CHÀM NHUỘM

CHÀM NHUỘM

CHÀM NHUỘM

  • Tên khoa học : Indigofera tinctoria L.,1753
  • Họ : Đậu - Fabaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG: thuốc nhuộm
  • Phân bố : Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ

  • 1.1.1Hình thái

    Cây thảo hoặc bụi nhỏ, cao 50-100cm. Cành, nhánh non có lông mịn, sau nhẵn, chỉ còn lông ở ngọn. Lá kép lông chim mọc cách, mang 4-8 đôi lá chét nhỏ, mọc đối, hình trái xoan, gốc thuôn, đầu tù có mũi nhọn, dài 15mm, mặt trên có lông rải rác, mặt dưới lông mịn nhiều hơn; cuống lá kép dài 7-10cm.
     Cụm hoa chùm, ngắn hơn chiều dài lá, mọc ở kẽ lá, dài 5-10cm, mang nhiều hoa. Hoa có
    tràng màu xanh và đỏ.
    Quả hình trụ, dài 3-4cm, đầu hơi cong hình lưỡi liềm, thường không mở, có ít lông. Mỗi quả chứa 5-10 hạt hình vuông, màu đen.

    1.1.2Các thông tin khác về thực vật

    Chàm nhuộm (Indigofera L.) là một chi rất lớn của họ Đậu. Trên toàn thế giới có khoảng 700 loài, phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới của châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Khoảng 40 loài phân bố tự nhiên ở vùng Đông Nam Á, ngoài ra còn nhiều loài được nhập nội vào khu vực này. Riêng Việt Nam đã thống kê được 25 loài thuộc chi Chàm nhuộm, trong đó có 4 loài đã được đưa vào trồng trọt là: Chàm nhuộm (Indigofera tinctoria L) dạng cây thảo hay bụi cao 1-2m; chàm phụng (Indigofera galegoides DC.) dạng cây bụi cao 1- 3m; chàm quả cong (I. suffructicosa Mill.) cây bụi nhỏ cao 1-2m, dùng làm cây phân xanh phủ đất hay che bóng cho chè; lá dùng nhuộm vải. Đây là 3 loài bản địa. Còn có 1 loài cây nhập nội là chàm mom (Indigofera arrecta Hochst) có dạng cây bụi cao 1-4 m, lá dùng để nhuộm vải, cây che bóng cho chè và cà phê.

    1.1.3Phân bố

    Việt Nam:
    Chàm nhuộm phân bố khá phổ biến, đặc biệt là ở các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc
    và Bắc Trung Bộ. Cây đã được trồng từ lâu đời để lấy lá nhuộm vải. Vùng trồng chàm nhuộm thường là vùng có các dân tộc Tày, Nùng sinh sống; tập trung nhất là ở các tỉnh như: Cao Bằng Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Ở những nơi này người dân có tập quán sử dụng cây chàm nhuộm này từ rất lâu đời.
    Thế giới:
    Cây có nguồn gốc ở vùng Châu Á, nhưng nay đã phân bố khắp vùng liên nhiệt đới (cả Châu Phi và Châu Mỹ). Hiện đã được trồng phổ biến hơn tại Ấn Độ, Nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

    1.1.4Đặc điểm sinh học

    Cây một năm, ưa sáng và ẩm. Thường gặp ở các bãi hoang, trảng cỏ, trảng cây bụi, ven đường,  trên nương rãy, đặc biệt trên các nương rãy đã bỏ hoá. Cây được trồng từ lâu đời thành đám trên nương rãy hoặc quanh nhà. Độ cao thích hợp của chàm nhuộm từ 300-1.300m trên mặt biển. Có khi trồng lên đến độ cao 2.000m. Ở một số nước, chàm nhuộm được trồng thành hàng xen với chè hoặc cà phê để làm cây che bóng và cải tạo đất, do rễ cây có nhiều nốt sần, nơi cư trú của các loài vi khuẩn cố định đạm.
    Cây ra hoa tháng 8-9; mùa quả tháng 10-11.

    1.1.5Công dụng

    Cây được trồng chủ yếu để nhuộm vải và quần áo. Ngoài ra còn dùng làm thuốc và cây che bóng, làm phân xanh hoặc cải tạo đất.
    Theo sách “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Viện Dược liệu (2003) cành lá và rễ chàm nhuộm đều chứa một loại glucosid có tên là indican. Khi bị thủy phân, chất này cho glucose và indioxyl. Chất indioxyl khi bị ôxy hóa trong không khí cho indigo có màu xanh sẫm (màu chàm), rất bền, dùng để nhuộm.
    Trong lá chàm có hàm lượng rotenoid toàn phần cao nhất (0,60%), tiếp đến là trong rễ (0,51%), hạt (0,4%), nụ hoa (0,34%) và cành (0,32%).
    Một số thuốc nhuộm tóc có thành phần chất màu của chàm: 0,001-20% (trọng lượng) nhân sâm (hàm lượng ginsennosid Ê1,5; 1– 50% chất màu indigo, 5-95% nước.
    Ngoài các tác dụng, chàm nhuộm còn được sử dụng làm thuốc. Bột chàm (thanh đại) chữa trẻ em kinh sợ, cam nhiệt, sốt cao phát cuồng, thổ huyết. Ngày dùng 2-6g bột hòa tan với nước, sắc uống. Bột chàm còn dùng ngoài chữa viêm lợi chảy máu, viêm miệng, cam tẩu mã, rắn độc và sâu bọ cắn.

    1.1.6Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

    Dưới đây là phần giới thiệu kinh nghiệm gieo trồng và nhuộm chàm của đồng bào dân tộc Nùng ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.
    - Thu và bảo quản hạt giống :
    Khi quả chàm chuyển sang mầu vàng và một số quả bắt đầu nứt vỏ thì thu hoạch; cắt cả cây đem về bỏ trên nong phơi khô và đập nhẹ để lấy hạt. Hạt được sàng sẩy bỏ lá vụn, hạt lép. Sau đó tiếp tục phơi thêm 1 đến 2 nắng (ngày), rồi bỏ vào ống bương hoặc bao ni lông để hở (không buộc kín) cất nơi khô ráo để làm giống.
    Trước lúc gieo, hạt chàm được ngâm 1 đêm (có thể có hạt đã nứt nanh); vớt hạt để ráo
    nước; trộn với tro bếp để hạt không dính vào nhau và tăng trọng lượng cho từng hạt và gieo trên đất đã chuẩn bị sẵn.
    - Thời gian gieo trồng và thu hoạch
    Mùa trồng: từ sau tết âm lịch hàng năm, vào tháng 2-3.
    Mùa thu hoạch: từ giữa (hay nửa sau) 8,9 tới đầu tháng 10,11. Nếu để làm giống thì thời gian thu hoạch kéo dài hơn 20 đến 30 ngày.
    - Chuẩn bị đất trồng:
    Trồng trên nương: chọn nơi đất tốt ven nương hoặc phát các đám rừng mới nơi đất dốc hoặc đất bằng ven khe suối. Phát dọn cây chuẩn bị từ trước tết âm lịch, thường phát cho cây chết khô và đốt để tăng lượng tro cho đất. Trước khi gieo hạt cần xới xáo lớp đất mặt để diệt cỏ dại và làm tơi đất.
    - Trồng trên các dải đất hẹp quanh vườn nhà, lối đi hoặc những chỗ đất trống ven các đường đi liên thôn, liên xã. Với việc tận dụng đất như trên, cách làm đất là dọn sạch mặt đất và trải lên trên một lớp bùn. Khi lớp bùn khô xới tơi rồi vãi hạt; có những nơi vãi hạt khi lớp bùn mới ráo.
    - Trồng xen với các cây ngắn ngày: Nếu trồng xen với ngô vụ xuân, thời gian trồng có muộn hơn. Tháng 3, khi làm cỏ, vun gốc cho ngô sẽ tiến hành vãi hạt chàm theo từng rạch cạnh hàng ngô và khi thu hoạch (khoảng tháng 5) mới chăm sóc, vun gốc chàm. Mùa thu hoạch khoảng từ giữa tháng 8 trở đi.
    - Gieo hạt và chăm sóc:
    Sau khi gieo, từ 5-7 ngày, hạt nảy mầm và ra rễ bám vào đất.
    Lúc nhỏ chàm hơi ưa bóng, về sau là cây ưa sáng. Vì vậy, sau khi gieo hạt, tốt nhất cắm các cành cây có lá rải rác, sau 15-20 ngày khi cây cao 7-10cm thì nhổ bỏ.
    Sau khi gieo, khoảng 1 tháng nhổ cỏ dại, tỉa những cây nơi quá dầy và trồng dặm cho nơi thưa. Công việc này tiến hành vào những ngày trời mưa.
    Việc nhổ cỏ còn được tiến hành đợt thứ hai vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.
    Mật độ chàm trước lúc thu hoạch khoảng 100 cây/m2 là vừa (một cây mọc trên 1ô vuông mỗi chiều 10cm).
    Trồng Chàm ở các địa phương miền núi thường ít được bón phân; nhiều bà con cho rằng loài cây này không cần phân bón. Nếu có bón, nên dùng phân tổng hợp ( NPK ), không nên bón phân đạm (N); vì sẽ kéo dài thời vụ thu hoạch và ảnh hưởng tới chất lượng thạch chàm nhuộm sau này.

    1.1.7Khai thác, chế biến và bảo quản

    Kỹ thuật nhuộm chàm:
    - Công đoạn tạo thạch chàm:
    Khi thu hoạch chàm, cắt ngang gốc, lấy cả thân lẫn lá, đem về ngâm với nước sạch trong các chum hoặc choé. Ngâm khoảng 1,5 đến 2 ngày, khi thấy nước trong chum hoặc choé ngả mầu xanh hơi thẫm, lá chàm và các cành nhỏ bắt đầu thối rữa thì vớt bỏ trước khi vắt hết nước. Lượng nước cho vào chum choé không quá ít để chất nhuộm có thể hoà tan hết và cũng không quá nhiều, làm loãng dung dịch thạch chàm hoà tan.
    Nước sau khi vớt hết bã có mầu xanh hơi tím, để lắng và rót nước vôi trong từ từ vào chum choé; vừa rót vừa khuấy đều. Lúc đầu mặt nước nổi nhiều bọt to, sau bé dần và tới khi không có bọt là được. Để lắng khoảng một đến hai giờ, rồi gạn hết nước đi. Ở đáy chum đọng 1 lớp kết tủa gọi là thạch (có nơi gọi là phân chàm). Bỏ thạch vào trong túi vải và lọc (như lọc bột làm bánh). Chất lọc này là nguyên liệu chính để nhuộm vải có mầu chàm.
    Nước gạn ra được giữ lại một phần để làm nước hoà tan thạch chàm khi nhuộm vải.
    - Công đoạn chuẩn bị nước chàm nhuộm:
    + Nước nhuộm chính:
    Sau khi tạo được nguyên liệu chính là thạch chàm cần chuẩn bị nước chàm nhuộm gồm 1 lượng nước hoà từ thạch chàm cộng với 2 lượng nước tro để lắng. Hỗn hợp này khuấy đều rồi để 3 ngày đêm; khi thấy mặt nước xuất hiện 1 lớp váng mỏng hơi đen, nước bên dưới có màu vàng, cho vải vào thử, thấy bắt màu là nước nhuộm thành công. Nếu vải không bắt màu chàm là nước nhuộm bị hỏng
    Màu sắc chàm (xanh nhạt, xanh đậm...) quyết định bởi lượng thạch chàm đặc hoặc loãng; kỹ thuật pha nước thạch chàm phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nhuộm.
    + Dùng thêm nước “phụ gia” để tạo cho vải nhuộm có các mầu chàm khác nhau và bền.
    Nếu không cho thêm nước “phụ gia” vào nước chàm nhuộm, khi nhuộm ta chỉ được vải nhuộm có màu chàm (xanh lè) như mọi người vẫn thấy và màu sắc này cũng có thể phai bạc khi quần áo, vải vóc chưa kịp rách.
    Trên thực tế, đồng bào miền núi đã tạo ra nhiều “màu chàm” khác nhau để làm trang phục tuỳ theo sở thích của nam, nữ, tuổi tác, lễ hội văn hoá, ma chay... Đó là nhờ việc tạo ra các loại nước “phụ gia” lấy từ các loại cây rừng khác hoặc vật liệu khác xử lý ở công đoạn ngay sau khi nhuộm chàm. Loại nước phụ gia thường gồm một loại cây có múi thơm (tinh dầu thơm) và một loại chứa chất chát (tanin), chúng được nấu kỹ, cô đặc để cho vào nước nhuộm. Có nhiều loài cây dùng nấu “nước phụ gia” theo tập quán từng vùng, trong đó thường là 2 nhóm cây:
    * Cây có tinh dầu thơm như: ngải cứu, cứt lợn, lá bưởi... (tương tự như các cây nấu nước gội đầu cho phụ nữ) để làm cho vải sau khi nhuộm có mùi thơm (?).
    Nước nấu từ các loài cây này được đưa vào nước nhuộm chàm trước khi nhuộm.
     * Cây cho chất chát (tanin) có thể làm biến mầu chàm nguyên thuỷ, đồng thời làm bền các màu sắc tự nhiên. Các nguyên liệu thường được sử dụng như: củ nâu, lá và vỏ nghiến, lá ổi... hoặc bùn ở đáy ao (nơi có nhiều lá cây bị hoai mục lâu ngày). Đây là nhóm phụ gia chủ yếu, vừa tạo ra các màu chàm tím, chàm đen... (ở các mức độ màu sắc đậm nhạt tuỳ người nhuộm) và vừa có tác dụng hãm cho bền màu.
    Nước nấu từ các loài cây này dùng xử lý vải, sợi nhuộm tiếp theo ngay sau khi chúng được nhuộm bằng lá chàm. Chắng hạn, sau khi nhuộm chàm nước sau cùng, vải được vắt khô lại tiếp tục nhuộm một vài lần nước củ nâu (màu đỏ) ta được mầu chàm hơi tím. Nếu sau nước nhuộm chàm cuối cùng, vải hoặc sợi được ngâm xuống bùn ao 1-2 ngày; vớt lên, giặt sạch phơi khô ta được màu chàm đen.
    - Công đoạn nhuộm chàm:
    Vải nhuộm phải là vải dệt từ sợi bông.
    Trước khi nhuộm, vải được ngâm nước trong, thấm no nước, vắt khô và nhúng đều vào nước nhuộm đã cho các loại “nước phụ gia” tạo mùi thơm. Thời gian nhúng vải trong nước nhuộm chàm khoảng 15-30 phút, vắt khô, đem phơi chỗ râm mát. Mỗi ngày nhuộm từ 1 đến 2 lần cho tới khi thấy màu chàm ưng ý thì ngừng (có khi giai đoạn này kéo dài tới 10 ngày).
    Sau giai đoạn này, nhuộm thêm một số lần bằng nước củ nâu hoặc nhuộm qua bùn đen từ đáy ao để tạo và hãm màu cho vải nhuộm.
    Các màu chàm khác nhau trên trang phục đồng bào miền núi gắn liền với truyền thống lễ hội, giới tính, lứa tuổi... của từng dân tộc. Chẵng hạn đối với người Nùng Phàn Sình: nếu mặc đồ trắng là gia đình đang mang tang chưa quá 49 ngày, nếu trang phục là vải nhuộm qua nước chàm xanh nhạt (chưa phải màu chàm) thể hiện gia đình có tang đã qua 49 ngày... Về giới tính, đối với nam giới thì người trẻ thường mặc trang phục màu chàm tím, người già màu chàm đen; Váy áo các cô gái trẻ, quần áo trẻ em thường có màu chàm nguyên thuỷ (xanh lè).
    Việc lựa chọn phụ gia, kỹ thuật xử lý chúng ngay khi tạo nước nhuộm hoặc sau khi nhuộm là vấn đề có tính bí quyết và truyền thống trong từng địa phương, thậm chí từng gia đình. Và phụ nữ là người nắm vững nhất truyền thống về nhuộm chàm, đặc biệt là tạo “nước phụ gia” và kỹ thuật xử lý các công đoạn nhuộm vải.

    1.1.8Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn

    Chàm nhuộm là một cây đa tác dụng, đặc biệt nhất là dùng nhuộm màu chàm. Hiện nay nghề nhuộm dùng nguyên liệu là cây chàm nhuộm đã và đang mai một dần. Trong mỗi bản, thường chỉ một số phụ nữ có tuổi hoặc trung niên nắm được nghề cổ truyền này. Tuy vậy màu chàm rất bền, không ảnh hưởng, mà ngược lại còn bảo vệ da tránh được nhiều bệnh nấm và vi khuẩn nên rất thích hợp cho người miền núi. Vì vậy cần khôi phục và giữ gìn nghề truyền thống này. Đặc biệt dùng chàm để nhuộm hàng thổ cẩm dùng trong nước và xuất khẩu hoặc bán cho khách du lịch.