CHÀM MÈO

CHÀM MÈO

CHÀM MÈO

  • Tên khoa học : Strobilanthes cusia (Nees.) O.Kuntze, 1891
  • Họ : Ô Rô - Acanthaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG: thực phẩm
  • Phân bố : Cây phân bố khá phổ biến tại các tỉnh thuộc miền Bắc: Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn (Đồng Đăng, Cai Kinh, Bắc Sơn, Hữu Lũng), Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Cạn, Hà Tây... Từ khu 4 trở

  • 1.1.1Hình thái

    Cây thảo nhỏ, sống lâu năm, cao 40-80cm. Cành phân nhánh nhiều, nhẵn; phình lên ở các mấu. Lá mọc đối, hình bầu dục hay hình trứng, gốc thuôn, đầu nhọn, mép khía răng tròn.
    Cụm hoa mọc ở kẽ lá, hình bông thưa; lá bắc hình lá, những lá phía trên nhỏ hơn và không cuống. Hoa mọc so le hay mọc đối, màu lam tím hay tím hồng. Lá đài hình chỉ; tràng hoa hình trụ ngắn, hơi cong, hẹp ở phần dưới, phía trên loe ra và xẻ 5 thuỳ hình trứng; đầu cánh hoa nhăn nheo; nhị 4, 2 dài, 2 ngắn; bao phấn kéo dài, bầu nhẵn. Quả nang nhẵn, hẹp dài.

    1.1.2Phân bố

    Việt Nam:
    Cây phân bố khá phổ biến tại các tỉnh thuộc miền Bắc: Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn (Đồng Đăng, Cai Kinh, Bắc Sơn, Hữu Lũng), Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Cạn, Hà Tây... Từ khu 4 trở vào mới gặp loài này ở Thanh Hoá và Bình Định (Vĩnh Thạnh).
    Thế giới:
    Chàm mèo phân bố ở vùng Đông Dương, chủ yếu là Lào.

    1.1.3Đặc điểm sinh học

     Cây vừa gặp trong trạng thái tự nhiên, vừa được trồng. Qua điều tra cho thấy hiện nay chàm mèo chủ yếu ở dạng trồng trọt; ít gặp trong trạng thái tự nhiên như trước đây; có lẽ do các sinh cảnh thích hợp của loài như: ven suối, chân núi có rừng ẩm... đã bị tàn phá nhiều.
    Cây ưa ẩm và ưa bóng, thường mọc ở kiểu rừng nhiệt đới và á nhiệt đới thường xanh lá rộng mưa mùa, nơi đất ẩm ven sông suối, chân núi, bờ khe, dưới bóng của nhiều cây gỗ hoặc cây bụi khác. Cây phân bố từ 500-1.600m. Chịu được lạnh và suơng muối trong mùa đông. Trước đây khi nghề nhuộm chàm còn thông dụng, chàm mèo được đồng bào ít người vùng cao như H’Mông, Dao... mang về trồng trên nương rãy hoặc bờ khe, bờ suối gần nhà. Ở đồng bằng, cây chỉ sinh trưởng trong vụ xuân - hè; đến vụ thu - đông cây bắt đầu tàn lụi rồi bị chết.
    Hiện nay cây chàm mèo mọc trong tự nhiên và trong trồng trọt đã ít dần vì người dân không còn dùng chúng để nhuộm nữa, họ đã chuyển sang dùng vải và quần áo may sẵn bán rất phổ biến trên thị trường.
    Mùa hoa quả tháng 11 đến tháng 2 năm sau; tập trung nhiều vào tháng 11, 12.

    1.1.4Công dụng

    Chàm mèo được dùng để nhuộm màu vải và quần áo màu chàm của các dân tộc ít người sống ở vùng núi.
    Cây cũng có tác dụng làm thuốc. Bằng phương pháp chế biến đặc biệt, cây chàm mèo cho bột chàm (hay thanh đại) có màu xanh lam, vị đắng nhạt, tính mát. Loại bột này có tác dụng thanh nhiệt, tán uất, giải độc, trị nhiệt độc, sưng lở. Chàm mèo dùng để chữa trẻ em kinh sợ, cam, nhiệt sốt, sốt phát cuồng, viêm hạnh nhân, nôn mửa, thổ huyết. Dùng cả cây chàm nấu cao đặc bôi chữa chàm chốc, viêm lợi chảy máu, mồm miệng lở loét, rắn độc và sâu bọ cắn. Viên thanh đại do Viện Dược liệu bào chế từ cao khô lá chàm mèo được dùng để chữa cho các bệnh nhân bị rong kinh, 71% bệnh nhân đã khỏi bệnh. Theo tài liệu nước ngoài, lá chàm mèo có tác dụng làm săn và lợi tiểu và làm tiêu sỏi đường tiết niệu. Người Malaysia đắp lá chàm mèo để trị bệnh sốt rét. Ở Nhật Bản, chàm mèo được dùng để chữa bệnh nhiễm nấm ở bề mặt da chân (tinea pedis), đặc biệt ở giữa các ngón chân và trên bàn chân.
    Lá chàm mèo chứa 0,4-1,3 indican (1H indol-3y1-a-D glugopyranosid). Khi thuỷ phân Indican cho indoxyl và glucose. Khi bị oxy hoá indoxyl cho Indogotin. Indogotin có màu xanh lam sẫm, ánh tía, thăng hoa ở 2900C cho các tinh thể hình kim xanh lam. Indogotin không tan trong acid acetic, phenol, nước, cồn và ether; ít tan trong dầu thông và dầu béo.
    Toàn cây chứa lupeol, berulin, lupenon, indigo, indirubin, 4(3H)-quinazolinon. Indi- rubin ức chế sự phát triển các tế bào leukemia, còn 4(3H) – quinazolinon có tác dụng hạ áp.

    1.1.5Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

    Cây được nhân giống chủ yếu bằng con đường vô tính. Vào mùa xuân (tháng 2-3), người trồng chọn các cành bánh tẻ, chặt thành đoạn 3-4 đốt để làm giống ươm. Luống ươm cần bố trí ở nơi cao ráo, thoát nước. Sau khi cày, bừa, để ải, nhặt sạch cỏ cần bón phân. Dùng 10-15 tấn phân chuồng mục, 100-150kg lân, 50-75kg kali để bón lót cho mỗi hecta. Phân lót có thể trộn đều với đất trước khi lên luống hoặc bón theo rạch khi đã lên luống. Luống cao 25-30cm, rộng 80cm. Rạch được xẻ ngang hoặc dọc theo luống. Rạch nọ cách rạch kia 40cm, sâu 15-17cm. Cành giống được đặt xiên trong rạch; cách nhau 25-30cm. Sau đó lấp đất để lộ 1-2 đôi lá trên mặt đất và tưới ẩm thường xuyên. Sau 10-15 ngày, cành giâm bắt đầu ra rễ. Sau 4-6 tháng có thể mang trồng
    Trồng chàm mèo ở các nương rãy đã bỏ hoá, ven chân núi hoặc ven sông suối nơi rừng đã bị mở tán mạnh, ở độ cao 600-1.500m. Cây ưa đất ẩm, thoát nước nhiều mùn. Đồng bào thường trồng chàm mèo ở các thung lũng, khe suối, bìa rừng hoặc xung quanh nhà. Sau khi trồng, cây phát triển rất nhanh, sau 2-3 tháng đã phủ kín mặt đất. Việc làm cỏ chỉ cần tiến hành trước khi trồng và sau khi thu hoạch. Cây chàm mèo rất khoẻ, ít khi thấy sâu bệnh.

    1.1.6Khai thác, chế biến và bảo quản

    Sau khi trồng 3-4 tháng là có thể thu hoạch. Lứa đầu chỉ nên hái lá gốc và lá bánh tẻ, những lứa sau có thể cắt cả đoạn ngọn mang lá dài 20-25cm. Mỗi năm có thể thu 2-3 lứa. Sau mỗi lứa cắt, cần làm sạch cỏ, bón phân, cắt bớt những đoạn thân quá dài để cây tái sinh chồi mạnh. Sau đợt thu hoạch cuối cùng trong năm, có thể đốn gần sát đất, chỉ để lại một đoạn gốc dài 20-30cm và dùng rơm, rác phủ lên để cây qua đông.
    Đồng bào dân tộc Dao ở thôn Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lao Cai có kinh nghiệm chế biến bột chàm như sau: Trước mùa thu hoạch, chọn một vị trí thích hợp ở gần sườn đồi, có độ dốc vừa phải, gần nguồn nước sạch, sau đó đào một hố hình trụ sâu 2m, rộng 2m (dung tích khoảng 6m3). Dùng vôi tôi trát xung quanh và đáy hố với bề dày 3-5cm. Mỗi hố có thể chứa khoảng 5 tạ cành, lá chàm tươi. Việc chọn vôi trát bể rất cầu kỳ; người ta phải chọn loại đá vôi xanh có vân trắng hoặc đỏ; sau đó dùng củi nung đá thành vôi. Vôi được tôi cho ngấu và phải đảm bảo độ trắng, dẻo thì chất lượng bột chàm mới tốt. Đến mùa thu hoạch chàm, người ta phải cắt cành, sau đó cho nguyên liệu vào hố; đổ đầy nước; ngâm trong khoảng thời gian khoảng 2 đêm, 1 ngày. Thỉnh thoảng dùng sào tre khuấy đều nhằm thúc đẩy sự lên men của lá chàm. Bột chàm đọng ở phía dưới, xả bớt lượng nước trong ở phía trên, còn phần dịch chàm cho chảy sang hố khác để làm khô. Ở thành của hố ngâm chàm (bể ngâm men) có 2-6 lỗ thông với bên ngoài. Khi ngâm chú ý lỗ phía trên cách thành bể khoảng 5cm, dùng để xả nước. Lỗ thứ 2 nằm gần đáy bể và thông với hố có dịch chàm. Đường dẫn dịch chiết thường được làm bằng tre, nứa. Hố cô dịch chàm (bể cô) được đào nông nhưng lại rộng để tăng sự thoát hơi nước.; đáy và xung quanh bể cô thường quây bằng tre nứa và lót lá bên trong để đất cát khỏi lẫn vào bột chàm. Mặt khác nước sẽ thấm từ từ qua lớp lá và ngấm dần vào đất cho bột chàm mau khô. Bột chàm sẽ được lưu trong bể đến khi khô và có thể cắt thành miếng nhỏ đem dùng.
    Người dân ở các nước Đông Nam Á thường chế biến bột chàm theo các phương pháp khác nhau như: sau khi thu cành và lá về cần phơi khô hoặc có thể chế bột chàm hay “thanh đại” theo cách sau: Cây tươi hoặc chỉ lấy lá, bỏ cành, hái về cho ngay vào thùng gỗ hay bể xây bằng gạch. Đổ nước sạch vào ngâm cho lên men. Mùa nóng thường ngâm 2-3 ngày, nếu thời tiết mát phải ngâm 5-6 ngày. Nhưng thường ủ men ở nhiệt độ 300C trong khoảng thời gian 12 giờ. Sau đó gạn lấy nước và lọc qua sàng để loại bỏ cọng lá. Đổ vôi cục vào để kiểm hoá dịch, lọc (8-10kg vôi cho 100kg lá chàm). Dùng que khuấy liên tục trong 4-6 giờ để gây oxy hoá. Dung dịch sẽ nổi bọt và ngả màu xanh lam. Có thể dùng phèn để kết tủa bột chàm. Bột chàm được vớt ra, ép hết nước, cắt thành từng lát mỏng rồi phơi ở chỗ mát cho đến khô. Trong khi phơi, vật phẩm có thể có mùi ammôniăc và mốc. Khi dùng cạo bỏ lớp mốc. Tuỳ theo cách chế biến, bột chàm có độ tinh khiết khác nhau. Chất lượng của bột chàm được xác định bằng cách định lượng Indigotin. Bột tốt phải chứa 60-70% Indigotin.
    Kinh nghiệm nhuộm vải: Người Dao hay người H’Mông ở tỉnh Lao Cai dùng bột chàm để nhuộm vải. Quần áo muốn nhuộm cho vào một thùng gỗ lớn có chiều cao khoảng 1,2m và đường kính 0,6-0,8m, cho nước sạch và bột chàm vào ngâm; thỉnh thoảng lại khuấy cho vải ngấm màu đều. Ban ngày lấy vải ra phơi, đêm lại cho vào thùng ngâm tiếp. Làm như vậy nhiều lần đến khi vải có màu đạt yêu cầu thì thôi.

    1.1.7Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn

    Chàm là loài cây đa tác dụng, vừa dùng để nhuộm, lại vừa dùng làm thuốc. Cần nghiên cứu để khôi phục lại nghề nhuộm chàm cổ truyền hiện đang bị mai một. Việc dùng chàm để nhuộm hàng dệt thổ cẩm là một nét văn hoá độc đáo của các dân tộc miền núi nước ta.