cây cốt toái bổ

cây cốt toái bổ

cây cốt toái bổ

  • Tên khoa học : Drynaria fortunei (Kuntze) J. Sm., 1857
  • Họ : Ráng - Polypodiaceae
  • Bộ : Bộ Dương xỉ - Polypodiales
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa
  • Nguồn ảnh : Internet

  •  

    CỐT TOÁI BỔ
    Tên khoa học: Drynaria fortunei (Kuntze) J. Sm., 1857
    Tên đồng nghĩa: Polypodium fortunei Kuntze
    Tên khác: Cây thu mùn, hộc quyết, co tặng tó, co ín tó (Thái), sáng viằng (Dao).
    Họ: Ráng – Polypodiaceae

    1. Đặc điểm hình thái
    Thuộc loại dương xỉ lớn, sống nhiều năm; cao 20 – 40 cm. Thân rễ mọc bò, nạc và dẹt, phủ đầy lông dạng vảy, màu nâu. Lá có hai loại: lá không sinh sản phủ kín thân rễ để hứng mùn, hình tim, dài 5 – 8 cm, rộng 3 – 6 cm, không cuống, khía răng to và đều, màu nâu, mặt trong có lông, gân lồi rõ; lá sinh sản có cuống dài 4 – 7 cm, phiến lá dài 30 – 80 cm, rộng 10 – 20 cm, màu lục sẫm, xẻ lông chim thành 7 – 13 thùy xiên hướng lên trên, hình ngọn dáo nhọn, mép nguyên hoặc khía răng rất nhỏ.
    Túi bào tử hình tròn, xếp thành hàng đều đặn ở giữa các gân bên mặt dưới lá, không có áo túi; bào tử hình tròn hoặc trái xoan, màu vàng nhạt.
    2. Đặc điểm sinh học
    Sống bám trên đá hay thân gỗ, ở rừng kín thường xanh ẩm trên núi đá vôi, đến độ cao khoảng 1.600 m.
    Cây ưa bóng, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm; mỗi năm mọc ra 3 – 5 lá mới, lá cũ tồn tại 2 năm mới vàng úa. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của thân rễ chậm. Tái sinh tự nhiên bằng bào tử và mọc chồi từ thân rễ.
    Thông tin khác về thực vật
    Một số loài khác cũng được dùng làm thuốc như cốt toái bổ. Đó là cây tắc kè đá (Drynaria bonii Christ) còn gọi là co cắc kè (Thái), có điểm khác là lá hứng mùn không xẻ răng cưa, túi bào tử xếp rải rác không đều và loài ráng bay (Drynaria quercifolia (L.) J. Sm.) còn gọi là cốt toái bổ lá to, với đặc điểm là toàn cây có kích thước lớn hơn và chỉ thấy ở các tỉnh phía Nam.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, từ Nghệ An trở ra, như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa.
    Thế giới:
    Trung Quốc và Lào.
    4. Bộ phận dùng, công dụng
    Bộ phận dùng:
    Thân rễ thái lát, phơi hay sấy khô.
    Thành phần hóa học:
    Trong thân rễ có chứa tinh bột (tới 35%), glucose, 1,5% flavonoid toàn phần, trong đó có hesperidin và naringin.
    Công dụng:
    Được dùng nhiều trong y học cổ truyền, làm thuốc có tác dụng bổ thận, chữa đau nhức xương khớp, đau lưng… ngày dùng 6 – 12 g. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài (tươi) đắp chữa bong gân, sai khớp và bó gãy xương.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Chưa được trồng. Một số người thu thập cây mọc tự nhiên về trồng làm cảnh hoặc trồng làm mẫu ở vườn thuốc. Trồng bằng cách buộc cả khóm lên cây gỗ hoặc trên các hốc đá.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Khai thác vào mùa thu – đông, sau khi bào tử đã phát tán. Chỉ lấy phần thân rễ già, chừa lại phần đầu mang lá cho cây tiếp tục tái sinh; cắt bỏ lá, rễ, cạo sạch lông và vảy. Có thể đem thân rễ phơi 1 – 2 nắng, sau đốt nhẹ trên lửa cho cháy hết lông bao phủ ngoài thân rễ. Trước khi dùng có thể tẩm mật sao vàng.
    Bảo quản nơi khô ráo, dễ bị mốc.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Cốt toái bổ là cây thuốc quý. So với 3 loài có cùng công dụng làm thuốc đã nói ở trên, cốt toái bổ có phạm vi phân bố hẹp, kích thước quần thể nhỏ, lại bị khai thác nhiều năm, đã trở nên hiếm rõ rệt ở nước ta.
    Loài này đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1996) và Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2001), để chú ý bảo tồn.