MAI XANH

MAI XANH

MAI XANH

  • Tên khoa học : Dendrocalamus latiflorus Munro,1868
  • Họ : Hoà thảo - Poaceae
  • Bộ : Hòa thảo - Poales
  • Nhóm loài cây LSNG: tre nứa
  • Phân bố : Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Bắc, Tuyên Quang

  • Tên khoa học: Dendrocalamus latiflorus Munro,1868
    Tên đồng nghĩa:        Bambusa latiflora (Munro) Kurz., 1873; Sinocalamus latiflorus (Munro) McClure. 1940.
    Tên khác:       Tre tàu, tre bát độ, mai lạng sơn, mai bằng mạc, tre ngọt, mạy mươi (Tày, Nùng)
    Họ:      Hoà thảo – Poaceae
    Phân họ:         Tre - Bambusoideae
    Tên thương phẩm:    Taiwan giant bamboo, ma bamboo, Big jute bamboo (Anh)
    Đặc điểm hình thái
    Thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc cụm, cao 20-25m, đường kính 15-30cm, ngọn rủ xuống dài hay cong hình cung; chiều dài lóng 45-60cm, lúc non phủ phấn trắng, nhưng không lông, chỉ ở đốt có một vòng lông nhung màu nâu; bề dày vách thân 1-3cm. Cây phân cành cao, khoảng nửa chiều dài thân; mỗi đốt mang nhiều cành, cành chính thường chỉ một. Mo thân rụng sớm, chất da dày, hình lưỡi xẻng tròn rộng, mặt lưng phủ lông gai nhỏ, nhưng dễ rụng nên thành không lông, phần miệng bẹ ở đỉnh rất hẹp (rộng khoảng 3cm); tai mo nhỏ, dài 5mm, rộng 1mm, lưỡi mo chỉ cao 1-3mm, mép xẻ răng nhỏ; lá mo lật ra ngoài, hình trứng đến lưỡi mác, dài 6-15cm, rộng 3-5cm, mặt bụng phủ lông gai nhỏ màu nâu nhạt. Lá 7-13, bẹ lá dài 19cm, lúc non phủ lông gai màu nâu vàng, sau trở nên không lông; tai lá không, lưỡi lá nổi lên, cao 1-2mm, cắt ngang, mép xẻ răng nhỏ; phiến lá hình lưỡi mác dạng elíp dài, dài 15- 35(-50)cm, rộng 2,5-7(-13)cm, gốc tròn, đầu nhọn dần mà thành mũi nhọn nhỏ, mặt trên không lông, mặt dưới gân giữa nổi lên mạnh và có răng cưa nhỏ, lúc non trên gân cấp hai còn có lông nhung, gân cấp hai 7-15 đôi, gân ngang nhỏ cũng rõ; cuống lá không lông, dài 5-8mm.
    Cành hoa cỡ lớn, không lá hay phía trên có lá, lóng của nhánh cứng chắc, phủ dày lông mềm nhỏ màu nâu vàng, trên mỗi đốt đính 1-7 hoặc nhiều bông nhỏ, ở dạng nửa mọc vòng; bông nhỏ hình trứng, rất dẹt, dài 1,2-1,5cm, rộng 7-13mm, lúc chín màu tím đỏ hay tím tối, đỉnh tù, chứa 6-8 hoa; hoa ở đỉnh thường khá to, lúc chín hoa có thể mở rộng; mày ngoài, màu lục vàng, nửa trên của mép màu tím, dài 12-13mm, rộng 7- 16mm, có nhiều gân; mày trong hình lưỡi mác dạng tròn dài, dài 7-11mm, rộng 3-4mm, phần nửa trên màu tím nhạt, 2 hay 3 gân giữa các gờ; bầu hình cầu dẹt hay hình trứng rộng, phần nửa trên mọc rải rác lông nhỏ màu trắng, phần nửa dưới không lông, có cuống bầu, rãnh bụng, dài khoảng 7mm; vòi phủ dày lông nhỏ màu trắng, đầu nhuỵ 1, không có ranh giới rõ rệt với vòi, đôi khi đầu nhuỵ 2. Quả dạng quả dĩnh hình cầu- trứng, dài 8-12mm, rộng 4-6mm, vỏ quả mỏng, màu nâu nhạt.       
    Các thông tin khác về thực vật
    Trong nhiều tài liệu về tre nứa của Việt Nam trước đây, loài diễn trứng ở Phú Thọ được định tên khoa học là Dendrocalamus latiflorus Munro hoặc Sinocalamus latiflorus McClure.Tới nay đã xác định, việc giám định tên khoa học đó có nhầm lẫn. Diễn trứng là loài tre mới của Việt Nam, còn tên khoa học trên phải dành cho loài mai xanh, một loài cây bản địa, được trồng phổ biến từ lâu đời ở các tỉnh phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh và Hà Bắc hoặc loài tre tàu đã nhập trồng ở các tỉnh phía Nam Việt Nam (từ thập kỷ 60) hoặc tre át độ mới được nhập vào Việt Nam trong cuối thế kỷ trước. Như vậy, mai xanh loài cây bản địa của Việt Nam, tre tàu và tre bát độ mới được nhập nội từ Đài Loan gần đây là cùng một loài và mang tên khoa học Denndrocalamus latiflorus Munro. Nhận định trên cần được nghiên cứu đầy đủ hơn về mặt phân loại cho loài mai xanh; đặc biệt xác định rõ quan hệ của loài mai xanh phân bố ở các tỉnh vùng Đông Bắc với tre tàu và tre bát độ (có thể là đơn vị dưới loài - subspecies hay thứ cây trồng – cultivar). Kết quả các nghiên cứu này sẽ có những đóng góp quan trọng đối với công tác chọn giống, chọn loài tre để phát triển trong tương lai của Việt Nam.
    Phân bố
    Hiện nay nguồn gốc của loài mai xanh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nó phân bố từ Myanmar đến Đài Loan, Trung Quốc lục địa và Nhật Bản, dưới dạng cây trồng. Riêng Đài Loan có đến 90.000ha mai xanh (dưới tên bát độ). Loài tre này đã được nhập vào Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản, Philippin ở đầu thập kỷ 70, vào Indonesia ở đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
    Việt Nam:
    Mai xanh đã được trồng từ rất lâu đời. Các tỉnh có nhiều mai xanh nhất là: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Bắc, Tuyên Quang. Loài tre này cũng được nhập thêm vào Nam Việt Nam từ Đài Loan, ở cuối thập kỷ 60 (1968, theo Phạm Hoàng Hộ) để trồng lấy măng và mang tên tre tàu để chỉ xuất sứ của nó. Mai xanh được nhập chính thức vào miền Bắc Việt Nam từ Đài Loan trong cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước và mang tên “Bát độ”.
    Tới nay loài mai xanh, dưới tên bát độ được trồng ở hầu hết các tỉnh của Việt Nam để lấy măng.
    Thế giới:
    Mai xanh hiện được trồng ở nhiều nước vùng Đông Á (Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc), các nước vùng Nam và Đông Nam châu Á.
    Đặc điểm sinh học
    Ở các nước nhiệt đới, mai xanh được trồng tại các vùng thấp (Việt Nam, Indonesia), hoặc vùng cao (Philippin). Cây ưa lượng mưa lớn và phát triển tốt trên đất ẩm, màu mỡ, đất sét nặng, đất kiềm hay acid. Cây ưa đất thoải 5-100; trồng nơi đất dốc hơn cây phát triển kém. Địa hình ưa thích nhất của mai xanh là ven sông suối, quanh chân núi đất hay núi đá. Nhưng do cây ưa sáng mạnh nên không trồng vào sát núi đá; cây sẽ thiếu sáng và không phát triển được.
    Ở Bắc Đài Loan, mai xanh phân bố ở vùng có khí hậu á nhiệt đới có độ cao trên 1.000m. Cây có thể chịu được nhiệt độ –40C.
    Cây sinh trưởng, phát triển rất nhanh. Nếu được bón phân chuồng hoai, ngay năm đầu bụi mai xanh đã phát triển 2-3 thân khí sinh mới. Trong 3 năm một bụi có thể có đến 20-25 thân tre, có độ cao trung bình 5-6m và đường kính 4-5cm. Ở Philippin, cây trồng 5 năm thân tre có chiều cao trung bình 15m và đường kính trung bình 7cm. Ở Đài Loan rất ít gặp cây ra hoa, nhưng hiện tượng ra hoa từng bụi rất hay gặp ở Việt Nam, Philippin, Indonesia và Trung Quốc lục đia.
    Cây có thể chịu được ngập nước 1-2 ngày, nếu ngập lâu hơn cây sẽ bị chết.
    Công dụng
    Công dụng chính của mai xanh là cung cấp măng ăn tươi, phơi khô hay đóng hộp xuất khẩu. Măng mai xanh có vị ngon, không đắng, màu trắng sau khi luộc, là thực phẩm được ưa chuộng ở nhiều nước.
    Thân tre trưởng thành được dùng làm máng nước, làm mảng để đánh cá trong các suối nhỏ; dùng đan rổ rá, dùng trong xây dựng nhà cửa và trong công nghiệp giấy. Lá dùng làm nón, lợp mái cho các thuyền nhỏ và nguyên liệu để gói bọc (gói bánh, kẹo...). Lá mai xanh khô có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu. Ở Đài Loan mai xanh được trồng lấy măng và làm cây cảnh.
    Trên thị trường quốc tế, nhiều nước đã biết đến măng của mai xanh. Năm 1985, Trung Quốc lục địa đã xuất khẩu 140.000 tấn măng mai xanh. Hàng năm Đài Loan xuất khẩu khoảng 40.000 tấn/năm. Nước nhập khẩu măng mai xanh chủ yếu là Nhật Bản (giá trị khoảng 40 triệu USD/năm). Măng khô và măng đóng hộp cũng được xuất sang châu Âu, Mỹ, Canada và một số nước Đông Nam Á. Từ năm 1973, Philippin đã xuất măng mai xanh sang Nhật Bản. Trong 100g phần ăn được của măng bao gồm: 92g nước, 1,2g protein, 1,2g hydrat cacbon,0,5g chất béo, 0,8g chất xơ và 0,7g tro.
    Kích thước sợi: chiều dài 3,0mm, đường kính 18,1mm, vách dày 5,6mm. Thành phần hoá học của thân khoảng: 50,15% holocellulose,19,40% pentosan, 24,76% lignin, 2,82% tro; lượng tan trong nước nóng 5,77%, tan trong cồn và ben zen 7,37% và trong kiềm (NaOH 1%) là 26,60%. Vì vậy thân mai xanh là nguyên liệu chế biến bột giấy rất tốt.
    Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
     Mai xanh có thể trồng bằng hạt, thân ngầm, hom cành và hom thân. Hạt rất mau mất khả năng nảy mầm. vì thế nên cần gieo ngay. Sau khi gieo, khoảng 2 tuần hạt nảy mầm, với tỷ lệ 90%. Nhưng thực tế rất ít khi thu được hạt nên vẫn trồng chủ yếu bằng thân ngầm và hom thân. Muốn trồng bằng hom thân cần chọn các cây tre bánh tẻ (1-2 năm tuổi), cắt thành các đoạn dài 50cm (với 2 mắt), đặt nằm ngang và lấp sâu 6cm. Hom thân để trong vườn ươm 2 năm có thể mang trồng,
    Kinh nghiệm của một số đồng bào dân tộc vùng núi tỉnh Lạng Sơn trồng mai xanh bằng hom cành (chiết cành hoặc giâm hom) rất có kết quả.
    Muốn tạo cành chiết, chọn các bụi tre trên 1 năm tuổi, phát triển tốt, không bị sâu bệnh và chưa ra hoa. Trong bụi chọn cây mẹ từ 8-12 tháng tuổi, có dạng đùi gà, màu xanh thẫm, đầu có lá, đường kính cành 0,8- 1,2cm, cách mặt đất trên 80cm. Bóc hết bẹ mo rồi dùng đục sắt hoặc cưa tay nhỏ bản, sắc, đục hoặc cưa vào sâu 1/3-2/3 đường kính cành phía trên; cũng dùng cưa đó cắt một lát vào phía dưới gốc cành. Dùng đất thịt pha cát nhào với nước thật nhuyễn hoặc dùng đất cát pha cùng với xơ dừa, phân chuồng hoai, supe lân và thuốc kích thích ra rễ, sau đó trộn lẫn hỗn hợp này với nhau để làm đất bó cành. Bao gốc cành bằng nhựa P.E, dùng dây ni lon hay lạt buộc 2 đầu để cố định bầu đất và giữ ẩm, chú ý đầu dưới cần buộc lỏng để thoát nước, tránh nước đọng làm thối rễ. Khi cành ra rễ màu mốc xám mới cắt làm giống. Thường sau khi bó 10 ngày, rễ đã nhú và khoảng 30-40 ngày có thể cắt được. Chú ý trước khi khi bó đất dùng kéo cắt cành cắt bỏ phần ngọn cành chiết, chỉ giữ lại 2 đốt có lá thì cành giống mới sớm ra rễ và phát triển mạnh. Cành chiết sau khi cắt có thể trồng ngay, nếu trồng nơi gần và thời tiết thuận lợi hoặc phải ươm trong vườn khoảng 6 tháng đến 1 năm nếu muốn vận chuyển giống đi xa.
    - Muốn giâm cành, cũng chọn cành như trên. Cắt rời cành giâm ở chỗ tiếp giáp giữa cành và thân tre ra khỏi thân mẹ (cành gồm 2 lóng, chiều dài khoảng 35-40cm). Ngâm các cành cắt vào dung dịch kích thích ra rễ như IAA nồng độ 100ppm trong vòng 24 giờ. Sau đó giâm trực tiếp vào bầu đất có công thức: đất cát pha 90%, phân chuồng hoai 9% và 1% supe lân. Các luống giâm cành phải được che bằng lưới nilon đen 70-80% ánh sáng. Luôn duy trì độ ẩm 75-80% và chăm sóc như vườn ươm cành chiết.
    Chú ý chỉ chiết cành vào mùa xuân - hè, không chiết vào mùa thu đông.
     Ở Đài Loan đã trồng mai xanh bằng giống nuôi cấy mô có kết quả.
    Trồng mai xanh tốt nhất trồng vào đầu mùa mưa. Khoảng cách trồng 4-5x4-5m, (khoảng 400-625 cây/ha). Nếu đất tốt có thể trồng khóm cách khóm 4x4m và hàng cách hàng 3x3m, (khoảng trên 800 cây/ha).
    Sau khi đào hố, bỏ phân chuồng hoai trộn lẫn đất mặt nhỏ. Đặt nghiêng giống 45o để phần cắt vát của gốc hay cành quay lên trên, đổ đất, nén chặt. Trước khi trồng nên cắt bớt là và cành của cành giống để kích thích ra rễ và cành mới. Dùng rơm, rạ hay rác phủ quanh gốc để giữ ẩm và tăng nhiệt.
    Chăm sóc: Trồng 2 tháng cây mẹ đã đẻ măng mới (thường 1-2 cái). Khi đó nếu có cỏ phải làm cỏ và vun đất vào gốc cho cây. Nên thường xuyên làm cỏ, vun sới trong 2 năm đầu (2 lần trong năm). Phải tưới nước đủ ẩm cho cây giống cho đến khi bén rễ và phát triển tốt. Để sản xuất măng ở Đài Loan cần theo các kỹ thuật sau:
    - Phủ gốc cho mỗi bụi tre 3 lần trong năm với lượng lá khô là 40-60kg (cỏ khô, lá tre hay lá mía)
    Xới xáo đất quanh bụi tre thường xuyên.
    Cắt cây tre chỉ để lại 2-2,5m vào năm thứ 2 sau khi trồng để giữ bụi tre khỏi bị gió bão.
    Bón 20-25kg phân hữu cơ hỗn hợp hay phân chuồng hoai cho mỗi bụi trước mùa măng
    Bón 4 lần phân hoá học trong năm. Mỗi lần theo tỷ lệ: 40kg đạm,10kg lân, 30kg kali và 0,65kg silic cho một hecta.
    Trong qui mô gia đình, bất kỳ lúc nào có phân hay nước hoai đều có thể tưới bón cho cây.
    Duy trì 3-4 cây trong một bụi cây trưởng thành để tăng cường không gian cho các măng mới phát triển.
    Sâu bệnh. Mai xanh thường bị sâu vòi voi, một loài côn trùng cánh cứng phá hoại măng. Cây bị sâu vòi voi phá hoại không phát triển thành cây bình thường được.
    Khai thác, chế biến và bảo quản
    Mai xanh mọc rất nhanh, nhưng năm đầu không khái thác măng. Nơi đất tốt, sau khi trồng 27 tháng, mỗi khóm đã có tới 7 cây, đường kính tới 15cm. Như vậy sau năm thứ hai mới tiến hành khai thác măng. Măng sẽ được khai thác 7-15 ngày sau khi nhú khỏi mặt đất., khi chúng có chiều cao 35-50cm.
     Khai thác thân có thể bất đầu sau khi trồng 4-7 năm. Để bảo đảm cho bụi tre phát triển bền vững chỉ khai thác các cây tre quá tuổi trưởng thành (trên 3 năm tuổi) và vài cây đang ở giai đoạn trưởng thành (2-3 năm tuổi) và số lượng cây khai thác mỗi lần không vượt quá 3/ 5 số cây trưởng thành trong bụi. Mùa khai thác thân tre phải tiến hành vào mùa khô, khi đó lượng nước trong thân không lớn nên tránh bị mối mọt tấn công
    Năng suất; Bình thường mỗi bụi mai xanh 1-2 tuổi có thể cho 5-10 măng, nặng 3-5kg. Măng nặng nhất tới 20kg/măng. Ở Đài loan, lượng măng sinh ra trong bụi tăng nhanh trong vòng 5 năm đầu từ khi trồng; từ 30 kg vào năm thứ 2 lên 60kg năm thứ 3; 80kg năm thứ tư; và tối đa được 100kg vào năm thứ năm. Nếu với 200 bụi tre trưởng thành trong 1hecta, thì tổng lượng măng thu được trong 1ha rừng trồng mai xanh là 20-40 tấn/ha. Ở Nam Trung Quốc, lượng măng bình quân thu được trong một ha rừng trồng mai xanh là 12 tấn/ha/năm., nhưng cũng có khi lớn hơn tới 30 tấn/ha/năm. Ở Philippin, một bụi mai xanh trưởng thành có thể sinh ra 80-160 cây tre mới trong năm trong điều kiện trồng lý tưởng. Con số 20-30 thân mới sinh ra trong một bụi mai xanh hoặc 10.000 cây/ha là con số trung bình.
    Măng thu hoạch về cần hấp chín ngay, sau đó thái nhỏ, rửa sạch và khử trùng 15 phút trong dung dịch nước sạch hoặc nước muối (2 thìa cà phê muối NaCl trong 0,25lit nước) đun sôi trước khi ăn hoặc đóng hộp. Khi đun sôi trong nước sạch, một hợp chất màu trắng (chứa 90% tyrosine) thường được ngưng tụ; có thể loại bỏ bằng cách đun trong 1,5 giờ trong dung dịch acid citric 0,06-0,07%, và tiếp theo tẩy hết trong 12 giờ. Để sản xuất măng muối khô, thì phần giữa của măng được đun trước và sau đó để lại để lên men trong 2-4 tuần và sau đó thái thành các lát có kích thước 4-5cmx2,8mm.
    ở Philippin các cây tre khai thác về hoặc phơi khô ngay dưới nắng mặt trời hoặc trong râm hay ngâm trong dòng nước chảy trong vài tuần lễ trước khi phơi khô ngoài không khí.
    Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Mai xanh là loài LSNG rất có triển vọng để sản xuất măng xuất khẩu. Hiện nay ở Việt Nam sau khi nhập mai xanh (tre bát độ) về trồng lại chưa chú ý đến nghiên cứu để tăng lượng măng của loài tre này. Công tác giống cung cấp cho người trồng cũng chưa thật bảo đảm vì ai cũng có thể nhân giống để bán. Cần có những nghiên cứu toàn diện về loài tre này, đặc biệt cần phải qui hoạch vùng trồng thích hợp nhất để tạo nguồn măng xuất khẩu cho các vùng đó. Cũng cần nghiên cứu so sánh giống mai xanh bản địa và giống mai xanh mới nhập nội (tre bát độ) để quyết định giống trồng, vì thực tế giống mai xanh bản địa có năng suất măng cao, dễ trồng, không đòi hỏi chăm sóc và bón phân nhiều như tre bát độ nên được người dân địa phương ủng hộ hơn khi chọn loại cây trồng ở địa phương.
    Cần chú ý vấn đề lai tạo mai xanh với các loài tre bản địa khác như tre mỡ lạng sơn, mai, luồng... để nâng cao năng suất và chất lượng măng, đồng thời tạo ra những nòi lai lớn nhanh, có sức chống chịu bệnh tốt.
    Tài liệu tham khảo
    1. Lê Viết Lâm (2005). Điều tra bổ sung thành phần loài, một số đặc điểm sinh thái các loài tre chủ yếu ở Việt Nam, Đề tài cấp Bộ;
    2. Nguyễn Khê (2004). Nhân giống tre Điền trúc và Bát Độ. Báo Nông Nghiệp, số 234 (2037): 11. ngày 23/11/2004;
    3. Phạm hoàng Hộ (2000). Cây cỏ Việt Nam. Quyển III: 618. Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh;
    4. Vũ Dũng (1991). Các loài tre nứa ở Việt Nam, Tóm tắt một số công trình nghiên cứu 30 năm điều tra quy hoạch rừng, Viện điều tra quy hoạch rừng;
    5.Academia Sinica (1996). Poales.Flora Reipublicae Popularis Sinicae. Tomus 9 (1): 162-164. Science Press (Trung văn);
    6. Dransfield S. and Widjaja E.A. (Editors) (1995). Bamboo. Plant Resources of South- East Asia. 7: 87- 90. Bogor Indonesia.