Cây Cốt Khí Củ

Cây Cốt Khí Củ

Cây Cốt Khí Củ

  • Tên khoa học : Reynoutria japonica Houtt., 1777
  • Họ : Rau răm - Polygonaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố : Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát), Lai Châu (Phong Thổ, Sìn Hồ)
  • Nguồn ảnh : Internet

  • Cây Cốt Khí Củ
    Tên khoa học: Reynoutria japonica Houtt., 1777
    Tên đồng nghĩa: Polygonum cuspidatum Sieb. et Zucc., 1846
    Tên khác: Điền thất, phù linh, hỗ trương căn, nam hoàng cầm; mèng kẻng (Tày); co lứ hườn (Thái); hồng lìu (Dao)
    Họ: Rau răm - Polygonaceae

    1. Đặc điểm hình thái
    Cây bụi nhỏ, sống lâu năm, cao 0,5 – 1,0 m. Rễ củ dạng thuôn dài, mọc nghiêng dưới đất, vỏ ngoài màu nâu đen, ruột màu vàng. Thân hình trụ thẳng, nhẵn, có những đốm màu tím hồng. Lá mọc so le, có cuống ngắn, hình trứng dài 5 – 12 cm, rộng 3,5 – 8 cm, gốc tròn hoặc hơi bằng, đầu tù hơi nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm; bẹ chìa ngắn.
    Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm, ngắn hơn lá. Hoa nhỏ màu trắng, đơn tính, hoa đực và hoa cái riêng; bao hoa có 5 phiến rời nhau; hoa đực có 8 nhị; hoa cái có bầu ba góc.
    Quả 3 cạnh, màu nâu đỏ khi chín.
    2. Đặc điểm sinh học
    Cốt khí củ vốn có nguồn gốc ở vùng cận nhiệt đới và ôn đới ấm. Vì vậy, cây mọc tự nhiên ở Việt Nam chỉ thấy rải rác ở vùng núi, có độ cao trên 1.500 m; khí hậu mát quanh năm, nhiệt độ 15 – 18oC, về mùa đông thường khá lạnh. Tuy nhiên, do được thuần hóa lâu ngày, cốt khí củ đã được trồng cả ở vùng đồng bằng, nơi có điểu kiện khí hậu ấm hơn tới 4 – 50C.
    Cốt khí củ là cây có sức sống dai, sinh trưởng mạnh trong mùa xuân hè. Mùa hoa quả từ tháng 6 đến tháng 10; cây có hiện tượng rụng lá và bán tàn lụi trong mùa đông; tái sinh từ hạt và từ phần thân, rễ đem trồng.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát), Lai Châu (Phong Thổ, Sìn Hồ)… Hiện được trồng rải rác ở nhiều tỉnh thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ.
    Thế giới:
    Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Có thể có ở Lào.
     
    4. Giá trị sử dụng
    Bộ phận dùng:
    Rễ củ, phơi hay sấy khô.
    Thành phần hóa học:
    Trong rễ củ chứa một số hợp chất chủ yếu:
    - Anthranoid (physcion, emodin, emodin- 8 -O-b-glucosid, chrysaphanol, rhein, falacinol, questin, questinol, citreorosein, …).
    - Stilben (resveratron, polydatin…) và một số hợp chất quinon và phenol khác…
    Công dụng:
    Cốt khí củ được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền làm thuốc chữa phong thấp, tê bại, chân tay nhức mỏi. Ngoài ra, còn dùng trong trường hợp ứ huyết do ngã, do bế kinh và chữa mụn nhọt.
    Liều dùng 8 – 20 g / ngày, dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống; thường phối hợp với các vị thuốc khác.
    5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
    Cây có thể trồng bằng hạt. Tuy nhiên, trong nhân dân thường trồng bằng cách: sau khi lấy phần rễ củ làm thuốc, phần gốc được tách ra thành các nhánh. Ngoài ra, còn tận dụng các đoạn đầu của rễ củ (dài 4 – 5 cm). Tất cả đem ủ trong cát ẩm đến khi mọc mầm mới đem trồng.
    Ở tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, cốt khí củ được trồng trên ruộng cao thoát nước. Thời vụ trồng vào tháng 2 – 3 hoặc có thể sớm hơn. Cự ly trồng 30 x 40 cm / khóm. Cây trồng chăm sóc đơn giản, ít sâu bệnh, ngoại trừ bệnh muội trắng hoặc muội đen.
    Cây trồng sau 18 – 24 tháng cho thu hoạch.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Người dân ở Sa Pa thường đi khai thác cốt khí củ vào vụ hè – thu. Cây trồng thu hoạch vào mùa thu.
    Đào sâu và rộng, lấy toàn bộ phần rễ củ; cắt bỏ gốc và các rễ con, rửa sạch, phơi hay sấy khô (bẻ thấy giòn dễ gãy). Dược liệu khô phân ra thành các loại to nhỏ và có độ dài bằng nhau để bó được. Bảo quản trong túi nilon, ngoài bao tải; để nơi khô ráo.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học, thị trường và bảo tồn
    Cốt khí củ là cây thuốc nam được sử dụng rộng rãi trong nhân dân. Do giá trị sử dụng cũng như cách sử dụng dễ dàng (không có độc) nên cây đã được đưa vào trồng ngay tại vườn nhiều gia đình ở Miền Bắc không rõ từ bao giờ.
    Giá bán dược liệu khô (rễ củ) do khai thác trong tự nhiên ở Sa Pa (2004) thường cao gấp đôi so với từ cây trồng, trong khi đó giá trị mang lại do trồng cây thuốc này ở Hưng Yên được biết cũng cao hơn trồng ngô, lúa (từ 1,5 – 2,0 lần).
    Do cây mọc tự nhiên đã bị khai thác nhiều nên từ năm 1996, cốt khí củ đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Song có thể khẳng định rằng, loài cây thuốc này không bị đe dọa tuyệt chủng nữa, do dược liệu làm thuốc chủ yếu từ trồng trọt; việc khai thác tự nhiên gần như đã ngừng lại, bởi đã có cây trồng thay thế.
    8. Tài liệu tham khảo