Cây Bảy Lá Một Hoa

Cây Bảy Lá Một Hoa

Cây Bảy Lá Một Hoa

  • Tên khoa học : Paris polyphylla Smith, 1819
  • Họ : Trọng lâu - Trilliaceae
  • Bộ : Bộ Hành - Liliales
  • Nhóm loài cây LSNG: cây thuốc
  • Phân bố : Sơn La (Mộc Châu); Hà Giang (Phó Bảng), Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia lai, Lâm Đồng, Khánh Hoà
  • Nguồn ảnh : Internet

  • Tên khoa học: Paris polyphylla Smith, 1819
    Tên đồng nghĩa:
    Paris kwangtungensis Miau, 1982 Daiswa polyphylla (Smith) Raf., 1883
    Tên khác: 
    Tảo hưu, thất diệp nhất chi hoa, cúa dô (H’Mông); parisette, herbe-paris (Pháp)
    Họ: 
    Trọng lâu - Trilliaceae


    1. Đặc điểm hình thái

    Cây thảo, sống nhiều năm, cao 0,5 – 0,7 m. Thân rễ to, mọc bò ngang, chia nhiều đốt, có những ngấn ngang và sẹo to. Thân khí sinh mọc đứng, không phân nhánh, màu lục hoặc tím tía, mang một tầng lá mọc vòng từ 7 đến 9 cái, thường là 7, có cuống dài, phiến lá hình thuôn hoặc mác thuôn, dài 15 – 25 cm, rộng 6 – 10 cm, đầu hơi nhọn, mép nguyên lượn sóng, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt hơn, 3 gân tỏa ra từ gốc lá, nhưng 2 gân bên men sát mép lá.
    Cụm hoa mọc đơn độc ở ngọn thân, cuống cụm hoa dài bằng hoặc ngắn hơn lá. Lá đài hình mác thuôn dạng lá, dài 4 – 6 cm. Cánh hoa hình sợi màu vàng, chiều dài bằng hoặc hơi ngắn hơn lá đài; nhị nhiều, mảnh, bao phấn màu vàng nâu; bầu màu tím đỏ có 3 ô.
    Quả mọng, hình tháp tròn, có cạnh, màu tím đen khi chín; hạt to màu vàng.
    2. Đặc điểm sinh thái
    Bảy lá một hoa (Paris polyphylla Smith) cũng như các loài khác cùng chi, nhìn chung có những đặc điểm sinh học gần giống nhau. Đó là những cây ưa ẩm, ưa bóng; thường mọc dưới tán rừng kín thường xanh. Độ cao phân bố từ 600 m (ở Miền Bắc) và từ 800 m trở lên (ở Miền Nam). Cây thường mọc trên đất ẩm, nhiều mùn, dọc theo các bờ khe suối hoặc hốc đá. Toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi hàng năm vào mùa đông; đến mùa xuân năm sau, từ thân rễ sẽ mọc lên 1 thân mang lá mới. Cây ra hoa quả hàng năm. Mùa hoa tháng 5 – 6; mùa quả tháng 6 – 10. Khi quả già tự mở cho hạt rơi xuống đất. Cây con mọc ra từ hạt quan sát thấy vào khoảng tháng 4 – 5.
    Cây có khả năng tái sinh tự nhiên từ phần đầu mầm thân rễ.
    Thông tin khác về thực vật
    Theo Nguyễn Thị Đỏ và Nguyễn Tiến Bân (2005), họ Trọng lâu (Trilliaceae) ở Việt Nam chỉ có 1 chi Paris với 6 – 7 loài. Xuất phát từ cách gọi tên loài Paris polyphylla của Trung Quốc, dịch ra tiếng Việt là “Bảy lá một hoa”. Các loài trong chi này ở Việt Nam có 6 – 9 lá, nên nhiều người cũng gọi chung là “Bảy lá một hoa”.
    Căn cứ vào hình dạng lá, tạm thời có thể chia thành 2 nhóm: nhóm có lá thuôn dài gồm các loài: Paris delavayi Franch.; P. polyphylla Smith và P. yunnanensis Franch.. Nhóm lá hình trứng hay hình mác tròn có các loài: P. hainanensis Merr.; P. chinensis Franch. và P. fargesii Franch..
    Tất cả các loài trên đều có công dụng làm thuốc như nhau.
    3. Phân bố
    Việt Nam:
    Sơn La (Mộc Châu); Hà Giang (Phó Bảng), Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia lai, Lâm Đồng, Khánh Hoà. Cả 5 loài còn lại cũng đều là những cây thuốc hiếm gặp ở Việt Nam.
    Thế giới:
    Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Mianmar (Nguyễn Thị Đỏ, 1995).
    4. Giá trị sử dụng
    Bộ phận dùng:
    Thân rễ (củ) dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
    Thành phần hóa học:
    Trong thân rễ chứa 7 – 9 % đường; 2 glucosid chủ yếu là a-paridin và a-paristyphnin.
    Công dụng:
    Bảy lá một hoa mới được sử dụng chủ yếu theo kinh nghiệm của nhân dân để làm thuốc chữa sốt cao, kinh giật (ở trẻ em), tiêu viêm mụn nhọt, giải độc khi bị rắn cắn… dưới dạng thuốc sắc uống 4 – 12 g dược liệu khô một ngày.
    Theo kinh nghiệm của nhân dân ở nhiều tỉnh phía Bắc, khi bị rắn cắn, sau khi ga rô, rửa vết thương (bằng cồn hoặc xà phòng) lấy củ tươi giã đắp.
    5. Sản xuất giống và  gieo trồng
    Hiện tại chưa được nghiên cứu trồng cụ thể, nhưng qua việc thu thập trồng với mục đích bảo tồn, cho thấy có thể trồng bằng đoạn đầu mầm thân rễ, vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân (khi cây đang tàn lụi, mới hình thành chồi ở đầu thân rễ). Ngoài ra, có thể trồng bằng cách gieo hạt, lấy từ các quả già (bắt đầu nứt theo 3 đường dọc) và gieo ngay trên đất ẩm.
    Chú ý: Các loài bảy lá một hoa đều ưa ẩm và ưa bóng, nên phải trồng trong vườn có mái che, hay dưới bóng các cây khác, ở vùng núi.
    6. Khai thác, chế biến và bảo quản
    Thân rễ (củ) thu vào mùa thu hay đầu mùa đông, khi quả đã già và cây sắp tàn lụi. Dùng dao cắt lấy phần thân rễ già, để chừa lại phần đầu mầm thân rễ (dài khoảng 4 – 5 cm) để cho cây tái sinh.
    Cắt bỏ hết rễ, rửa sạch, thái lát, phơi hay sấy khô. Dược liệu khô đóng gói trong túi nilon, để nơi thoáng mát, song vẫn phải thường xuyên kiểm tra vì dễ bị mốc.
    7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Các loài bảy lá một hoa chủ yếu được sử dụng trong phạm vi nhân dân để làm thuốc. Trong những năm 90 thế kỷ trước, cây thuốc này đã bị thu gom nhiều ở các tỉnh phía Bắc để bán qua biên giới.
    Giá thu gom ở Lào Cai và Lai Châu từ 5.000 đến 10.000 đ / kg củ tươi. Vốn là những cây thuốc hiếm, chúng đã trở nên càng hiếm gặp hơn ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Đặc biệt là các loài P. polyphylla, P. delavayiP. yunnanensis. Tất cả các loài bảy lá một hoa đều có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam. Cần chú ý bảo tồn tại chỗ một số loài: P. hainanensis ở VQG Tam Đảo và Khu BTTN Nà Hang; P. chinensis ở Khu BTTN Đắk Krông (Quảng Trị); P. fargesii P. yunnanensis ở VQG Hoàng Liên Sơn. Các loài khác cần điều tra thu thập bảo tồn chuyển vị.
    8. Tài liệu tham khảo