Cây Chè Vằng

Cây Chè Vằng

Cây Chè Vằng

  • Tên khoa học : Jasminum subtriplinerve Blume, 1850
  • Họ : Nhài - Oleaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG: Cây thuốc
  • Phân bố : Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh…
  • Nguồn ảnh : Internet

  • Cây Chè Vằng
    Tên khoa học: Jasminum subtriplinerve Blume, 1850
    Tên khác: Cây vằng, vằng là nhỏ, vằng sẻ, râm leo, râm ri, râm trắng, lài 3 gân.
    Họ: Nhài – Oleaceae

    1. Đặc điêm hình thái
    Cây bụi, có cành và thân vươn dài như dạng dây leo, vỏ nhẵn, màu xanh. Lá mọc đối, hình bầu dục – mũi mác, gốc tròn, đầu thuôn thành mũi nhọn, hai mặt nhẵn, gần như cùng màu, mặt trên bóng, 3 gân tỏa từ gốc, những lá gần cụm hoa nhỏ dần trông như những lá bắc.
    Cụm hoa mọc thành chùy ở đầu cành và kẽ lá. Hoa 7 – 9, màu trắng, thơm dễ chịu; lá bắc hình dùi; đài có ống ngắn, 8 – 10 thùy rất hẹp, nhọn; tràng có ống dài phình lên ở đầu, 8 – 10 cánh hoa hẹp; nhị đính ở họng tràng; bầu hình trứng.
    Quả mọng, màu đen khi chín.
    2. Đặc điểm sinh thái
    Chè vằng là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng khi còn nhỏ. Cây thường mọc lẫn trong các lùm bụi ở ven đồi, rừng thứ sinh, bờ nương rẫy hoặc quanh làng (vùng đồng bằng). Hàng năm, cây ra hoa nhiều vào tháng 3 – 4, quả chín vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu. Tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt và mọc chồi từ phần còn lại sau khi bị chặt.
    Thông tin khác về thực vật
    Chi Jasminum L. là một chi lớn, ở Việt Nam có tới 30 loài, 8 loài trong số đó được làm thuốc. Ngoại trừ cây hoa nhài, 7 loài còn lại đều thuộc nhóm cây bụi có cành vươn dài hoặc dây leo và đều có tên gọi chung là “vằng” hay “chè vằng”. Nhóm “chè vằng” có hình thái bên ngoài tương đối giống nhau, hoa màu trắng và có công dụng làm thuốc tương tự: Jasminum lanceolatum Roxb., J. multoflorum (Burm.f.) Andr., J. nervosum Lour., J. longisetum Gagnep…
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Phân bố rải rác khắp các vùng núi thấp và trung du; đôi khi thấy ở cả đồng bằng, chủ yếu từ Hà Tĩnh trở ra: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh…
    Thế giới:
    Trung Quốc (Nam Trung Quốc, Đảo Hải Nam), Lào…
    4. Bộ phận dùng, công dụng
    Bộ phận dùng:
    Toàn bộ phần cành mang lá, đôi khi lấy cả thân và cành không còn lá; phơi hay sấy khô.
    Thành phần hóa học:
    Lá chè vằng có các hợp chất alcaloid, flavonoid, nhựa…
    Công dụng:
    Chè vằng được sử dụng theo kinh nghiệm của nhân dân, làm thuốc điều hòa kinh nguyệt, viêm tử cung, với liều dùng 20 – 30 g / ngày, sắc uống. Phối hợp với các cây thuốc khác để chữa thấp khớp, làm trà uống ngày mồng 5 tháng 5 có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa.
    Ngoài ra, phụ nữ sau khi sinh cũng thường nấu lá chè vằng uống thay nước nhằm phục hồi sức khỏe.
    5. Kỹ thuật nhân giống và gieo trồng
    Chè vằng chưa được trồng, nhưng qua thực nghiệm có thể trồng bằng hạt cũng như từ các nhánh cây tách ra từ gốc, hoặc lấy phần gốc (còn rễ) sau khi đã thu hái dược liệu. Ngoài ra, cũng có thể gieo trồng từ hạt.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Cành mang lá thu vào mùa hè hay mùa thu. Băm nhỏ, rửa sạch, phơi hay sấy khô. Có nơi sao qua trước khi sắc uống.
    Bảo quản nơi khô ráo và mát.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học, thị trường và bảo tồn
    Chè vằng là cây thuốc nam thông thường, được sử dụng rộng rãi trong nhân dân, nhất là ở các tỉnh Miền Trung.
    Tại đảo Cù Lao Chàm, người dân thu hái từ một loài chè vằng khác sẵn có ở đây. Giá bán ra tại chỗ từ 50.000 đến 70.000 đồng / 1 bao nhỏ khoảng 10 kg khô.
    Nguồn chè vằng ở Việt Nam tương đối phong phú. Với cách thu hái chỉ cắt cành vẫn đảm bảo cho cây tiếp tục tái sinh.
    8. Tài liệu tham khảo