CÁNH KIẾN

CÁNH KIẾN

CÁNH KIẾN

  • Tên khoa học : Mallotus philippensis (Lamk.) Muell- Arg., 1865
  • Họ : Thầu dầu - Euphorbiaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG: lấy dầu
  • Phân bố : Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Bắc, Quảng Ninh (vùng Đông Bắc); Sơn La, Hoà Bình (vùng Tây Bắc) và Thanh Hoá, Nghệ An (Bắc Trung Bộ)

  • Hình thái

    Cây gỗ nhỏ đến trung bình, thường xanh, cao 5-10(-20)m, đường kính 10-20 (-30) cm, tán hẹp. Thịt, vỏ thân có nhựa mủ đỏ. Cành mọc chếch; cành non có lông mềm màu gỉ sắt và có tuyến màu đỏ nâu, cành già màu xám đen.
    Lá mọc so le, chất da, hình lưỡi mác hoặc hình trứng, dài 5-16cm, rộng 3-7cm, gốc tròn hay hình nêm, đầu thuôn hay có mũi nhọn, mép nguyên, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông trắng nhỏ và lấm tấm các tuyến nhỏ màu đỏ; 3 gân toả từ gốc lá; cuống lá dài 1-4cm,có lông màu gỉ sắt và 2 tuyến ở chỗ tiếp giáp với phiến lá. Lá non màu hồng tím; lá kèm sớm rụng.
    Hoa nhỏ, đơn tính khác gốc, mọc thành bông ở đầu cành có lá ở phía dưới. Cụm hoa đực mọc thành bó, các bông hình chuỳ ở đầu cành hay ở nách, dài 2-10(-16)cm, 3 lá đài có lông ở mặt ngoài; nhị 25 hoặc rất nhiều. Cụm hoa cái hình bông hay chùm mảnh, hoa có 3 lá đài không đều; bầu 3 ô có lông hình sao, 3 núm nhuỵ.
    Quả nang hình cầu,hơi bị ép, 3 - thuỳ, vỏ ngoài phủ đầy lông và tuyến nhỏ màu đỏ nhạt hay màu da cam. Hạt 3, hình trứng hay hình cầu, rộng 4mm, màu đen.

    Phân bố

    Việt Nam:
    Cây phân bố khá phổ biến ở các tỉnh miền núi và trung du, từ Hà Giang đến Kiên Giang, kể cả các đảo lớn như Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo... Thường gặp nhất là ở các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Bắc, Quảng Ninh (vùng Đông Bắc); Sơn La, Hoà Bình (vùng Tây Bắc) và Thanh Hoá, Nghệ An (Bắc Trung Bộ).
    Thế giới:
    Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka và châu Úc.

    Đặc điểm sinh học

    Cây mọc trong các rừng nhiệt đới thường xanh, từ độ cao ngang mặt biển đến 1.500m, tập trung nhiều ở độ cao 200-600m. Thường mọc ven các rừng thứ sinh, rừng nghèo kiệt đã bị mở sáng mạnh; cũng gặp cây cánh kiến ở các trảng cây bụi và trảng cỏ còn cây gỗ. Thường mọc lẫn hu ba soi, hu ba bét, me rừng, thàu táu, thành ngạnh. Cây mọc đơn độc hay thành đám 5-6 cây một; rất ít khi trở thành loài cây ưu thế ở tầng thấp. Cây mọc được trên nhiều loại đất khác nhau, có thể chịu khô hạn và lửa rừng nên thường tồn tại sau nương rẫy. Ở đồng bằng và trung du, cây mọc thành lùm bụi quanh làng, ven lối đi.
    Loài cây ưa sáng, tái sinh bằng hạt rất tốt do có số lượng hạt nhiều. Tái sinh bằng chồi cũng rất tốt; cây bị chặt sát gốc càng nảy chồi nhanh và mạnh.
    Cây mọc hơi chậm, theo số liệu của Ấn Độ, tăng trưởng đường kính hàng năm khoảng 0,65cm.
    Mùa hoa quả tháng 3-4
    Công dụng
    Từ lâu, các nước Nam và Đông Nam Á đã dùng các tuyến màu đỏ bao quanh vỏ quả chín của cây cánh kiến để nhuộm màu vàng da cam cho lụa tơ tầm. Tên thuốc nhuộm “Kamala” lấy từ cây này đã nổi tiếng trên thị trường quốc tế. Thuốc nhuộm từ cây được dùng để nhuộm thực phẩm và nước uống.
    Trong y dược, quả cây cánh kiến được dùng trị giun sán cho người và động vật. Một số vùng của Việt Nam, nhân dân dùng vỏ thân cây, cạo rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô sắc với 200ml nước, còn 50ml uống 1 lần trong ngày để chữa tiêu chảy. Cư dân một số địa phương còn dùng vỏ cây cánh kiến phối hợp với vỏ thanh mai chữa nước tiểu vàng. Ở Ấn Độ và Nê Pan bột từ các tuyến vỏ quả dùng chữa sán, ghẻ, hắc lào, nấm da...
     Hạt của cây cho loại dàu béo có thể thay dàu trẩu (tung oil), dùng làm sơn và vecni khô nhanh. Dầu hạt cũng được dùng trong mỹ phẩm.
    Ở nước ta thường thấy cánh kiến tự nhiên sinh sống và làm tổ nhựa trên các cành của cây này, (vì vậy mới có tên là cây cánh kiến). Đây là một trong các loài cây chủ dùng gây nuôi cánh kiến của Ấn Độ và Việt Nam. Muốn thu nhựa cánh kiến trên cây, ở các vùng có phân bố loài sâu cánh kiến đỏ (Laccifer lacca), tháng 4-5 hoặc 10-11 hàng năm, người dân địa phương vào rừng, quan sát trên các cành bánh tẻ của cây có tổ nhựa của sâu cánh kiến thì thu lấy mang về dùng.
    Gỗ của cây có thể làm các dụng cụ và làm củi hoặc làm gỗ chế bột giấy. Lá làm thức ăn gia súc.
    Bộ phận dùng: Thuốc nhuộm lấy từ các tuyến màu đỏ bao quanh quả chín của cây cánh kiến; thuốc nhuộm này không tan trong nước lạnh và tan ít trong nước sôi, nhưng tan nhanh và cho dung dịch màu đỏ trong cồn và ether. Thành phần chính của chất màu là rottlerin (C30H28O8) và isorollerin, chiếm khoảng 11% trọng lượng (khô tuyệt đối) của chất bột của các tuyến bao quanh quả chín. Các thành phần khác của thuốc nhuộm là chất nhựa dầu (resin) chiếm khoảng 65%, chất sáp 2%, ngoài ra còn một lượng nhỏ tanin và nhựa. Hạt chứa khoảng 20% trọng lượng là dầu béo hoặc ít hơn. Dầu hạt màu nâu đen đến vàng nhạt. Loại acid béo chính của dầu hạt là kamlolenic (khoảng 60%), hạt cũng chứa loại glycoside độc. Rễ, thân và lá cây chứa hydrogen cyanic là một acid độc. Vỏ chứa 6-10% tanin, lá có tanin nhưng ít hơn.

    Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

    Có thể gieo hạt ở vườn ươm vào đầu mùa mưa. Thường tỷ lệ nảy mầm của hạt rất thấp, do hạt có dầu, khó bảo quản và bị côn trùng phá hại, vì vậy nên gieo cự ly gần nhau, khoảng cách giữa các hạt là 5x5cm. Sau đó nếu quá dày có thể tỉa bớt khi cây con lớn lên.
    Sau một năm có thể mang cây từ vườn ươm đi trồng. Muốn cất trữ hạt, phải để trong các hộp thiếc hoặc hộp rất kín. Có thể cất trữ hạt trong vòng 6 tháng mà không giảm khả năng nảy mầm nhiều.
    Cây cũng có thể trồng bằng các chồi rễ. Nhưng hiện nay chưa nơi nào trồng cây cánh kiến trên qui mô lớn.
    Chăm sóc: Chú ý chăm sóc bằng cách xới đất, vun gốc, chặt bớt dây leo, cây bụi xâm lấn cho cây trong 2 năm đầu.

    Khai thác, chế biến và bảo quản

    Thu các tuyến màu đỏ bao quanh quả chín (bột kamala) của cây bằng cách ngắt quả, phơi khô trong nắng nhẹ, rồi để quả trong một cái mẹt tre, đập và xoa nhẹ hoặc cho quả vào nước khuấy mạnh. Ở Việt Nam, thường để quả khô trong một cái rây, xoa và rây nhẹ sẽ được một thứ bột màu đỏ, không mùi, không vị. Đó là bột kamala ; bột này chỉ chiếm 1,5-4% trọng lượng quả chín nên giá của nó rất đắt. Vì vậy khi nhuộm thường trộn bột này với các thuốc nhuộm nguồn gốc thực vật hay khoáng vật khác. Thí dụ khi nhuộm len và lụa sẽ trộn 4 phần bột kamala, 1 phần phèn chua và 2 phần bicarbonat natri, trộn đều chúng dưới dạng bột rồi thêm một ít dầu vừng và đun trong chảo. Màu da cam hoặc đỏ này dễ bay nhanh khi giặt xà phòng hay ở môi trường a xít, nhưng khá bền khi phơi ngoài nắng.
    Dầu hạt có thể chiết xuất bằng et xăng nhẹ, benzen, ethyl ête hay ethyl axêtat.

    Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn

    Hiện nay người ta ít nhuộm bằng chất màu lấy từ cây cánh kiến vì giá đắt so với các thuốc nhuộm tổng hợp. Nhưng chất màu thiên nhiên này rất có triển vọng để nhuộm màu thực phẩm vì nó cho màu đẹp lại không có độc tố ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Cần nghiên cứu để sử dụng loại thuốc nhuộm này trong công nghệ thực phẩm.