CHIÊU LIÊU NGHỆ

CHIÊU LIÊU NGHỆ

CHIÊU LIÊU NGHỆ

  • Tên khoa học : Terminalia triptera Stapf., 1895
  • Họ : Bàng - Combretaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG: thực phẩm
  • Phân bố : Đác Lắc, Lâm Đồng, Phú Khánh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Kiên Giang và An Giang

  • 1.1.1Hình thái

    Cây gỗ lớn, rụng lá một phần; cao 20-25m, đường kính 50-100cm; cây non và cao 1-2m thường có nhiều gai cứng dài 6-8cm, đế gai hình êlíp, dày 3-7mm. Sau gai rụng dần. Vỏ ngoài xám nhạt, có nhiều khoang trắng và đen, nhiều lỗ vỏ; thịt vỏ vàng như nghệ, hay như màu lòng đỏ trứng gà hoặc thịt đu đủ chín; có nhựa dính, dày 2,5-3,5cm. Cây phân cành sớm, thường ở độ cao 6-10m đã phân cành; cành non có lông màu đỏ hung, khi già nhẵn.
    Lá mọc đối hoặc gần đối, hình trứng hoặc hình mác, dài 5-12cm, rộng 2-4cm, phiến lá nhẵn màu xanh lục, khi khô bị đen từng mảng, gốc tròn hoặc tù, đầu nhọn, mép nguyên, lá non mỏng và mềm, lá già cứng, có 2 tuyến hình chén ở mép lá cách gốc 1-1,2cm; gân cấp hai 5 đôi, đầu gân chẻ hai ở gần mép lá; gân nhỏ hình mạng dày
    Cụm hoa hình chuỳ dài 5-9cm, ở nách lá gần đầu cành, trục cụm hoa có lông mịn, mang nhiều hoa nhỏ màu trắng vàng, mùi thơm nhẹ. Hoa có lá bắc dài 7mm, phủ lông ở mặt ngoài. Hoa mẫu 4, đài gồm 4 lá đài hình tam giác, dài 1mm có lông ở mặt trong; không có cánh hoa. Nhị 8, xếp thành 2 hàng, đính ở mép ống đài, bao phấn nhọn; triền tuyến mật tạo thành một vòng chia thuỳ, có lông. Bầu hạ, nhẵn, dài 1,5-2mm mang 2 noãn. Quả màu đỏ tím, có 3 cánh mỏng, dài 2,5cm, rộng 1,7-1,9cm, màu xanh tươi, khi khô bị đen từng mảng, mang 1 hạt dài 4-7mm

    1.1.2Phân bố

    Việt Nam:
    Cây chỉ phân bố tại các tỉnh từ Tây Nguyên trở vào như: Đác Lắc, Lâm Đồng, Phú Khánh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Kiên Giang và An Giang.
    Thế giới:
    Trung Quốc (đảo Hải Nam), Lào và Cămpuchia, Thái Lan, Malaysia.

    1.1.3Đặc điểm sinh học

    Cây mọc ở độ cao 200-700m so với mặt biển, tập trung nhiều ở 400-500m; thường gặp trên đất bazal vàng đỏ, đất feralit, phù sa cổ hoặc bồi tụ, nhiều mùn. Tại Đắc Lắc, cây mọc trong rừng thường xanh hoặc nơi rừng thường xanh tiếp giáp với rừng nửa rụng lá và rừng khộp. Tại các tỉnh khác, chiêu liêu nghệ thường mọc trong các rừng thường xanh ẩm; chúng tạo thành các ưu hợp chiêu liêu nghệ với các loài cây gỗ lớn khác như: cẩm lai, gụ mật, cà te, giáng hương, sao, sơn huyết, bằng lăng, lát lông. Chiêu liêu nghệ thường vượt lên chiếm tầng trên của rừng. Cây có khả năng tái sinh bằng hạt.
    Mùa hoa tháng 3-4; mùa quả tháng 5-6.

    1.1.4Công dụng

    Vỏ chiêu liêu chứa 35% cao khô, trong đó thành phần chủ yếu có thể là acid cachoutanin và phlobaphen. Theo Tạ Ngọc Liên vỏ cây chứa 2% tanin và 10% calci oxalat. Có thể dùng để nhuộm hoặc thuộc da.
    Cây cũng dùng làm thuốc. Ở các tỉnh miền Nam Việt Nam và Cămpuchia, vỏ chiêu liêu nghệ dùng làm thuốc chữa ỉa chảy và lỵ mãn tính. Có thể dùng dưới nhiều hình thức như: nước hãm (dùng bột vỏ cây phơi khô tán nhỏ); nước sắc, ngâm cồn hoặc chế biến thành si rô (cao vỏ + cồn 900). Xí nghiệp dược phẩm thành phố Hồ Chí Minh đã sản xuất dạng si rô vỏ chiêu liêu lấy tên là “ si rô Terminalia” dùng để chữa ỉa chảy và lỵ.
    Cây cho gỗ có dác lõi phân biệt, dác mỏng màu trắng vàng, lõi màu nâu nhạt, thớ mịn. Có thể dùng trong xây dựng, đóng đồ đạc, làm gỗ dán …

    1.1.5Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

    Tạo giống. Tháng 6 khi quả chín có mầu đỏ tím có thể thu hái trên cây hoặc nhặt quả rụng xuống đất để làm giống. Quả mang về nếu điều kiện thuận lợi có thể đem trồng ngay, nhưng tỷ lệ sống không cao. Tốt nhất là ngâm nước để tách lớp vỏ lấy hạt đem phơi và bảo quản tốt để dùng. Khi chuẩn bị gieo cần ngâm hạt trong nước lạnh 24-36 giờ. Sau đó vớt hạt, rửa chua và ủ trong cát ẩm. Khi hạt nẩy mầm, đem ươm trên luống hoặc trong bầu. Cây non cần giàn che khoảng 25% ánh sáng và luôn tưới để giữ ẩm.
    Kỹ thuật trồng và chăm sóc: Khi cây đạt chiều cao 30-50cm (10-12 tháng tuổi), có thể mang trồng. Hiện nay chưa đâu có kinh nghiệm trồng chiêu liêu nghệ thành rừng qui mô lớn. Chỉ mới trồng loài cây này trong vườn, quanh nhà hoặc dọc đường đi. Cần đào hố kích thước 40x40x40cm, trộn lẫn 5-10kg phân chuồng hoai, để khoảng 20 ngày rồi mới trồng.
    Thời vụ trồng tốt nhất là vào đầu hoặc giữa mùa mưa để đất có độ ẩm cao, cây dễ sống.

    1.1.6Khai thác, chế biến và bảo quản

    Chưa có qui trình khai thác vỏ chiêu liêu nghệ, Thường kết hợp khi thu gỗ thì tiến hành bóc vỏ thân và cành lớn để bán cho các công ty dược hoặc để chiết xuất tanin.

    1.1.7Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn

     Chiêu liêu nghệ chủ yếu là cây lấy gỗ, mới được dùng vỏ để chiết xuất tanin và làm thuốc với khối lượng nhỏ. Nhưng cây có khả năng tái sinh tốt và thường mọc thành các quần thể ưu thế; vì vậy cần nghiên cứu sử dụng toàn diện và hợp lý, tận dụng vỏ của loài cây này làm nguồn khai thác tanin và chế biến dược liệu.
    Hiện nay, trong vùng phân bố tập trung, chiêu liêu nghệ đang bị khai thác cạn kiệt, không chú ý đến tái sinh và sử dụng lâu dài. Cần nhanh chóng giữ lại một số khu rừng có chiêu liêu nghệ ưu thế ở tỉnh Đác Lắc để bảo vệ chúng và tạo nguồn giống trồng rừng khi muốn phát triển loài cây LSNG này.