (gồm 2 – 4 loài), chưa cần quan tâm đến khía cạnh bảo tồn.