Cây Binh Vôi

Cây Binh Vôi

Cây Binh Vôi

  • Tên khoa học : Stephania sinica Diels, 1910
  • Họ : Tiết dê - Menispermaceae
  • Bộ : - Ranunculales
  • Nhóm loài cây LSNG: cây thuốc
  • Phân bố : Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng (Cát Bà), Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nội, Gia Lai
  • Nguồn ảnh : Internet

  • Cây bình vôi - Stephania sinica Diels, 1910
    Tên khác: 
    Dây mối trơn, củ một, cà tòm, củ bồng bềnh; cáy pầm (Tày); co cáy khẩu (Thái); tở lùng dòi (Dao); p’lồi (K’Ho); voon seed (Anh)
    Họ: Tiết dê (Menispermaceae)

    1. Đặc điểm hình thái

    Dây leo, sống nhiều năm, dài 2 - 6 m. Thân non nhẵn, khi già có nhiều bì khổng, hơi hóa gỗ, có khi xoắn vặn. Rễ củ to, vỏ ngoài xù xì, màu nâu xám. Lá mọc so le, có cuống dài, đính khoảng 1/3 vào trong phiến lá; phiến lá mỏng, gần hình tròn hoặc tam giác tròn, gốc bằng, đầu tù, mép hơi lượn sóng, hai mặt nhẵn, gân lá xuất phát từ chỗ đính của cuống lá, tỏa ra hình chân vịt, nổi rõ ở mặt dưới.
    Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc những cành già đã rụng lá thành xim tán. Hoa đực và hoa cái khác gốc; hoa đực có 5 – 6 lá đài, 3 – 4 cánh hoa màu vàng cam, 3 – 6 nhị, thường là 4; hoa cái có 1 lá đài, 2 cánh hoa; bầu hình trứng.
    Quả hạch, hình cầu, hơt dẹt, màu đỏ khi chín; hạt cứng, hình móng ngựa với những hàng vân ngang dạng gai, hai mặt bên lõm, ở giữa không có lỗ thủng.
    2. Đặc điểm Sinh thái
    Bình vôi là loại cây ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Cây thường mọc ở các kẽ đá, leo trùm lên các loại cây khác hoặc phủ lên đá, ở loại hình rừng ẩm trên núi đá vôi. Độ cao phân bố của loài S. sinica Diels thường từ vài chục đến vài trăm mét và chưa phát hiện thấy ở khoảng 1.000 m so với mặt biển.
    Bình vôi có hiện tượng rụng lá vào mùa đông, mọc lại vào mùa xuân và sau khi ra lá là có hoa. Mùa hoa quả tháng 4 – 8, cá biệt thấy quả chín vào tháng 10. Cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt và từ các phần khác còn lại sau khi bị cắt. Ngoài ra, từ củ bình vôi đem vùi 1/3 xuống đất hoặc chỉ cần đặt phần gốc tiếp xúc với đất ẩm cũng mọc thành cây mới.
    Thông tin khác về thực vật
    Thuộc chi Stephania Lour. ở Việt Nam hiện đã biết tới gần 15 loài, trong đó có khoảng 10 loài có rễ phình thành củ, nhìn hình thái bên ngoài chúng tương đối giống nhau, vì vậy có tên gọi chung là “bình vôi”: Stephania brachyandra Diels; S. cambodica Gagnep.; S. cepharantha Hayata; S. dielsiana Y. C. Wu; S. kwangsiensis H. S. Lo; S. pierrei Diels; S. rotunda Lour.; S. venosa (Blume) Spreng.v.v… Tất cả những loài này đều được dùng làm thuốc.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Trong số các loài bình vôi kể trên, có một số loài như S. sinica Diels, S. kwangsienssis H. S. Lo, S. rotunda Lour. thường mọc lẫn với nhau ở rừng núi đá vôi, tại các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng (Cát Bà), Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tây, Ngoài ra còn thấy có phân bố nhiều ở tỉnh Gia Lai…
    Thế giới:
    Trung Quốc, Lào.
    4. Giá trị sử dụng
    Thành phần hóa học:
    Trong củ các loài bình vôi nói chung thường có một số nhóm hoạt chất, trong đó thành phần chủ yếu là các alcaloid như: L-tetrahydropalmatin, stepharin, cycleanin, tuduranin, palmatin, dihydropalmatin, dicentrin …
    Công dụng:
    Trong y học cổ truyền dùng củ bình vôi thái lát phơi khô sắc uống có tác dụng an thần, chữa ho, sốt, lỵ, đau dạ dày … Liều dùng 3 – 6 g / ngày. Tuy nhiên, cách dùng này hiện nay ít được áp dụng, vì dễ bị ngộ độc (gây nôn) do có nhiều alcaloid.
    Bình vôi là nguyên liệu chiết alcaloid (L-tetrahydropalmatin hay còn gọi là rotundin) làm thuốc an thần, chữa mất ngủ. Thuốc được làm dưới dạng viên có tên là Rotunda, mỗi viên chứa 0.05 g L-tetrahydropalmatin clohydrat.
    Liều dùng mỗi lần 1 – 2 viên trước khi đi ngủ.
    5. Sản xuất giống và gieo trồng
    Ở Việt Nam hiện chưa có nơi nào trồng bình vôi theo hướng sản xuất, chỉ mới trồng trong phạm vi thí nghiệm hay trồng ở vườn mẫu.
    Nhìn chung tất cả các loài bình vôi đều có thể trồng từ hạt và từ đầu mầm củ, nghĩa là lát cắt khoảng 1/3 phần đầu của củ, các phần khác của củ không hoặc rất ít có khả năng nảy mầm.
    Hạt gieo lấy từ quả chín (tháng 7 – 8), ủ 2 – 3 ngày cho mềm, đãi bỏ phần thịt quả, chỉ lấy hạt chìm. Hạt thu được phơi trong bóng râm cho khô, gieo ngay hoặc để đến tháng 1 – 2 năm sau mới gieo. Hạt gieo ở vườn ươm có mái che, hoặc được che bóng bởi cây khác. Đối với loài S. brachyandra Diels và S. kwangsiensis H.S.Lo, gieo vào tháng 10, sau khoảng 3 tháng mới nảy mầm; tỷ lệ nảy mầm đạt khoảng 65 – 75%. Nếu gieo vào tháng 2 hoặc tháng 3, thời gian nảy mầm rút ngắn chỉ còn khoảng 1 tháng, nhưng tỷ lệ nảy mầm chỉ vào khoảng dưới 60%. Cây con một năm tuổi khi đem trồng đã trở thành dây leo nhỏ, dài trên 20 cm và hình thành củ ở gốc, dạng thuôn dài, đường kính 0,6 – 1,2 cm. Cây trồng sau 3 năm, đường kính củ đạt tới 7 – 10 cm, hiện chưa rõ về năng suất trồng.
    Bình vôi là loại dây leo, cây trồng cần có giá thể leo.
    6. Thu hoạch
    Khai thác củ vào mùa thu, khi quả đã chín. Hầu hết các loại bình vôi có củ mọc nổi trên mặt đất, nên việc đào bới không khó khăn. Nhưng đối với những loài ở núi đá vôi, khi khai thác cần cẩn thận, đề phòng tai nạn.
    Để đảm bảo cho cây tái sinh, chỉ khai thác những củ có đường kính trên 10 cm.
    Củ bình vôi tươi có thể để được trên 1 tháng, sau đó phải vận chuyển ngay về nơi sản xuất để chiết xuât alcaloid.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học, thị trường và bảo tồn
    Bình vôi là cây thuốc quý. Do nguồn nguyên liệu tương đối dồi dào nên giá thu mua rẻ. Tại nơi khai thác, giá mua vào 1.000 – 1.500 đ / kg tươi. Bởi vậy giá thuốc thành phẩm ở Việt Nam cũng rất rẻ (2.000 – 2.500 /1 vỉ 10 viên)
    Tuy nhiên, do phát động khai thác ồ ạt (từ năm 1992 đến nay), cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu biên giới, đã làm cho nguồn bình vôi ở các tỉnh miền núi phía Bắc mau cạn kiệt. Bên cạnh đó, ở Việt Nam còn có những loài được coi là quý hiếm, như: Stephania  brachyandra Diels có hàm lượng L-tetrahydropalmatin cao nhất trong số những loài đã biết (khoảng 2.3 – 3.5%), chỉ phân bố ở một số vùng núi cao trên 1.000 m. Hoặc loài Stephania cepharantha Hayta chứa hợp chất Cepharantin, có tác dụng làm thuốc chữa ung thư, mới chỉ phát hiện ở hai điểm tại Quảng Ninh và Hòa Bình … Những loài này đã được đưa vào Sách Đỏ và Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam để bảo vệ, do có mức bị đe dọa tuyệt chủng cao.
    Để khai thác lâu dài nguồn bình vôi ở Việt Nam, trước mắt chỉ nên khai thác hạn chế, với khối lượng vừa đủ cho nhu cầu sử dụng trong nước (ước tính 50 – 100 tấn / năm). Bên cạnh đó, cần hoàn tất việc nghiên cứu, phát triển trồng một số loài có hàm lượng hoạt chất cao như S. brachyandra Diels và S. kwangsiensis H. S. Lo, tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
    8. Tài liệu tham khảo