Cây củ Mài
Cây củ Mài
CỦ MÀI
Tên khoa học: Dioscorea persimilis Prain et Burkill, 1908Tên đồng nghĩa: Dioscorea oppositifolia Lour., 1790
Tên khác: Khoai mài, sơn dược, hoài sơn (tên thuốc), mằn chèn (Tày), mán địu, co mằn kép (Thái), mằn ôn (Nùng), hìa dòi (Dao), gờ lờn (K’Dong)
Họ: Củ mài – Dioscoreaceae
1. Đặc điểm hình thái
Dây leo, dài hàng mét. Rễ củ mập, hình trụ, hơi dẹt, dài 30 – 50 cm, có thể đến 1 m, thuôn dần về phía đầu. Vỏ ngoài màu nâu nhạt, thịt màu trắng. Thân nhẵn, hơi có cạnh, màu lục nhạt hoặc đỏ tía, thường mang những củ ngắn, nhỏ ở kẽ lá gọi là dái mài. Lá mọc so le hay mọc đối, có cuống dài 1,5 – 3,5 cm, hình tim, dài 8 – 10 cm, rộng 6 – 8 cm, đầu nhọn, gân lá 5 – 7, tỏa ra từ gốc, hai mặt nhẵn.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm nhiều hoa nhỏ, màu vàng. Hoa đơn tính khác gốc, bao hoa có 6 phiến dài bằng nhau; nhị 6; cụm hoa đực dài 40 cm, cụm hoa cái cong, dài 20 cm.
Quả nang có 3 cánh; hạt có cánh mỏng, màu nâu xỉn.
2. Đặc điểm sinh học
Cây ưa sáng, thường leo trùm lên các loài cây bụi và dây leo khác. Cây có thể chịu được hạn, do có phần củ nằm sâu dưới mặt đất. Củ mài ưa mọc trên các loại đất tơi xốp, dễ thấm nước, như đất feralit đỏ - vàng, vàng – đỏ trên núi hoặc loại đất đỏ bazan ở vùng rừng núi phía tây Quảng Bình và Tây Nguyên.
Củ mài là cây mọc nhanh, phần thân leo thường tàn lụi vào mùa đồng hay mùa khô ở Miền Nam. Cây có hoa đơn tính khác gốc; thụ phấn chủ yếu nhờ gió và côn trùng. Tái sinh tự nhiên bằng hạt. Ngoài ra, cây còn có khả năng tái sinh vô tính bởi các truyền thể (dái mài, thiên hoài) hoặc phần đầu củ.
Thông tin khác về thực vật
Củ mài là tên gọi chung một số loài Dioscorea mọc hoang dại, có củ ăn được và cũng được dùng làm thuốc, như: Dioscorea persimilis, D. glabra, D. japonica,...
3. Phân bố
Việt Nam:
Loài củ mài kể trên phân bố rải rác khắp các tỉnh miền núi, ở Miền Bắc cũng như ở Miền Nam. Tuy nhiên, hiện nay một số tỉnh có nhiều củ mài phải kể đến: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam…
Thế giới:
Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc.
4. Bộ phận dùng và công dụng
Bộ phận dùng:
Củ đã loại bỏ vỏ, phơi hay sấy khô. Tên dược liệu (vị thuốc) gọi là “hoài sơn”.
Thành phần hóa học:
Củ mài chứa 63,25% tinh bột, 0,45% chất béo, 6,75% chất đạm. Ngoài ra, còn chứa mucin, 1 loại protein nhớt, allantoin, các acid amin như arginin, cholin, các men oxy hóa và nhiều nguyên tố vi lượng.
Công dụng:
Hoài sơn được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền, làm thuốc bổ; chữa tỳ vị suy nhược, khó tiêu; còn dùng trong trường hợp chữa viêm ruột, viêm dạ dày, ỉa chảy, tiểu đường và bị di tinh.
Liều dùng 10 – 20 g một ngày và thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác, sắc uống.
5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
Củ mài được trồng hiện nay có nguồn gốc từ cây mọc tự nhiên, nhưng đã qua quá trình chọn giống và thuần hóa.
Giống để trồng:
Được cắt từ phần đầu của củ (các phần khác của củ không có khả năng nảy mầm) và các “dái mài” (các củ nhỏ mọc ra từ nách lá của thân leo).
Thời vụ trồng:
Tháng 2 – 3 (sau Tết âm lịch).
Đất trồng:
Ruộng cao hay nương rẫy, được cày bừa kỹ, lên luống cao 50 – 60 cm, bề ngang 50 – 60 cm; mỗi luống trồng 1 hàng, cự ly giữa các khóm 70 – 80 cm.
Cách trồng:
Cuốc hố sâu 30 cm; bón lót phân chuồng mục và tro bếp (khoảng 10 – 15 tấn / ha). Mỗi hố đặt 1 – 2 mầm giống, lấp chặt đất; phủ rơm rạ; tưới nước; sau khoảng 20 ngày nảy mầm.
Chăm sóc:
Chủ yếu làm cỏ và vun gốc, sau khi nảy mầm cần cắm giá thể cho cây leo.
Cây trồng sau 11 – 12 tháng cho thu hoạch. Năng suất khoảng 5 tấn củ một hecta.
6. Khai thác, chế biến và bảo quản
Hiện nay, ở Việt Nam, vị thuốc hoài sơn vừa được khai thác trong tự nhiên, vừa do trồng trọt.
Về mùa đông hay đầu mùa xuân, khi cây tàn lụi thì khai thác. Đào rộng và sâu, cố gắng giữ nguyên cả củ. Đem rửa sạch đất, gọt bỏ vỏ, cắt thành đoạn dài 20 cm; ngâm nước phèn chua 12 giờ để loại chất nhớt (10 g phèn trong 1 lít nước lã); sau đó vớt ra, rửa lại bằng nước sạch, để ráo, sấy bằng diêm sinh 3 lần (2 kg diêm sinh cho 100 g củ mài) cho đến khô.
Bảo quản nơi khô ráo.
7. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
Củ mài là cây có giá trị kinh tế cao. Nếu là cây trồng, giá trị đem lại cao hơn trồng lúa và ngô từ 1,5 đến 2 lần. Ngoài giá trị làm thuốc, củ mài còn là nguồn cung cấp tinh bột có giá trị bổ dưỡng cao.
Việt Nam có nguồn củ mài mọc tự nhiên khá phong phú. Do khó khai thác nên những năm gần đây ít thu mua, thay vào đó là từ trồng trọt hoặc nhập khẩu.
Tuy nhiên, cần có kế hoạch để thu thập tất cả các loài thuộc họ Củ mài (Dioscoreaceae) hiện có ở Việt Nam để trồng phục vụ cho mục đích nghiên cứu và bảo tồn.
Hiện nay, Trung Quốc đã nghiên cứu thành công các mô hình trồng củ mài với củ nằm ngang mặt đất, năng suất rất cao và dễ thu hoạch. Cần nghiên cứu để áp dụng ở Việt Nam.