DÀ QUÁNH
DÀ QUÁNH
1.1.1Hình thái
Cây gỗ nhỏ hay trung bình, cao 10-15m. Gốc có nhiều rễ thở hình đầu gối màu đỏ nhạt.Lá đơn mọc đối, thường tập trung phía đầu cành, phiến lá hình trứng hay bầu dục, dài 6-8
cm, rộng 3,5-4,5cm; đầu tù tròn hoặc thu hẹp; gốc hình nêm, cuống khá mập, dài 2-3cm; lá kèm, dài 1,5-2,5cm.
Cụm hoa hình đầu ở đầu mọc cành hay nách lá, thường chỉ gồm 3-5 nhánh. Hoa có cuống rất ngắn hay không cuống; đài xẻ 5-6 thuỳ hình bầu dục, dài 2,5-3mm, rộng 1-1,5mm, thẳng, phía gốc hợp thành ống đài thường tồn tại với quả. Cánh hoa mỏng, hình bầu dục hay gần hình 4 cạnh, đầu có 15-20 tua, màu trắng, dài 1-1,2mm, khi khô chuyển thành màu nâu. Nhị nhiều, gấp đôi số cánh hoa; bao phấn đính lưng; bầu 3 ô, mỗi ô 2 noãn, vòi dài 1,5mm.
Quả hình tháp ngược, phía dưới phình to. Các thuỳ đài tồn tại với quả, và không lật lại. Trụ mầm hình chuỳ, có gờ chạy theo suốt chiều dài, nhăn nheo.
1.1.2Các thông tin khác về thực vật
Ở Việt Nam chi Dà (Ceriops) có 2 loài: dà quánh (C. decandra) và dà vôi (C.tagal C.B. Robinson). Chúng cùng phân bố trong các khu rừng ngập mặn phía Nam, nhưng có những đặc điểm hình thái khác nhau:- Loài dà quánh (C. decandra (Griff.) Ding Hou). Vỏ thân trắng nhạt hay xám, phía gốc nứt nhẹ; lá đài không lật lại ở quả; trụ mầm ngắn 9-15cm. Cây phân bố ở Nam Bộ và Trung Bộ.
- Dà vôi hay dà đỏ (C.tagal C.B. Robinson). Vỏ thân xám nhạt đến đỏ nâu, nứt sâu ở các cây già; lá đài lật ngược ở quả; trụ mầm dài 15-25(-35)cm. Cây chỉ phân bố ở Nam Bộ.
1.1.3Phân bố
Việt Nam:Dà quánh phân bố từ các tỉnh miền Trung trở vào phía Nam, tập trung nhất ở các cửa sông vùng Tây Nam Bộ như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và Cà Mau.
Thế giới:
Trước đây chi Dà (Ceriops) có vùng phân bố rộng trên thế giói. Hoá thạch của chúng tìm thấy cả ở Châu Âu ở kỷ Eoxen. Hiện nay các loài dà tập trung chủ yếu ở vùng Nam và Đông Nam Á. Khu phân bố của chúng kéo dài từ châu thổ Indus của Pakistan đến bờ biển Ấn Độ, qua vịnh Bengal đến Myanmar, Thái Lan, Malaysia, các nước vùng Đông Dương, Philippin, Indonesia (chỉ gặp ở Borneo và Java) và Papua New Guinea. Dà quánh cũng phân bố tại một số nơi phía Đông Bắc châu Úc.
1.1.4Đặc điểm sinh học
Dà quánh là một trong những loài cây gỗ phổ biến của rừng ngập mặn. Ở Việt Nam dà thường là những cây gỗ nhỏ hoặc cây bụi; nhưng ở điều kiện thích hợp tại một số nước vùng Đông Nam Á, cây có thể đạt chiều cao đến 20-30m. Các khu rừng có dà ưu thế, thường xuất hiện ở phía sau so với các loài mắm, đước và vẹt (khi bãi bùn đã khá ổn định và chỉ bị ngập lúc nước triều cao và số ngày ngập trong năm chỉ khoảng 100-149 ngày). Đất dưới rừng già là đất sét cứng. Sau khi rừng dà đã ổn định, loài giá (Excoeria agallocha) sẽ xuất hiện.Trong rừng ngập mặn dà ưu thế, thường gặp đước và vẹt xen kẽ. Dà mọc nhiều ở các cửa sông và ven kênh rạch. Trụ mầm của dà nhỏ nên nó không tồn tại lâu trong nước biển, vì thế phát tán của dà không được xa như các loài cây rừng ngập mặn khác.
Hoa nở tháng 4-7; trụ mầm hoặc quả chín tháng 8-9.
(Đối với dà vôi: hoa nở tháng 7-10; trụ mầm hoặc quả chín tháng 7-10).
1.1.5Công dụng
Trước kia, tanin chiết xuất từ vỏ dà thường có chất lượng cao nên được dùng trong công nghệ thuộc da và nhiều việc trong đời sống. Hiện nay tanin vỏ dà chỉ còn được sử dụng trong phạm vi nhỏ ở từng địa phương với số lượng không đáng kể. Tanin lấy từ vỏ và lá của dà quánh thường chỉ dùng nhuộm lưới, còn chất nhựa trong vỏ cung cấp một loại thuốc nhuộm màu đen hoặc màu da cam đẹp và còn có thể dùng làm thuốc.Vỏ dà quánh chứa 25-37% tanin, khi nhuộm da cho màu da cam hay đỏ rất đẹp. Tanin làm da cứng lại và bền hơn. Khi dùng thường phối hợp với tanin chiết xuất từ quả chiêu liêu (Terminalia chebula) hoặc tanin của vỏ keo gồm (Acacia nilotica), hỗn hợp này sẽ cho nhiều màu khác nhau để nhuộm da. Nếu dùng phối hợp cả tanin từ vỏ và lá dà quánh sẽ cho màu nhạt hơn so với màu chỉ dùng tanin của vỏ. Thành phần cơ bản của tanin vỏ dà là 3,4,5,7 – tetrahydroxyflavan - 3,4-diols.
Theo Crevost Ch. Et Petelot A (1941), hàm lượng tanin trong vỏ của dà có độ ẩm 13,3%; chất tan bao gồm: tanin 21,4%,không tanin 9,2% và chất không tan 56,1%.
Gỗ của dà quánh khá bền với mối mọt và có thể chôn xuống đất 2 năm không bị hỏng nên được dùng làm cột hoặc dùng trong xây dựng, đặc biệt dùng để đốt than hầm và làm củi đun. Củi dà quánh rất được ưa chuộng, vì ít khói. Có nơi dùng gỗ dà làm bột giấy. Cành cây rất cứng, có thể dùng làm cán công cụ.
1.1.6Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
Tạo giống. Ở Việt Nam, thường trồng trực tiếp trụ mầm dà quánh và dà vôi, nhưng trồng theo phương pháp này tỷ lệ sống của cây con không cao, vì thường bị cua và một số loài động vật nước mặn khác phá hại. Vì vậy nên ươm giống dà trong túi bầu, sau 6-10 tháng mới đem trồng thì tỷ lệ sống đạt trên 80-90% (Kinh nghiệm ở Bangladesh).Gây trồng: Có thể trồng dà quánh và dà vôi trên các bãi đất sau khi khai thác rừng ngập mặn với các loài đước, vẹt ưu thế hoặc trên các loại đất rừng ngập mặn đã bị hoang hoá, chỉ bị ngập triều cao trong tháng. Trước khi trồng phải dọn sạch thực bì, bằng cách cắt hết cỏ và cây bụi để khỏi ảnh hưởng đến ánh sáng và thức ăn của cây dà con. Khi trồng phải chờ thời điểm đất bị ngập triều cao trong 1-3 ngày; sau đó dùng que chọc lỗ để cắm trụ mầm. Chú ý chỉ cắm 1/3 độ dài trụ mầm xuống bùn, khoảng cách trồng 1x1m. Sau khi trồng, nếu trời khô hạn phải dùng nước lợ tưới cho cây đủ ẩm liên tục đến khi cây con ra được 2 lá.
Có thể trồng dà xen với các loài cây gỗ của rừng ngập mặn khác, nhưng chú ý không trồng lẫn dà quánh và dà vôi; vì trong thiên nhiên, 2 loài cây cùng chi này có yêu cầu sinh thái khác nhau và hầu như chúng không mọc cùng nhau trong một khu vực.