PHÈN ĐEN

PHÈN ĐEN

PHÈN ĐEN

  • Tên khoa học : Phyllanthus reticulatus Poiret, 1804
  • Họ : Thầu dầu - Euphorbiaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG: thuốc nhuộm, thuốc
  • Phân bố :

  • 1.1.1Hình thái

    Cây bụi leo hay trườn, đôi khi là cây gỗ nhỏ dạng bụi, cao tới 5m (ở châu Phi có thể cao đến 18m), đường kính trung bình 5-6cm, có thể tới 15cm; vỏ nhám, màu nâu hoặc xám, các cành nhỏ mảnh, mềm, màu đen - nâu nhạt.
    á có nhiều hình dạng: hình vẩy xếp xoắn trên các chồi thẳng hướng; các chồi khác lá phát triển bình thường, mọc so le, xếp thành 2 dãy, phiến mỏng hình trái xoan, bầu dục hoặc trứng ngược, mép nguyên; 2 mặt nhẵn; gần như cùng màu hoặc mặt trên sẫm hơn; kích thước 1-3(-5)x0,5-2(-2,5)cm; gốc nhọn hay hình nêm, đầu tù hay hơi nhọn hoặc hơi lõm; cuống lá ngắn 1-2mm; lá kèm hình tam giác hẹp.
    Hoa tạo thành các bó ít hoa (2-3) hay đơn độc ở nách lá; hoa đơn tính cùng gốc; thường 1 hoa đực mọc cùng vài hoa cái; đôi khi cùng sắp xếp trên một chồi không mang lá; khi đó trông giống như một cụm hoa chùm, với 5-6 thuỳ bao hoa và 5-6 triền tuyến mật. Hoa đực có 5 lá đài, 5(-6) nhị, 3 cái dính nhau và 2 cái rời. Hoa cái có đài giống hoa đực, nhưng to hơn, bầu trên, gần hình cầu, 6-12 ô, mỗi ô 2 noãn.; đỉnh bầu có vòi nhuỵ chia 2 thuỳ.
    Quả mọng, hình cầu hơi dẹt, đường kính tới 7mm, khi chín màu đen - xanh nhạt với thịt quả màu đen - hồng nhạt. mang 6 hoặc nhiều hạt gần hình tam giác, màu nâu nhạt hoặc đen nhạt.

    1.1.2Các thông tin khác về thực vật

    Ở Việt Nam nhiều người thường nhầm lẫn cây phèn đen với cây bỏng nổ (Fluggea microcarpa), trong cùng họ. Chúng thường mọc ở nơi có điều kiện sinh thái giống nhau, cũng là cây bụi và có lá tương tự nhau, nhưng khác nhau ở chỗ quả phèn đen khi chín màu đen còn quả bỏng nổ màu trắng.
    Thân, lá và hoa của phèn đen có thể nhẵn hoặc có lông mềm. Ở châu Phi có 2 thứ (varietas) phèn đen khác nhau, một là var. reticulatus với các chồi hoa có lông và var. glaber với các bộ phận đều nhẵn.

    1.1.3Phân bố

    Đây là loài cây thuộc vùng nhiệt đới cổ, có khu phân bố khá rộng.
    Việt Nam:
    Cây phân bố rộng và phổ biến; có thể gặp phèn đen từ đồng bằng, đến trung du và vùng núi thấp, ở độ cao dưới 500m. Các tỉnh có phèn đen mọc nhiều nhất là: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tây, Hoà Bình...
    Thế giới:
    Cây phân bố rộng ở vùng Nam và Đông Nam Á, từ Ấn Độ, Sri Lanka, đến Nam Trung Quốc, Đông Indonesia (Irian Jaya) và hầu hết các nước thuộc vùng Đông Nam Á. Cây cũng phân bố khá phổ biến ở vùng nhiệt đới châu Phi.

    1.1.4Đặc điểm sinh học

    Cây ưa khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa mưa và mùa khô xen kẽ, nhiệt độ bình quân năm 22-260C; lượng mưa trên 1.500 mm/năm. Phân bố tập trung ở độ cao 100-700m, nhưng cũng có khi gặp ở độ cao trên 1.000 hoặc 1.500m như ở Tam Đảo và Sa pa. Phèn đen là cây ưa ẩm, hơi chịu bóng, thường mọc thành các bụi lớn dọc các bờ nước, ven rừng thứ sinh thuộc chân các núi đá vôi, trên nương rãy bỏ hoá và lẫn trong các bờ bụi gần bản làng. Cây có khả năng phân cành nhiều ngay từ gốc; hàng năm ra hoa quả nhiều. Chim và dòng nước đã tạo điều kiện cho hạt phèn đen phát tán đi rất xa.
    Sau khi bị chặt cây có khả năng nảy chồi rất mạnh. Một đặc điểm rất đáng chú ý là vào các buổi chiều tối, nhất là vào mùa thu, từ bụi cây bốc lên mùi đặc biệt, có thể là để hấp dẫn các loài thú nhỏ đến ăn quả và truyền giống cho cây. Đây cũng là một đặc điểm để nhận biết và phân biệt phèn đen với cây bỏng nổ đã giới thiệu ở trên.
    Mùa hoa quả: tháng 8-9, nhưng đôi khi gặp phèn đen ra hoa quanh năm.

    1.1.5Công dụng

    Trước đây, ở vùng nông thôn và miền núi nước ta, nhân dân thường dùng lá và vỏ thân phèn đen để nhuộm màu đen, giống như ở Indonesia. Người Ấn Độ dùng rễ phèn đen nhuộm màu đỏ. Còn tại Philippine, quả phèn đen chín được dùng làm mực viết. Gỗ có thể làm củi đun hoặc các đồ dùng thông thường.
    Cây phèn đen còn được dùng làm thuốc chữa rất nhiều bệnh.
    Vỏ thân dùng dưói dạng thuốc sắc để làm thuốc chữa cầm máu, đậu mùa, tiểu tiện khó khăn, có mủ. Lá phèn đen phơi khô, tán bột ngậm chữa chảy máu chân răng, chữa vết thương, vết loét, chóng lên da non. Lá tươi nhai, nuốt nước và bã đặp vết thương do rắn độc cắn. Trước kia ở vùng nông thôn Việt Nam, nhân dân dùng cành tươi đốt lấy nhựa để nhuộm đen răng.
    Ở Malaysia và Philippine người ta lại dùng nước sắc lá phèn đen chữa viêm họng, lợi tiểu, lọc máu, làm mát và chữa đau răng, lá giã đắp vào bụng chữa giun kim.

    1.1.6Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

    Phèn đen chủ yếu là cây mọc hoang dã. Tuy vậy một số nơi ở vùng trung du và đồng bằng, nhân dân trồng phèn đen làm hàng rào, lấy lá làm thuốc hoặc thuốc nhuộm. Trồng phèn đen tốt nhất là vào mùa xuân, khi có độ ẩm cao. Trước hết đánh thành rạch dọc theo chỗ định làm hàng rào. Sau đó gieo hạt hoặc cắm cành vào các rạch. Nếu trồng bằng cành, cần chọn các cành bánh tẻ (khoảng trên dưới 12 tháng tuổi, có nhiều chồi), dùng dao sắc cắt thành từng đoạn dài 30-50cm, cắm chềch một góc 45-600, theo hướng của rạch, cự ly 20-30cm. Nếu trời không mưa, đất quá khô, phải tưới nước để cành mau mọc rễ, ra chồi.
    Chỉ sau một năm, ta đã được một hành rào rất kín bàng cây phèn đen.

    1.1.7Khai thác, chế biến và bảo quản

    Rễ thu hái vào mùa thu; lá thu hái vào mùa xuân, hạ. Dùng tươi hay phơi khô, tán bột. Vỏ thân thu hái quanh năm, dùng để nhuộm hay làm thuốc.
    Rễ phèn đen chứa octacosanol, taraxeryl acetat, friedelin, epifriedelinol, friedel - 3(–ol, taraxeron, betulin, glochinodol.
    Phèn đen còn chứa các flavonoid.

    1.1.8Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn

    Phèn đen là loài cây LSNG bản địa đa tác dụng. Nhân dân ta đã sử dụng phèn đen vào rất nhiều công việc trong đời sống, đặc biệt nhất là để nhuộm và làm thuốc. Tuy vậy loài cây này còn ít được nghiên cứu để sử dụng sử dụng đạt hiệu quả cao. Vì vậy trong thời gian tới cần tiến hành nghiên cứu để tìm ra các công dụng chủ yếu cho loài cây LSNG quen thuộc này.