LÁ DIỄN

LÁ DIỄN

LÁ DIỄN

  • Tên khoa học : Peristrophe bivalvis (L.)Merr., 1917
  • Họ : Ô Rô - Acanthaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG: thuốc nhuộm
  • Phân bố :

  • 1.1.1Hình thái

    Cây thảo nhiều năm, mọc xum xuê, thường phân rất nhiều cành; cao 0,5-1m, rất ít khi cao đến  1,5m. Thân gần hình vuông, có rãnh dọc, thường phồng lên ở đốt, có lông, đặc biệt là các phần non phía trên hoặc nhẵn. Lá đơn mọc đối, hình bầu dục, hình ngọn giáo hoặc hình trứng, dài 7-15cm, rộng 2,5-7,5cm; gốc thuôn hình nêm hay tròn, đầu hơi nhọn; mép nguyên hoặc gợn sóng nhẹ; chất lá mềm, mặt trên nhẵn hoặc có lông thưa, mặt dưới có lông. Cuống lá dài 0,5-3cm.
    Cụm hoa hình xim mọc ở nách các lá phía trên; gồm 1-4 lá bắc họp thành tổng bao; mang 2-6 hoa và 2 lá bắc lớn không đều nhau, lá bắc con hình tam giác nhọn, nhỏ hơn lá đài. Hoa màu đỏ tím, hồng hoặc trắng; đài 5 răng đều, dính nhau ở nửa dưới, có lông hoặc lông tuyến; tràng hình ống hẹp, vặn hay phình to ở dưới, dài 3,5-5cm, đầu chia 2 môi, môi dưới hơi khía 3 thuỳ; nhị 2 đính gần đỉnh ống tràng, chỉ nhị dài, thò ra ngoài; bầu 2 ô.
    Quả nang hình bầu dục, dài 1,5-2cm, có lông, mở thành 2 van, mỗi van mang 2 hạt tròn, hơi dẹt.

    1.1.2Các thông tin khác về thực vật

    Ở Việt Nam, chi Lá diễn (Peristrophe Nees.) có khoảng 4 loài, trong đó có 2 loài được dùng làm thuốc nhuộm thực phẩm:
    1. Lá diễn hay lá cẩm (Peristrophe bivalvi s (L.) Merr.)
    2. Kim long nhuộm (P. montana (Wall.) Nees., syn. Ruellia montana Wall.). Cây thảo, được trồng ở Nam Bộ làm thuốc nhuộm.
    3. Lá diễn hoa chuỳ hay cẩm hoa chuỳ (P. paniculata Brumit.). Cây thảo, dùng làm phân xanh.
    4. Cẩm mác (P. lanceolaria Nees). Cây thảo mọc bò, dùng làm phân xanh.
    Đồng bào Nùng phân biệt 2 loại lá diễn:
    • Lá diễn đỏ - Chằm thủ. Theo tiếng Nùng, chằm là nhuộm, thủ là đũa. Chằm thủ là cây nhuộm đũa. Người Nùng dùng cây lá diễn để nhuộm đũa cho đẹp và không bị mốc. Loại lá diễn đỏ có rất nhiều lông, đặc biệt ở thân và lá non.
    • Lá diễn tím hay Chằm lai. Theo tiếng Nùng, lai có nghĩa là hoa. Lá diễn tím khác với lá diễn đỏ ở chỗ mặt trên có hoa văn hay vân trắng; lá hình tim, xanh nhạt và mỏng. Xôi nhuộm bằng dịch chiết nước nóng của cây này cho màu tím huế rất đẹp.
    Cần phải nghiên cứu thêm về mặt phân loại học để xác định đây là 2 thứ, 2 dạng của 1 loài hay 2 loài khác nhau.

    1.1.3Phân bố

    Việt Nam:
    Cây phân bố rộng, có thể gặp ở hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc bao gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La... Để tiện sử dụng, nhiều gia đình đã mang cây về trồng trên nương dãy, trong vườn nhà.... Nhiều gia đình ở vùng đồng bằng Sông Hồng trước đây cũng trồng là lá diễn này.
    Thế giới:
    Trung Quốc, Đài Loan, Philippin, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka. Cây được trồng ở một số nước; nhiều nơi cây đã hoang dại hoá trở lại.

    1.1.4Đặc điểm sinh học

    Cây ưa ẩm và ưa sáng, thường mọc ven chân núi đá vôi hoặc núi đất có độ ẩm cao, từ ngang mặt biển đến độ cao trên 1.500-1.600. Ở các vùng có người Mông sinh sống cũng thường gặp loài này. Chúng phân bố nhiều trong các thung lũng, ven sông suối. Cây sinh trưởng gần như quanh năm, có quả vào đầu mùa hè hoặc cuối mùa thu. Quả thường nhiều hạt, khi chín, khô, tự tách thành 2 mảnh để hạt thoát ra ngoài. Cây sinh chồi rất khoẻ, khi đổ cây rạp trên mặt đất, từ các đốt có thể ra rễ và mọc thành cây mới. Cành cắt rời từ thân cũng dễ nảy chồi.
    Mùa hoa tháng 1-3.

    1.1.5Công dụng

    Lá và cành non cho màu đỏ - tím hay đỏ - da cam. Ở Việt Nam, chất màu lấy từ lá dùng nhuộm thực phẩm như nhuộm màu đỏ tím cho xôi nếp. Để có được các màu từ tím đến tím hồng hoặc hồng nhạt người ta thường dùng nước tro bếp hay nước vôi trong để điều tiết.
    Ở Indonesia người ta lại thường dùng lá diễn nhuộm vải và sợi. Khi dùng thường pha trộn với các thuốc nhuộm khác lấy từ vỏ rễ cây nhàu (Morinda citrifolia), lá cây dung (Symplocos sp.), lá cây mua (Melastoma sp.) và vỏ cây dà (Ceriops sp.).
    Lá diễn còn được dùng làm thuốc; cây có vị ngọt, tính mát có tác dụng thanh phế, chỉ khái, tán ư chỉ huyết; được dùng trong y học cổ truyền để chữa ho thường, ho nhiều đờm, ho và nôn ra máu, vết thương sưng bầm tím. Liều dùng ngày 30-60g cây tươi hoặc 15-30g cây khô sắc nước uống. Dùng ngoài chữa vết thương với liều thích hợp, giã nát, đắp lên chỗ đau. Ở Trung Quốc, lá diễn có tên là “quan âm thảo”, cũng được dùng làm thuốc chữa các bệnh: viêm họng, nhiễm trùng đường tiết niệu, lao hạch, mụn nhọt. Dùng lá diễn sắc uống (9-15g) hoặc giã đắp.

    1.1.6Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

    Cây có thể trồng bằng đoạn thân hoặc bằng hạt. Thường dùng các đoạn thân hay cành để trồng, vì chúng phát triển nhanh và mạnh hơn nhiều so với trồng bằng hạt. Hom giống lấy từ các thân hoặc cành của cây lá diễn phát triển tốt. Hom giống sẽ ra rễ sau khi giâm 3-4 tuần trong điều kiện các luống vườn ươm được chuẩn bị tốt và đủ độ ẩm khi ươm cây.
    Cây con phát triển rất nhanh; sau 3-4 tháng đã phải tỉa bớt cành. Các cành tươi hay khô sau khi thu hái có thể dùng để nhuộm.
    Nhân dân miền núi hay đồng bằng thường ngắt các thân hay cành lá diễn mọc hoang mang về trồng trong vườn nhà. Thường họ trồng dưới tán cấc cây ăn quả, ven bờ nước (ao, hồ, sông, suối, giếng...) hoặc quanh hàng rào. Cây phát triển thành các bụi lớn rất nhanh; và thường phải đốn tỉa bớt để không ảnh hưởng đến các cây nông nghiệp mọc gần.

    1.1.7Khai thác, chế biến và bảo quản

    Lá diễn có thể thu hái quanh năm, nhưng thường chỉ được cư dân một số địa phương sử dụng để nhuộm xôi trong các ngày lễ tết; đặc biệt là ngày Tết mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Thường mỗi dân tộc có cách chế biến và tạo nên các màu khác nhau từ cây lá diễn. Người H’Mông chỉ dùng màu tím huế; người Nùng biết cho các chất phụ gia để có xôi nhiều màu như: xanh da trời, xanh cổ vịt, tím huế, tím đen, hồng...
    Muốn nhuộm màu, trước hết cần ngắt các cành lá tươi, cho vào nồi, đổ nước sâm sấp rồi đun sôi khoảng 20-30 phút; chắt lấy nước để nguội rồi cho gạo nếp đã vo sẵn vào ngâm qua đêm. khoảng 6-8 giờ. Sau đó vớt gạo ra và đãi bằng nước lã rồi đem đồ xôi. Xôi nhuộm bằng lá diễn đỏ có màu đỏ tươi, đẹp như màu xôi gấc. Một nắm lá có thể nhuộm được 1-2kg gạo. Nếu nhuộm bằng lá cây lá diễn tím, xôi sẽ có màu tím huế rất đẹp (tím có ánh hồng).

    1.1.8Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn

    Cây lá diễn được dùng rất phổ biến tại các vùng đồng bào ít người ở miền núi. Đây là loại thuốc nhuộm thực phẩm không những không độc hại, mà còn có giá trị làm thuốc tốt. Cần bảo tồn và phát triển các kiến thức bản địa rất phong phú về cây lá diễn. Nên nghiên cứu lá diễn để nhuộm màu các loại thực phẩm khác, thay thế các thuốc nhuộm thực phẩm có nguồn gốc công nghiệp, dễ gây độc với con người.