Cây Dạ Cẩm

Cây Dạ Cẩm

Cây Dạ Cẩm

  • Tên khoa học : Hedyotis capitellata Wall. ex G. Don var. mollis (Pierre ex Pit.) T. N. Ninh, 1984
  • Họ : Cà phê - Rubiaceae
  • Bộ : Bộ Long đởm - Gentianales
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An ...
  • Nguồn ảnh : Internet

  • DẠ CẨM

    Tên khoa học: Hedyotis capitellata Wall. ex G. Don var. mollis (Pierre ex Pit.) T. N. Ninh, 1984
    Tên đồng nghĩa: Oldenlandia capitellata G. Don var. mollis Pierre ex Pit., 1922
    Tên khác: Cây loét mồm, dây ngón cúi, ngón lợn, đứt lướt, chạ khẩu cắm (Tày), sán công mía (Dao)
    Họ: Cà phê – Rubiaceae

    1. Đặc điểm hình thái
    Cây bụi leo bằng thân quấn. Cành non hình bốn cạnh, cành già tròn, phình lên ở những đốt, màu tím. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 5 – 15 cm, rộng 3 – 5 cm, gốc tròn hay thuôn, đầu nhọn, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới rất nhạt, có gân nổi rõ; cuống lá ngắn; lá kèm nhỏ chia 4 – 5 thùy hình sợi.
    Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành xim phân đôi gồm những đầu tròn. Hoa nhiều, màu trắng hoặc trắng vàng, 4 lá đài hình giáo nhọn, ống đài dài 1,5 cm, nhẵn; 4 cánh hoa có lông ở mặt ngoài, tràng hoa hình ống, dài 2 mm, có lông ở họng; 4 nhị, chỉ nhị ngắn, bao phấn hình dải, vượt ra ngoài tràng; bầu 2 ô, có lông.
    Quả nang, chứa nhiều hạt nhỏ.
    Toàn cây có lông mịn.
    2. Đặc điểm sinh học
    Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng; thường mọc lẫn trong các quần hệ rừng thứ sinh, nhất là trảng cây bụi mới tái sinh trên đất sau nương rẫy, độ cao từ vài chục mét đến trên 1.000 m (ở Miền Nam).
    Dạ cẩm ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên tốt từ hạt và từ các phần còn lại sau khi bị cắt.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Rải rác khắp các tỉnh miền núi và trung du, nhất là ở các tỉnh phía Bắc: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…
    Thế giới:
    Nam Trung Quốc, Lào, Thái Lan…
    4. Bộ phận dùng, công dụng
    Bộ phận dùng:
    Toàn bộ phần cành mang lá, phơi hay sấy khô.
    Thành phần hóa học:
    Trong rễ, cành và lá có chứa các alcaloid, saponin, tanin và một số hợp chất khác.
    Công dụng:
    Làm thuốc chữa viêm loét dạ dày, do có tác dụng trung hòa lượng acid dư thừa và hàn các vết loét trong thành dạ dày. Liều dùng 20 – 40 g / ngày, dưới dạng thuốc sắc hoặc cao lỏng uống.
    Dạ cẩm còn dùng làm thuốc chữa loét miệng, vết thương phần mềm và viêm họng.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Chưa có tài liệu đề cập, do trong tự nhiên có nhiều dạ cẩm. Song có thể trồng bằng hạt một cách dễ dàng.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Thu hái vào lúc cây có nhiều lá nhất, trước khi ra hoa. Cắt toàn bộ phần thân và cành mang lá; phơi hay sấy đến khô; sau đó cần chuyển ngay đến cơ sở sản xuất để nấu thành cao lỏng hoặc cao đặc. Dược liệu để lâu rất dễ bị ẩm mốc.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Nguồn trữ lượng dạ cẩm ở Việt Nam rất dồi dào, ước tính có tới hàng ngàn tấn. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi năm cả nước thu mua từ vài chục đến vài trăm tấn để sản xuất thuốc chữa đau dạ dày; gần đây khai thác ít hơn.
    Hiện tại chưa cần quan tâm đến vấn đề bảo tồn, bởi vì sau khi được thu hái, phần còn lại của cây tiếp tục tái sinh, phát triển nhanh và mạnh hơn.